Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Trại nấm mười hai tỷ đồng

VĂN VIỆT
Sau hơn 2 năm hoạt động, Công ty cổ phần Nguyên Long, Đà Lạt đã đầu tư hơn 12 tỷ đồng xây dựng hoàn chỉnh khu trại nuôi trồng nấm hương, nấm cẩm thạch và nấm đông trùng hạ thảo, tọa lạc diện tích trên hơn 01 ha tại thung lũng Đạ Đum, xã Đạ Sar, Lạc Dương, thu hút hàng chục lao động địa phương.

Tiến sỹ Trương Bình Nguyên, cố vấn kỹ thuật của Công ty cổ phần Nguyên Long cho biết: nấm hương, nấm cẩm thạch và nấm đông trùng hạ thảo là 3 loài “nấm thuốc” quý hiếm được Công ty cổ phần Nguyên Long tiến hành trồng thử nghiệm rồi nhân giống trồng thành công trên diện rộng trong hơn 2 năm qua, chính thức mang thương hiệu Việt Nam cạnh tranh với các thương hiệu sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…Ước tính trong 120 tấn nấm tươi nhập khẩu về Việt Nam mỗi tuần đến từ các nước này, chiếm 20% là nấm hương, 5% là nấm cẩm thạch, hiện nay giá trung bình mỗi ký lần lượt từ 90- 100 ngàn đồng. Nấm hương và nấm cẩm thạch có các dược tính đào thải chất phóng xạ trong cơ thể, phòng ngừa ung thư, gia tăng tuổi thọ. Nấm đông trùng hạ thảo với những dược tính dùng để điều trị các bệnh ung thư phổi, rối loạn nhịp tim, suy thận, viêm gan mãn tính…
Qua nghiên cứu với khí hậu ôn hòa của vùng Đạ Sar, Lạc Dương, Công ty cổ phần Nguyên Long, Đà Lạt quyết định nhân giống trồng thử nghiệm nấm hương, nấm cẩm thạch và nấm đông trùng hạ thảo từ đầu năm 2011. Trong đó di thực về  từ các nước Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…với 20 loài giống nấm hương và 4 giống nấm cẩm thạnh khác nhau để chọn ra mỗi giống một loài sinh trưởng phù hợp nhất để hoàn chỉnh quy trình nuôi trồng, thu hoạch đại trà. Đến nay trên diện tích 01 ha, Công ty cổ phần Nguyên Long đã xây dựng các hệ thống nhà sản xuất, nuôi trồng nấm gồm: 10 nhà sản xuất nấm hương, diện tích mỗi nhà nấm 50 mét vuông ( 01 giàn treo), mỗi ngày thu hoạch trên dưới 200 kg nấm tươi; 06 nhà sản xuất nấm cẩm thạch, diện tích mỗi nhà nấm 60 mét vuông ( gồm 5 tầng), mỗi ngày thu hoạch trên dưới 100 kg nấm tươi;  500 mét vuông nhà sản xuất nấm đông trùng hạ thảo đã đạt những thành công bước đầu, đưa ra thị trường bán với sản phẩm dạng bột mịn, giá 100 gam với trên dưới 01 triệu đồng; 800 mét vuông sản xuất phôi nấm giống trên một dây chuyền tự động gồm các công đoạn đóng chai, đóng bịch, cấy giống, vô trùng, làm mát…  
“Quy trình nuôi trồng giống nấm hương và giống nấm cẩm thạch đều được phối trộn từ mạt cưa của cây cao su với cám gạo, cám bắp, thạch cao… ”- Tiến sỹ Trương Bình Nguyên cho biết thêm. Theo đó sẽ tiếp tục phối trộn qua các công đoạn xử lý công nghệ cao để tạo thành phôi giống, rồi từ phôi giống đưa vào nhà nấm nuôi trồng bằng các giải pháp sinh học ( tưới bằng nguồn nước ngầm trong sạch, không bón phân…) đến 30 ngày sau là thu hoạch. Sản phẩm nấm hương dùng ăn tươi và có thể phơi khô để dùng lâu ngày; sản phẩm nấm cẩm thạch chỉ dùng ăn tươi. Tiến sỹ Nguyên cũng nói rằng “có nghe” trong nước có các tỉnh miền núi phía Bắc sản xuất nấm hương, nhưng “chưa thấy” bày bán sản phẩm ở thị trường phía Nam. Còn sản phẩm nấm cẩm thạch thì “chưa nghe” nơi nào trong nước trồng. Với giá thị trường luôn cao hơn trên dưới 10 lần so với các loài nấm thông thường như nấm mèo, bào ngư, nhưng nấm hương và nấm cẩm thạch của Công ty cổ phần Nguyên Long, Đà Lạt ( bán bằng giá nấm cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài) vẫn luôn luôn “khát hàng” vì nhu cầu tiêu thụ đang rất lớn.
Dự kiến từ nay đến hết tháng 6/2013, Công ty cổ phần Nguyên Long, Đà Lạt phát triển thêm 10 nhà sản xuất nấm mỡ, diện tích mỗi nhà nấm là 50 mét vuông (mổi nhà ngăn thành 4 tầng), sản lượng thu hoạch mỗi ngày trên dưới 100 kg nấm tươi. Đây cũng là một loài nấm cao cấp với thị trường tiêu thụ rất tiềm năng, giá bán cũng tương đương với giá nấm hương và nấm cẩm thạch. Hiện tại với diện tích 01 ha trại nấm tại thung lũng Đạ Đum, xã Đạ Sar, Lạc Dương nói trên, Công ty cổ phần Nguyên Long, Đà Lạt chỉ mới đủ năng lực sản xuất phôi nấm giống các loại để cung cấp cho việc nuôi trồng tại chỗ. Muốn cung cấp và chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm cao cấp này đến từng người nông dân ở Lạc Dương, Đà Lạt và các vùng phụ cận khác, Công ty cổ phần Nguyên Long, Đà Lạt phải cần có thêm nhiều ha diện tích đất sản xuất nữa, điều này đang vượt khả năng hiện có của công ty. /.
Tháng 4/2013