Phóng sự VŨ VĂN
Cách trung tâm huyện Lâm Hà ( Lâm Đồng) áng chừng 10 cây số là khu đồi bãi vàng thuộc thôn 4, xã Đạ Đờn. Nó tồn tại bốn, năm năm qua và mặc nhiên dân vàng “giao dịch” với nhau theo những cam kết riêng. Cuộc sinh kế đỏ đen đã đưa người này lên vị thế cai thầu; người kia chịu cảnh làm phu…Nhưng chung quy ở họ đều phó thác số phận của mình nơi vùng đất chết.
Cả trăm giếng vàng trái
phép
Trong
vai một người đi mua hầm bãi vàng, phóng viên chúng tôi ghé vào một căn nhà mới
xây đỏ sẫm ở phía đầu làng đào vàng thuộc thôn 4, xã Đạ Đờn. Nghe hỏi, chàng
thanh niên chủ nhà tên Long kêu khổ:
“Làm vàng mỗi ngày mỗi khó lắm anh ơi. Vàng lộ thiên hết sạch trơn rồi. Chỉ
toàn những hầm có độ sâu 50 mét trở lên mà thôi !” Hóa ra Long là một tay chủ
bãi đầy “máu mặt” ở vùng này. Ngày đầu tập tễnh lên núi cao đào vàng, Long đem
hết vai u thịt bắp cuốc vỡ từng tảng đất, đục khoét từng khối đá mồ côi… đến
tóe máu, đứt hơi. Cứ canh chừng vắng bóng công an, kiểm lâm, quân đội, môi
trường..là Long cùng người làng rồ ga “con min-khờ” cố sức trườn lên đồi bãi.
Chẳng màng ngày nắng đêm mưa, hễ tranh thủ được giờ rảnh rang đồng áng là đi
đào. Đào hì hục đến ba, bốn năm sau, Long gặp vận may “trúng” được vài chục
triệu đồng. Càng đào, càng bị đất vàng mê hoặc. Bất chấp pháp luật và cả tính
mạng của mình, Long nhảy vọt lên từ tay thợ thủ công đào bới và đục đẽo, đã
ngoi lên sắm sửa máy móc, “chiêu mộ” thợ bãi chuyên nghiệp, trở thành ông chủ
cai thầu xếp hàng đầu của làng đào vàng này.
Dẫn
phóng viên ra phía góc sân trước nhà, Long chỉ một cỗ máy xay nghiền đất đãi vàng
được che bỡi tấm bao tời rách nát. Xung quanh chất đầy hàng chục bao đất vừa
chở về từ bãi. Phóng viên hỏi cỗ máy này tậu hết bao nhiêu tiền, thay vì trả
lời thẳng, Long lại đi vòng vo: “Muốn có hầm, có đủ máy móc, trong tay từ 20
“quân” trở lên làm công có thu mỗi ngày… phải đầu tư ít nhất là 300 triệu đồng
!” Vốn lớn quá. Bao giờ lấy lại được ? Long chiết tính rằng, 300 triệu đồng là
giá sang nhượng lại hệ thống giếng vàng sâu hơn 50 m, nối với đường hầm ngầm
chạy dài hơn trăm mét. Dưới đó trang bị một dây chuyền khai thác, sản xuất vàng
hoàn chỉnh. Nếu “thuận buồm xuôi gió” thì chỉ cần một năm sau là hoàn được vốn.
Năm thứ hai bắt đầu thu lợi. Như hai vợ chồng của Long từ nông dân kiêm nghề
khai khoáng trái phép, đã và đang sống một đời sống khá dư dật, nhởn nhơ. Người
vợ chuyên lúi húi nấu nướng cơm nước ba bữa cho 20 “quân” làm thuê, trả công
mỗi người từ 01 triệu đồng đến 1,2 triệu đồng mỗi tháng. Người chồng lên bãi
xuống hầm đảo mắt coi ngó ngày đêm. Hạch toán quân bình ngày thường vợ chồng
Long thu về trên dưới một triệu đồng. Những ngày “trúng luồng” có thể kiếm gọn hơn 10 triệu đồng…
Long
còn nói thêm những căn cứ thuyết phục hơn: Hiện thời trên bãi muốn khai thác
giếng vàng mới đâu dễ. Thứ nhất là tốn rất nhiều công sức, hao phí thời gian mà
chưa biết chắc thu được bao nhiêu vàng hay không chừng lại gặp “mo”. Thứ hai
chỉ vài tháng nữa là đến mùa mưa, dưới lòng đất đang chằng chịt những hầm địa
đạo của hàng chục chủ bãi khác. Người lạ khai thác hầm vàng lạ e sẽ gặp nhiều
sự cố bất thường, nguy hiểm lắm.
