Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Biệt thự...phế tích

VĂN VIỆT

Thời kỳ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, hàng ngàn ngôi biệt thự mang dấu ấn kiến trúc Pháp đã được thiết kế xây dựng tại Đà Lạt. Nằm thấp thoáng trong rừng thông xanh, lượn vòng quanh bình nguyên nhấp nhô, những dáng vẻ biệt thự đa dạng đã phối cảnh với thiên nhiên thành phố này được so sánh như là một “Paris nhỏ”. Vậy mà giờ đây nét “nhan sắc” xinh đẹp ấy, bỗng trở nên xơ xác, tàn tạ. Di sản kiến trúc của Đà Lạt, của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ hóa thành…phế tích!

MỘT BẢO TÀNG RÁCH RƯỚI, HOANG TÀN

Sau giải phóng, nhà nước quản lý hầu hết hệ thống biệt thự Đà Lạt theo diện nhà vắng chủ, nhà cải tạo…sau đó phân bổ làm công sở của các cơ quan trung ương và địa phương. Các ngành du lịch, thương mại…cũng được giao “một khoản quỹ biệt thự” không nhỏ để kinh doanh.
Thống kê của cơ quan chức năng Lâm Đồng cho biết: Quỹ biệt thự hiện đã giao bằng hình thức chuyển vốn (trị giá tài  sản) cho các cơ quan nhà nước quản lý có tất cả 66 căn với tổng diện tích hơn 20.423 mét vuông. Mục đích ban đầu dùng làm công sở nhưng theo thời gian bị “xé rào” cho cán bộ, công nhiên viên vào tá túc ở, ngăn thành từng dãy nhà tập thể. Từng biệt thự bị “giải phẫu” ngăn thành từng căn hộ. Phong trào tăng gia sản xuất, chăn nuôi cải thiện đời sống phát triển mạnh càng làm cho số phận biệt thự bị biến dạng nhanh hơn. Không chỉ rách nát, vá víu khắp nơi mà nhiều diện tích trong phạm vi sân vườn còn tự do cơi nới, lấn chiếm để buôn bán đủ thứ “hầm bà lằng”, trồng um tùm cà phê hoặc dựng lên những giàn su su xập xệ, nhăng nhít như mạng nhện. Dễ thấy nhất trong số biệt thự “ngoài vòng pháp luật” này nằm trên trục đường Hùng Vương, trước đây giao cho một công ty xuất nhập khẩu của tỉnh Lâm Đồng để “làm ăn”.
Trong số 34 ngôi biệt thự (gần 9.800 mét vuông) của một góc “bảo tàng sống” về kiến trúc Đà Lạt lâm cảnh hoang tàn thảm hại, chiếm phần lớn do Công ty Du lịch Lâm Đồng trực tiếp “khai thác tiềm năng”. Đó là 15 ngôi biệt thự khu Lê Lai-Nguyễn Khuyến bị “vứt bỏ” vào đầu những năm’90 sau khi công ty này chỉ làm ăn “ba bảy hăm mốt” ngày. Lợi dụng cơ hội này, lũ lượt các hộ dân kéo nhau “nhảy dù” vào chiếm cứ ở và…buôn bán trao tay. Gần như toàn bộ hệ thống cửa, tủ ngầm, cầu thang bằng vật liệu gỗ, kính có giá trị đã bị tháo gỡ, đánh cắp ráo riết. Một đội quân di cư tự do khá đông từ ngoài tỉnh hè nhau đến khu biệt thự “mua” ở, họ tha hồ cơi nới lập các trại mộc; đục khoét khuôn viên đất rừng đặt máy đãi thiếc tại chỗ…Cả thảy với 100 hộ gia đình cùng gà qué, heo, bò sống chung trong khu biệt thự!
Ở khu biệt thự đường Trần Hưng Đạo còn “phô” ra những “mảng tối” tiêu điều hơn. Không hiểu cách liên doanh với một đối tác bên ngoài sao đó mà mười mấy ngôi biệt thự vốn xinh đẹp nơi đây bị bỏ rơi không thương tiếc cả chục năm nay. Cả dãy dài biệt thự “nuôi” cỏ dại bám rễ, bao phủ sum sê.  Hầu như ngôi biệt thự nào cũng chỉ còn trơ ra những bộ xương khô khốc, “thương tích” đầy mình. Chưa hết, mấy ngôi biệt thự nguy nga trước đây ở đầu đèo Prenn, nay số bỏ hoang, số cho một doanh nghiệp ở ngoài tỉnh sử dụng…làm kho chứa gas; thậm chí số khác hóa thành một tụ điểm để khách du lịch mách nhau đi xem…“biệt thự ma”
Ngoài ra còn có 87 ngôi biệt thự, tổng diện tích gần 19 ngàn mét vuông đang “chứa” 503 hộ gia đình, trong đó chỉ hơn một nửa có hợp đồng thuê nhà với Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt và Công ty Kinh doanh và Phát triển nhà Lâm Đồng; còn lại đều đang ở “lụi”. Thực tế người ở nhà biệt thự thuê- mấy ai chịu tôn tạo, sửa chữa theo đúng thiết kế quy định, mong muốn làm tăng vẻ đẹp cho nét “bảo tàng kiến trúc” cho căn hộ mình, cho cả phố phường (?!)

