Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

“Nhân bản” chuối La Ba Lâm Đồng

VĂN VIỆT
Sau gần một năm giành giải “quán quân” chuối La Ba, ông Nguyễn Văn Phú ( D’Ran, Đơn Dương) đã xây dựng vườn chuối của mình trở thành “điểm đến” cho nông dân quanh vùng.

D’Ran là vùng đất chuyên trồng rau thương phẩm từ lâu năm nhưng giá cả thị trường luôn biến động thất thường, người nông dân gặp vận may làm giàu chiếm tỉ lệ còn hạn chế. Đầu những năm “chín mươi” của thế kỷ trước vì lý do tuổi tác, ông Phú giao việc trưởng ban địa chính thị trấn D’Ran cho người khác để về nhà lập vườn trồng rau. Ông Phú hết trồng cải thảo, sú, cà chua đến hành, ớt, mà cứ mỗi lứa thu hoạch là mỗi lần gặp cảnh rớt giá thê thảm; thậm chí không ít lần phải nhỏ bỏ rau làm phân xanh, chịu lỗ nặng nề. Rồi lại chăm chút trồng cây hồng- cây dài ngày trồng lên cây ngắn ngày đến gần mười năm sau thu trái vẫn không được giá. Trăn trở với thu nhập còn quá thấp trên thửa đất của mình, ông Phú bất chợt nghĩ đến cây chuối La Ba – một thương hiệu chuối khá nổi tiếng bắt đầu từ vùng đất Phú Sơn, Lâm Hà trong thế kỷ 20; rồi phát triển khá nhiều ở các vùng đất khác trong tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân về quy hoạch nông nghiệp, về công tác khuyến nông, về quảng bá thương hiệu…khiến cây chuối La Ba về sau chỉ còn trồng lác đác chủ yếu chỉ tự cung tự cấp, giữ lại nguồn giống trong hộ nông dân.
        Đầu những năm 2000, ông Phú đi khảo sát khắp nơi và đã tìm mua được 115 cây giống chuối La Ba ở vùng đất Cư Xá thuộc huyện Đức Trọng với giá bình quân 10 ngàn đồng/cây. Tất cả cây giống cao từ 1, 2 m đến 1,5 m, ông Phú đưa về trồng trên 1.000 mét vuông đất của mình. Đây là diện tích đất đang trồng rau, ông Phú chờ thu hoạch đến lứa cuối cùng rồi mạnh dạn cải tạo đất, chuyển sang trồng chuối La Ba. Vốn là một cán bộ địa chính nên ông Phú đã bổ sung nhiều kiến thức trồng chuối từ các tài liệu nông nghiệp và từ kinh nghiệm thực tiễn công tác. Ông Phú đào hố sâu khoảng 50cm; mặt hố hình vuông có cạnh 40 cm rồi xuống giống. Trồng cây cách cây từ 2, 5 m đến 3m. Chăm sóc theo quy trình kỹ thuật với việc chọn bón các loại phân, bơm các loại thuốc thích hợp cho cây và cho môi trường. Kết quả sau từ 7 tháng đến 8 tháng, vườn chuối ông Phú đồng loạt trổ buồng. Ông Phú ước tính tỉ lệ cây chuối sinh trưởng tốt và cho thu hoạch đạt kết quả từ 90% đến 95%. Tổng cộng thời gian từ khi xuống giống đến khi cắt buồng chuối đem bán trong khoảng từ 11 tháng đến 12 tháng, tương đương bằng một chu kỳ thu hoạch của cây hồng ăn trái. Và nếu tính trên cùng một diện tích, hiệu quả kinh tế trồng cây chuối La Ba cao hơn từ 3 lần trờ lên đối với trồng cây hồng ăn trái. Trong khi chuối La Ba chỉ trồng một năm sau là có thu; còn cây hồng đợi đến bảy, tám năm sau mới cho trái bói.
Thành công ở lứa chuối đầu tiên, ông Phú mạnh dạn mở rộng vườn chuối La Ba của mình lên đến 2.000 mét vuông. Lần này năng suất đạt cao hơn, thu nhập đạt khá hơn, đã làm nên cái tên “ông Phú chuối La Ba” được biết đến từ thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương rồi trong phạm vi tỉnh Lâm Đồng. Cuộc thi chuối La Ba do Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng lần đầu tiên tổ chức tại huyện Đức Trọng vào tháng 7/2007, ông Nguyễn Văn Phú là một “ứng viên” sáng giá cho giải nhất (“quán quân”). Quả đúng là ông Phú đã vượt qua hàng chục “ứng viên ” ở vòng loại rồi vào vòng chung kết và đoạt giải nhất cuộc thi. Theo đó ông Phú hội đủ “3 nhất”: Buồng chuối nặng nhất ( 45 kg); buồng chuối có nhiều nải nhất ( 12 nải) và trái chuối có đường kính lớn nhất (hơn 3,2cm/trái).
Bây giờ vườn chuối 2.000 mét vuông của ông Nguyễn Văn Phú đã có khá nhiều cụm cây đạt từ 4 buồng - 6 buồng khi thu hoạch. Với giá thị trường hiện tại từ ba, bốn ngàn đồng mỗi ký, tuần nào ông Phú cũng ra vườn thu chuối bán từ một triệu đồng trở lên. Đây là con số thu mà mười mấy năm qua trồng các loại cây rau và cây ăn trái dài ngày, ông Phú chưa bao giờ có được. 
Các cơ sở khoa học nông nghiệp trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng đã tìm đến và hợp tác với ông Phú sản xuất giống chuối La Ba cấy mô. Năm 2007, ông Phú bán 6 ngàn cây giống chuối cấy mô cho nông dân. Năm 2008 ông đang đưa về 33 ngàn cây giống cấy mô bán tiếp cho nông dân theo đặt hàng. Tất cả được bán với giá hợp lý. Vừa bán giống vừa hướng dẫn phương pháp trồng và chăm sóc, ông Phú đã “chuyển giao công nghệ” cho khoảng trên dưới 10 hộ nông dân thị trấn D’Ran hình thành vướn chuối La Ba đã và đang sinh trưởng tốt và có thu nhập ổn định.
Theo kế hoạch đến giữa mùa thu năm 2008, ông Nguyễn Văn Phú tiếp tục phá bỏ 3.000 mét vuông đất đang trồng ớt, hồng ăn trái để mở rộng trồng chuối La Ba lên thành 5.000 mét vuông. Người “quán quân” chuối La Ba đầu tiên ở Lâm Đồng này đang quyết tâm chọn cây chuối làm cây đột phá để phát triển kinh tế cho gia đình mình; góp phần vào chương trình chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng của địa phương.
Tháng 7/2008