Mới
hiểu vì sao cái tên thôn 4, xã Đạ Đờn này không ngẫu nhiên mà được “định danh”
là làng đào vàng. Mười mấy năm trước, hơn trăm hộ dân di cư tự do từ một tỉnh
phía Bắc vào đây. Gánh nặng trên vai chính quyền địa phương, nhưng rồi phải tìm
cách bố trí đất sản xuất, xây dựng điện-đường-trường-trạm, phân lô đất quy
họach lập nhà ở ổn định từng gia đình đến ngày nay. Nhà nào cũng có ruộng lúa
nước, rẫy cà phê thu hái quanh năm. Cuộc sống đang chiều bình lặng thì bất ngờ
trên một khu đồi cà phê phía sau làng có người phát hiện ra vàng trong đất. Thế
là cả ngàn mét vuông đồi đất bao bọc những luống cà phê đang lên xanh bỗng chốc
biến thành đất chết; lòng đất bị đào xới tung lên; và những cuộc mua bán, sang
nhượng, đổi chác…từng căn hầm địa đạo, từng ô giếng đào vàng sâu hút mắt…diễn
ra không ngớt đến bây giờ. Hầu như nhà nào cũng có người hàng ngày chui xuống
lòng đất đào vàng. Trên dưới 100 cửa hầm trái phép, từng giờ đang nới phình ra
và khoét sâu hơn xuống lòng đất, mơ hồ cho những ngày kia tìm thấy cả kho vàng
(?!)
Muốn nhiều vàng
phải…“cảm tử”
Nhưng
“Long cai thầu” chỉ là người thường trú tại địa phương biết danh tánh nhờ gặp
“số đỏ”. Với người ngoài tỉnh như “Dục
cô đơn” được người “đồng bãi” xuýt xoa nể phục nhờ bản tính “cảm tử” dưới lòng đất
lạnh. 34 tuổi, biệt hiệu “Dục cô đơn” là bởi chàng ta có bề dày lang bạt khắp
nơi đào vàng từ tuổi thành niên vào đời. Vào bãi vàng Đạ Đờn mới đôi ba năm,
“Dục cô đơn” đã “thiết kế” rồi chiếm giữ một giếng vàng sâu đến 80 mét, thông
với hầm địa đạo dài 50 mét có dư. Người em ruột của “Dục cô đơn” tên là Oai vừa
được kéo nhấc lên khỏi hầm địa đạo-đã mau miệng kể: Năm đầu tiên, “Dục cô đơn”
đào được bao nhiêu vàng gom hết vào đầu tư lần lượt những cỗ máy nổ, đánh, đầm,
xay, khoan hơi…Kế tiếp kêu gọi “phía đối tác” là những “quân cảm tử” đã sống
sót qua những bãi vàng trở về. Nhờ tỉ lệ ăn chia khá hấp dẫn ( “Dục cô đơn”
hưởng 30%; “quân cảm tử” hưởng 70%) nên hai bên làm ăn có trước sau, hết mình
đến tận giờ.
Năm ngoái cả hầm trúng đậm vài trăm cây vàng, “chủ ” và “tớ” chia
nhau sòng phẳng, mỗi người bỏ túi hàng trăm triệu đồng. Còn đầu năm Bính Tuất
đến nay cũng đưa đi phân kim vài chục cây vàng, hưởng đều mỗi người cũng kiếm
được chục triệu rồi…
Không
gian dẫn theo địa đạo của “Dục cô đơn” được xem là một trong khu hầm ngầm “chịu
chơi” nhất. Từ mặt đất đào thành giếng dừng lại ở độ sâu khoảng 100m, sau đó
đào tiếp ra địa đạo chạy ngang trong lòng đất dài tới 50mét. Hầm rộng từ
0,8m-01m; cao hơn 01m. Điện xài máy nổ bắc xuống phủ kín đường hầm sáng loáng.