BẢO TỒN DI SẢN BẰNG CÁCH NÀO?!

Trước thời điểm ban hành nghị định 61/CP ngày 5-7-1994 về mua bán và kinh doanh nhà ở, UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan đơn vị nhà nước của trung ương và địa phương tại Đà Lạt đã bán hóa giá hơn 1.000 ngôi biệt thự cho đối tượng hộ gia đình. Đến nay, tỉnh đã ban hành 871 quyết định truy thu tiền nhà, đất với tổng số tiền hơn 23 tỷ đồng nhưng người được hóa giá nhà mới chỉ nộp vào kho bạc hơn 11,7 tỷ đồng. Hiện còn khoảng 200 trường hợp do các cơ quan, đơn vị tự tổ chức bán hóa giá, nay phải tiếp tục lập hồ sơ xử lý truy thu theo quy định.
Tỉnh Lâm Đồng đang ra một dự toán khoảng 98 tỷ đồng ( trừ kinh phí đầu tư, cải tạo, sữa chữa biệt thự sau khi giải tỏa) mới đủ đền bù giải tỏa và xây dựng chung cư mới để di dời những hộ gia đình đang ở trong biệt thự.  Di dời, giải tỏa theo từng cụm, từng đường phố và “lộ trình” tiến hành kéo dài trong 2 năm 2004-2005.
Cho đến thời điểm tháng giêng năm 2004, khu biệt thự Lê Lai-Nguyễn Khuyến đã hoàn tất việc giải tỏa 105 hộ tự chiếm dụng ở, Công ty Kinh doanh và Phát triển nhà Lâm Đồng đã đưa quỹ biệt thự này vào mục đích khai thác dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Khu biệt thự Trần Hưng Đạo do liên doanh DRI bỏ mặc tình trạng tái lấn chiếm, nay đã giải tỏa 27 hộ. Chủ trương chung của tỉnh Lâm Đồng là “mời” những hộ đang ở biệt thự của nhà nước chuyển đến nơi ở mới đã quy hoạch trước, nhằm sắp xếp, bố trí sử dụng quỹ biệt thự gắn liền với chỉnh trang đô thị, phù hợp quy hoạch chung của thành phố Đà Lạt đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 409 ngày 27-5-2002.
Tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt sẽ ưu tiên hình thức cho thuê biệt thự dài hạn  (20 năm đến 50 năm). Chỉ cho thuê vào mục đích kinh doanh nghỉ dưỡng, làm văn phòng. Việc sửa chữa, trùng tu, nâng cấp bắt buộc không làm thay đổi hình dáng, kiến trúc công trình và phải có dự án được tỉnh chấp thuận.
Dẫu có muộn còn hơn không. Nhưng bài học về sự buông lỏng quản lý, bảo vệ, gìn giữ những công trình biệt thự cổ xưa của Đà Lạt, một di sản kiến trúc của Việt Nam chắc hẳn đã quá đau xót, thấm thía và sẽ không còn lặp lại?!./. 
THÁNG 01.2004