Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

DalaMac xuất ngoại

VĂN VIỆT
Sau hai năm sản xuất thử nghiệm, sản phẩm Trà hòa tan Mát Mát (DalaMac) của Viện Vắc xin Cơ sở II Đà Lạt đã nhanh chóng được người tiêu dùng ưa thích. Qua các tuyến du lịch về nước, nhiều doanh nhân Việt kiều từ Mỹ, Hàn Quốc…đặt vấn đề tiêu thụ DalaMac với số lượng lớn, thời gian dài. Từ đây bên cạnh sản phẩm nước mát mát đóng chai, hộp giấy và lon, quả mát mát của vùng cao nguyên Lâm Đồng chính thức “trình làng” một sản phẩm công nghiệp mới-Trà hòa tan ở thị trường trong và ngoài nước.

Trà hòa tan mát mát-DalaMac là sản phẩm khác biệt với các loại trà túi lọc atiso, linh chi… quen thuộc ở xứ núi Lâm Đồng. DalacMac là một loại bột hòa tan thuộc loại “thức uống nhanh” như cà phê hòa tan của Trung Nguyên vậy. Mua một hộp 20 gói nhỏ ( mỗi gói 20 gam), “thực khách” có thể “tự phục vụ” ngay 20 ly nước giải khát thật đặc biệt. Mỗi gói nhỏ mở ra hòa tan vào từng ly nước nóng hoặc nước nguội pha đá lạnh tùy theo các mùa khí hậu trong năm hoặc khẩu vị từng người. Giá mỗi gói nhỏ-một ly nước DalaMac ở thời điểm này vẫn chưa quá…01 ngàn đồng. Đang mùa mưa lạnh Đà Lạt, pha một gói 20 gam bột mát mát vào tách chứa 150 ml nước sôi, khuấy đều, một mùi hương thơm nồng bay lên. Màu nước vàng cam quyến rũ với những hạt li ti kết tủa. Nhấp vào từng ngụm, cảm giác chua chua, ngọt ngọt, thật dễ chịu. 
Chất lượng DalaMac khá hấp dẫn và giá thành rẻ đến bất ngờ là vậy. Nhưng để có thành phẩm đến người tiêu dùng, các cán bộ khoa học của Viện Vắc xin Cơ sở II Đà Lạt đã tích cực nghiên cứu, thử nghiệm, hoàn thiện quy trình sản xuất liên tục hơn hai năm. Và nguồn vốn đầu tư cho toàn bộ dự án hơn nửa tỷ đồng, gồm nguồn vốn tự có, vốn vay và vốn ngân sách. Chủ nhiệm đề tài, Dược sĩ Ngô Duy Túy Hà đánh giá: Lâm Đồng là một vùng thổ nhưỡng, khí hậu có lợi thế trồng cây mát mát, hiệu quả cao hơn nhiều lần so với các loại cây nông nghiệp khác. Lâu nay người nông dân vẫn chỉ bán chủ yếu là sản phẩm quả mát mát tươi, thời gian bảo quản ngắn khi vận chuyển đi xa. Gần đây một vài doanh nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng bước vào đầu tư nhà xưởng, máy móc sản xuất dạng nước mát mát sirô đóng hộp, chai, lon…Để góp phần kích thích người nông dân chuyển đổi cơ cu cây trồng, mở rộng diện tích trồng cây mát mát, tạo thêm những sản phẩm đặc trưng mới của Đà Lạt, tiện lợi hơn trong lưu thông, Viện Vắc xin Cơ sở II Đà Lạt đăng ký dự án sản xuất Trà mát mát hòa tan. Đầu năm 2004, Đề tài “Thử nghiệm sản xuất trà hòa ta mát mát” bắt đầu được phép triển khai.
Quy trình sản xuất khép kín được nhóm đề tài thông qua: Quả mát mát mua tươi về chiết bỏ hạt, lọc lấy dịch tươi. Tiếp theo là vận hành thiết bị cô cách thủy để thành dịch đậm đặc. Pha chế vào các loại đường thích hợp, tỉ lệ tương ứng. Cuối cùng dịch cô đậm đặc chuyển sang bộ phận máy móc sấy khô ở nhiệt độ thấp, cho ra thành phẩm bột khô đóng gói. Dây chuyền khép kín là vậy nhưng quá trình triển khai, cả nhóm đề tài gặp khá nhiều khó khăn phải vượt qua. Như sau mẻ đầu sản xuất, nhờ sáng kiến thay thế cánh quạt inox bằng cánh quạt cao su trong máy xát hạt của công nhân Trần Đức Tuyển, đã tiết kiệm được 04 lao động thủ công, tăng năng suất vận hành của máy trong 15 phút cho ra 50 lít-60lít dịch mát mát. Hoặc khi thành phẩm bột mát mát chỉ hòa tan trong nước nóng; không hòa tan được trong nước nguội. Kết quả đã tìm ra nguyên nhân do đường pha chế quá mịn. Rồi nghiên cứu thành công hệ thống máy sấy khắc phục hoàn toàn hiện tượng dễ hút ẩm của bột hòa tan…            
    Phải hơn một năm đầu tiên vừa nghiên cứu, vừa sản xuất thử nghiệm, thăm dò thị hiếu khách hàng, năm 2005 DalaMac mới dần dần thâm nhập rộng rãi trên thị trường Đà Lạt-Lâm Đồng, chuyển xuống TPHCM và ngược về Hà Nội. Tháng 9/2005, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) tiếp nhận Bản công bố tiêu chuẩn, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Trà mát mát hòa tan (DalaMac). Cũng năm 2005, DalaMac được Bộ Y tế, Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp “Chứng nhận Quyền sử dụng dấu hiệu sản phẩm chất lượng vì sức khỏe cộng đồng”. Và năm 2005 này, trước số lượng tiêu thụ tăng đột biến, Viện Vắc xin Cơ sở II Đà Lạt đã sản xuất 400 ngàn gói DalaMac, vượt gấp 10 lần chỉ tiêu đặt ra. Năm 2006 này, Viện đã hoàn thành chỉ tiêu sản phẩm cả năm ngay từ đầu tháng 8/2006.
 Đến nay, sản phẩm DalaMac đã thu hồi được tổng nguồn vốn đầu tư, thu lãi khá. Ngày 07/8/2006, Hội đồng Khoa học tỉnh Lâm Đồng đã nghiệm thu, xếp loại dự án DalaMac đạt loại tốt. Viện Vắc xin Cơ sở II Đà Lạt đang chuẩn bị mở rộng quy mô sản xuất, chính thức tiến hành thiết lập các hợp đồng “xuất ngoại” DalaMac sang các nước Âu, Á. Người nông dân ở Lâm Đồng có thêm hy vọng về khả năng tiêu thụ quả mát mát trên khoảnh vườn của mình. /.
Tháng 8/2006