Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Đạ Lây hiếu học

VĂN VIỆT

5 năm trở lại đây, xã vùng xa Đạ Lây, Đạ Tẻh luôn đạt tỉ lệ 100% trẻ em từ 4 tuổi đến 6 tuổi đến trường. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học, đậu lên cấp 2  liên tục đạt 100%. Hiện có gần 140 con em của xã đang học cấp III và cấp cao đẳng, đại học. Hình ảnh vượt khó đi học đều, học giỏi rất quen thuộc từ đầu thôn cuối xóm nơi đây.

 Về Đạ Tẻh, không ai không biết tiếng gia đình ông Nguyễn Văn Lê có 6 nguời con đạt học vị từ cao đẳng, đại học đến thạc sĩ và…còn đi lên nữa. Gia đình ông Lê là hộ gia đình kinh tế mới xã Đạ Lây từ những năm sau giải phóng. Đến nay những tấm gương học tập như những người con gia đình ông Lê ở Đạ Lây ngày một nhiều thêm. Lê Minh Thiện, học sinh lớp 9, Trường Trung học cơ sở Hương Lâm là một ví dụ. Hôm chúng tôi đến thăm, Thiện vừa hoàn thành kỳ thi học giỏi Anh văn toàn huyện Đạ Tẻh. Và Trước đó, Thiện đã có kết quả đoạt “hạng khuyến khích” giải toán toàn tỉnh.       
Nhà Lê Minh Thiện nghèo, không có tiền mua đất sản xuất. Thiện là đứa con thứ 2 trong gia đình 5 người. Ba Thiện là một thợ máy bình thường ở làng nên thu nhập ít ỏi. Hàng ngày, hàng đêm, Thiện cùng người chị và đứa em út giúp Ba Mẹ gia công cạo bóc vỏ hạt điều. Thời gian nào cháu Thiện học ôn bài ở nhà ? Anh Lê Minh Tâm, ba của Thiện nói “Gia đình không có tiền cho cháu đi học thêm. Sách cũng vậy. Cháu chỉ học trong sách giáo khoa. Hình như chủ yếu cháu Thiện học thuộc bài tại lớp thì phải ?! ” Đưa lời hỏi này sang cháu Thiện thì được trả lới lễ phép : “Dạ. Hàng ngày, hàng đêm, cháu cạo vỏ hạt điều cật lực cũng kiếm được cho ba mẹ 10 ngàn đồng. Cháu thường tranh thủ học lại bài trên giường trước khi ngủ và trước giờ đến trường. Mùa thi cháu phải thường thức khuya làm gia công hạt điều và dậy sớm ba, bốn giờ sáng học bài… ” Khó khăn về điều kiện kinh tế gia đình, điều kiện thời gian, nhưng 9 năm liền, Thiện đã vượt qua một cách xuất sắc nhiệm vụ lớp phó học tập ở trường và liên tục nhận danh hiệu học sinh giỏi.
Ở một gia đình khác-gia đình anh Phạm Đức Thuận có 2 con gái chuẩn bị bước lên lớp 10 và lớp 8, năm nào cũng đạt học sinh giỏi cả hai cấp trường và cấp huyện. Hai vợ chồng anh Thuận có 01 ha mía và 02 sào ruộng lúa, quanh năm làm quần quật mới có dư chút đỉnh. Xây dựng được căn nhà gỗ nho nhỏ, nhưng căn phòng chính bố trí diện tích lớn làm nơi học tập riêng cho hai cháu. 
Rồi dành dụm qua nhiều vụ mùa, vợ chồng anh Thuận sắm cho hai người con gái mỗi đứa một chiếc xe đạp riêng ngày ngày đạp xe đến trường. “Ngày xưa tôi cũng như vợ tôi khổ quá, vất vả quanh năm không đủ cái ăn nói gì đến đi học. Bây giờ vợ chồng tôi quyết tâm giành tất cả sự đầu tư cho hai đứa con gái học hành đến nơi đến chốn.  ”  
Phó chủ tịch UBND xã Đạ Lây, Phạm Đình Tuấn là một người hiếu học từ hai mươi mấy năm trở về trước đến giờ. Từ Huế vào định cư Đạ Lây là tiếp tục học kỳ II của lớp gần cuối cấp II. Khu vực Đa Tẻh hồi đó không có trường cấp II, Tuấn phải lội bộ ra Madaguoi học quãng đường xa 30 cây số vắng vẻ người đi. Rồi ở trọ lại học, tự lo nấu nướng, mỗi tháng về Đạ Lây một lần mang gạo, mắm muối trở ra học. Quyết chí dồn tất cả lên sự học, Tuấn đã tốt nghiệp được phổ thông trung học. Và hiện nay là con đường học của anh Tuấn vẫn còn liên tục đi lên nữa, góp sức hiếu học của mình vào thành tích khuyến học chung của toàn xã. Đến nay Đạ Lây đã củng cố, tăng cường 12 tổ chức khuyến học trên tất cả các thôn, trường học và…tổ chức đồng hương. Chủ tịch Hội khuyến học của xã là Chủ tịch UBND xã. Tất cả các tổ chức chính trị xã hội trong xã đều lấy kết quả học tập hàng năm làm một tiêu chí để đánh giá, bình xét thi đua. Nhờ việc học được đặc biệt quan tâm hàng đầu nên từ năm 2004, xã Đạ Lây đã được công nhận đạt chuẩn trung học cơ sở, xóa mù cấp tiểu học. Xã có 2 Trường Tiểu học Hùng Vương và Trường Mầm non Hoa Mai luôn được nâng cấp, xây dựng mới ngày một khang trang hơn. Năm ngoái, nơi làm việc của Đảng ủy xã được chuyển về một phòng tại khu vực UBND xã, chuyển giao lại 1.500 mét vuông để xây phân hiệu chính của Trường Mầm non Sao Mai. Nay đã được khánh thành, đưa vào sử dụng với 30 lớp học.
Phó chủ tịch xã Đạ Lây, Phạm Đình Tuấn cho biết thêm, mấy năm gần đây chỉ có duy nhất 01 học sinh ở xã phải nghỉ học vĩnh viễn khi ở lại lớp 5 do tố chất học sinh này không tiếp thu được bài học nữa. Tỉ lệ hộ nghèo của xã còn 37%. Tuy nhiên những trường hợp vì nghèo quá không mua nổi quần áo, bút mực đến trường thì xã luôn vận động ủng hộ kịp thời. Xã không xuất hiện một trường hợp nào học sinh bỏ học. 
Chỉ ao ước hiện nay là xây được một trường cấp II ở xã Đạ Lây. Lâu nay học sinh Đạ Lây vẫn đến trường cấp II, III ở cụm xã Hương Lâm, những gia đình có con em ở ven đường tỉnh lộ 721 thì đi học bằng phương tiện xe đạp có thể vượt  khó được. Nhưng những học sinh ở các thôn xa trong xã phải lội bộ qua đồng ruộng, nên luôn thức khuya dậy sớm mới đến trường kịp giờ học. Hy vọng trong năm học mới, đề xuất này của xã Đạ Lây sẽ được ngành giáo dục của huyện Đạ Tẻh, của tỉnh Lâm Đồng quan tâm hơn./.     
Tháng 6/2006