Các loại tre lồ ô, cây bụi tạp…chuyển xuống đóng cừ những chỗ có nguy cơ sụp lở
đất lớn nhất. Oai nói: “ “Quân” của chúng tôi có thể lưu cư lại trong lòng đất
sâu đào vàng suốt cả tuần lễ mà chẳng sợ đói, khát…” Nhưng chẳng lẽ không ai
nơm nớp cho cái chết của mình luôn bủa vây, rình rập ? Phóng viên hỏi thì được Oai trả lời tỉnh khô:
“Chúng tôi phải chọn “quân cảm tử” mới đánh được nhiều vàng chứ ! ”
*Những số phận “đen”
Đã
vào giữa trưa nắng gắt, phóng viên đang cuốn vào câu chuyện của Oai trong một
lều quán nép mình ở một góc bãi vàng thì một nhóm thanh niên nhuộm đầy cát bụi
kéo đến. Vội hỏi Oai để tự trấn an “Chắc là các đại ca trong bãi lên nghỉ trưa
?! ” Một tay thợ đầu đinh chặn ngang: “Chỉ có nhị ca thôi. Đại ca đang ở dưới
hầm sâu vài bữa nữa mới lên…” Nhị ca này tên là Lực với vẻ ngoài trông rất phớt
đời. Nhưng khi hỏi về gia cảnh, gia đình, cớ sự nào…lên đây đãi vàng thì mắt
chàng ta chợt ứa ra những giọt nước. Gọi “nhị ca” cho “ra vẻ” vậy thôi; chứ
chàng thanh niên Lực này mới hăm mấy tuổi đầu, vì học hành dở dang ở cấp đại
học ở ngoài miền Bắc nên đành lao thân vào chốn này đã vài năm. Thấy Lực chịu
lăn xả, mạo hiểm, khiến nhiều chủ bãi tranh nhau nhau thuê Lực về làm “đốc
công” cho bãi. Người làm “phu vàng” có vướng mắc, tâm tư gì…cứ trình bày qua
tai Lực, sau đó sẽ đến tai người chủ. Nhưng Lực lại than phiền: “có lẽ cái số
em quá đen đủi. “Đầu quân” cho cả chục ông chủ rồi mà chưa một lần trúng được
luồng vàng…”
Ước
muốn của Lực là sớm vĩnh viễn từ giã cái bãi vàng này để trở lại quê, nhưng bao
năm làm ăn xa giờ về tay không mặc cảm lắm, bạn bè sẽ khinh khi. Còn tay thợ
đào vàng kỳ cựu 35 tuổi, tên Trần Xuân Nga lại cám cảnh hơn. Làm “phu” toàn
những hầm địa đạo tìm mờ mắt mới có chút vàng bụi li ti, quanh năm suốt tháng
may lắm gửi về vài trăm ngàn cho người vợ nghèo với 4 đứa con nheo nhóc ở quê
xa. Lần nọ bị lực lượng phối hợp của tỉnh, huyện và xã truy đuổi, Nga chạy
không kịp, phải đánh đu một dây thừng tuột xuống hầm sâu liều chết. Còn hên,
Nga không va trúng “phần cứng” vào đá nên chỉ bị thương và…trở lại hầm bãi
Giữa
cái sống và cái chết với “kẻ vàng” trong hầm địa đạo rất cận kề. Đất sạt lở
chôn vùi mất xác, dịch bệnh do nắng nóng, giá rét…đã và sẽ xảy ra. Dù ba, bốn
trăm người ngày đêm thay ca đào đãi vàng dưới lòng đất-đã triệt tiêu cả những
bản tính hung hăng để hành xử bằng bạo lực hoặc theo kiểu xã hội đen với nhau,
nhưng cứ nghĩ họ sẵn sàng đánh cược với mạng sống của họ trên từng giây phút mà
chợt rùng mình.../.
Tháng
3/2006