VĂN
VIỆT
Nghề
nuôi “ngựa cỏ” có từ lâu lắm của đồng
bào dân tộc thiểu số xã Lát, Lạc Dương - nay đang đứng giữa cảnh “chờ thời”. Sự
phát triển của các phương tiện cơ giới nông nghiệp đã “lấn át” phần lớn nhu cầu
mua ngựa làm sức kéo vận chuyển của nhà nông. Câu hỏi hiện không dễ trả lời là
nên hay không nên tiếp tục duy trì và mở rộng đàn ngựa ở xã Lát ?!
NGỰA
NUÔI…TỰ CUNG, TỰ CẤP
Như
mọi ngày ở thôn Bờ Nơ B của xã Lát, một nhà nông tên là Jona Than ( 49 tuổi,
người Lạch) vẫn quanh quẩn trong vườn rẫy cà phê, để mặc cho đàn ngựa gần 10
con của mình “rong ruổi” tận một khu đồi núi xa tít đằng kia. Đàn ngựa này được
duy trì từ giống ngựa của ba mẹ vợ Jona Than để lại làm của hồi môn. Ban đầu
chỉ một cặp ngựa sinh sản khi ra ở riêng, vợ chồng Jona Than đã nhân giống rồi
giữ lại một bầy đàn trên dưới 10 con đến ngày hôm nay. Khi hỏi sao không cắt cử
người chăn thả, nông chủ Jona Than thản nhiên nói rằng ngựa nuôi ở làng này
“thuần” lắm; ít khi nó phá phách hoa màu. Và nếu thình lình “bất kham” tung vó
quá bước đến đâu nữa thì lúc mặt trời sập tối nó cũng quay về thôi. “Ngựa quen
đường cũ” là vậy !
Ra
xem chuồng trại nuôi ngựa của hộ Jona Than cũng thật đơn giản. Mặt bằng chuồng
rộng chừng 20 mét vuông, cây trụ xập xệ, đã nuôi nhốt hàng đêm 10 con ngựa chen
chúc. Dưới nền chuồng ngựa, Jona Than “lót” một lớp lá cây dày khoảng 5 phân.
Theo Jona Than, làm như vậy sẽ phối trộn được nguồn phân xanh và phân ngựa mau
được phân hủy đem bón cây trồng. Khu vườn cà phê hơn một mẫu đất của Jona Than
(đạt sản lượng bình quân hàng năm trên dưới 4 tấn nhân) cũng nhờ một phần nguồn
phân ngựa này. Vườn cà phê cách nhà hơn một cây số nhưng đi xe gắn máy, xe máy
cày vào mùa mưa phải đi đường vòng xa hơn gấp rưỡi. Lại còn phải tốn nhiên liệu
xăng, dầu. Để “thông suốt” vượt qua sình lầy, Jona Than di chuyển trên yên ngựa
theo cách ghì cương đã được gia đình tập luyện từ nhỏ. Vó ngựa cắt rừng “tung”
khá nhanh và khá an toàn. Trọng tải một lần chuyên chở trên yên ngựa khoảng từ
60 – 70 ký (đã trừ trọng lượng người điều khiển ngựa ). Theo “số chuẩn” này vào
mùa cà phê hàng ngày, Jona Than “phi nước đại” trên yên ngựa đến hàng chục
“vòng tua”. Cứ từ nhà ra vườn là chở phân bón. Từ vườn về nhà là chở quả cà
phê.
Hỏi
tiếp về việc mua bán ngựa, Jona Than bỗng lắc đầu “giá thấp lắm !” Nuôi ba-bốn
năm trời mới được con ngựa trưởng thành, nếu may mắn bán được giá cũng chưa tới
3 triệu đồng. Bơỉ vậy, số ngựa xuất chuồng bán của Jona Than chủ yếu là “để
lại” cho người anh em trong dòng tộc hoặc trong làng buôn, lấy tiền bao nhiêu
cũng không thành vấn đề. Miễn là giữ đàn ngựa trong chuồng với số con không vượt
quá sức chăm nuôi là được.
TÌM ĐÂU “LỐI RA” ?
Jona
Than là một hộ nông dân có số lượng ngựa nuôi ở mức trung bình của xã Lát. Có
hộ nuôi ngựa nhiều hơn - như hộ Ha Bớ luôn duy trì đàn ngựa từ 30 - 40 con. Tuy
nhiên nếu thống kê chung trên địa bàn xã Lát thì giữa tháng 9/2007 chỉ còn 354
con. Chủ tịch Hội Nông dân xã Lát, Kra Jăn Ha Joe cho biết, đàn ngựa của xã Lát
tính từ 5 năm trở lại đây giảm xuống thấy rõ. Từ số đếm hàng ngàn rồi hạ xuống
số đếm trên dưới một ngàn con ngựa, nay rớt xuống còn con số trăm như vậy.
Người nuôi hiện tập trung khoảng 30 hộ đồng bào thiểu số ở 2 thôn Bờ Nơ B và
thôn Đăng Kia của xã Lát. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là không có “đầu ra”
tiêu thụ.
Thời hoàng kim, xã Lát là nơi cung cấp chính cho nguồn ngựa thồ trên
địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ngựa mua về dùng sức kéo chở nông sản, rau hoa từ vườn
về nhà. Ngựa dùng làm phương tiện lưu thông trên địa hình núi đồi khúc khuỷu
của Lâm Đồng. Người ta lấy quy mô chăn nuôi ngựa để xác định mức sống khá giả
của từng hộ gia đình. Ngựa trở thành một khối tài sản thừa kế đời này qua đời
khác của nội bộ gia đình làng buôn. Đây là một giá trị tinh thần khiến bà con
dân tộc thiểu số vẫn cố níu giữ đàn ngựa nuôi trong nhà cho đến bây giờ.
Nhưng
để duy trì nghề nuôi ngựa thì phải tìm “lối ra” ổn định thị trường tiêu thụ.
Ông Đoàn Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã Lát nêu định hướng là phải động viên bà
con giữ lại đàn ngựa nuôi. Trong tương lai dự án Khu du lịch Dan Kia- Suối Vàng
( nằm cạnh trung tâm xã Lát) chính thức triển khai và đi vào hoạt động, xã Lát
có cơ hội phát triển từ đàn ngựa nuôi tự cung tự cấp trở thành đàn ngựa của sản
phẩm du lịch đặc thù Tây Nguyên. Vâng, cơ hội đang ở phía trước nên người nuôi
ngựa lại phải kiên trì… “chờ thời” !./.
Tháng 9/2007