Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

“Sứ giả pháp luật...cổ lai hy

VŨ VĂN
Ông là Nguyễn Hữu Luân, Chủ tịch Hội Luật gia Đức Trọng kiêm báo cáo viên pháp luật tỉnh Lâm Đồng, nay đã 71 tuổi, mà vẫn lặn lội đều đặn về xã, về thôn buôn làm tốt phận sự “sứ giả pháp luật” của người dân. Trong niềm vui, niềm hạnh phúc được đóng góp việc chung là niềm say mê nghiên cứu, sáng tạo những hình thức phổ biến pháp luật mới lạ nhất, cuốn hút nhất trên địa bàn huyện Đức Trọng nói riêng và địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung.

Bây giờ tại văn phòng Huyện hội Luật gia Đức Trọng, ông Nguyễn Hữu Luân trực 3 ngày tiếp dân trong tuần. Qua trò chuyện trực tiếp, tiếp nhận đơn thư, ông Luân phân loại tùy theo nội dung, có thể trợ giúp pháp lý tại chỗ; hoặc lên lịch đi xác minh đối chiếu thực tiễn. Như vậy hàng tuần với nhiệm vụ vừa là Chủ tịch Hội Luật gia Đức Trọng vừa là Báo cáo viên pháp luật tỉnh Lâm Đồng,  ông Luân có 3 ngày làm việc hành chính tại văn phòng; 4 ngày còn lại của tuần   lại bươn bả về cơ sở khảo sát, lắng nghe những khúc mắc trong đời sống pháp luật của từng hộ gia đình, từng khu vực dân cư. Từ đó ông Luân tìm tòi, thử nghiệm những phương pháp, hình thức phù hợp để bù lấp vào những khoảng trống pháp luật cho dân. Ông Luân đặc biệt chú trọng đến hình thức tuyên truyền miệng. Ông nói: “Tuyên truyền miệng không những là hình thức đặc biệt của công tác tư tưởng mà còn là một khoa học, một  nghệ thuật tác động của người nói với người nghe; để người nghe tiếp thu, thỏa mãn cao nhất nhu cầu hiểu biết…” Phương châm của ông Luân đưa ra đã được đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cấp xã ở huyện Đức Trọng ghi nhớ, vận dụng khá thiết thực và hiệu quả. Phần mình, hơn một năm trở lại đây, ông Luân chủ động phối hợp với Phòng Tư pháp, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Phòng Giáo dục huyện Đức Trọng tổ chức mở nhiều lớp tập huấn pháp luật cho lực lượng cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã; hội viên chi hội luật gia trực thuộc, lãnh đạo và giáo viên các trường Trung học phổ thông; trung học cơ sở…Nội dung tập huấn được chọn lọc giới thiệu các bộ luật như: Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Luật Giáo dục, Luật Thanh niên…Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng phần “giáo án”, những phần trình bày của Báo cáo viên pháp luật Nguyễn Hữu Luân được đánh giá đạt chất lượng, không gây nhàm chán người nghe. Ông Luân tự “ràng buộc” mình trước khi phổ biến luật trước đông người là: “…Phải đọc nhiều lần văn bản luật để nắm bắt, thấm hiểu thật sâu từ bố cục đến nội dung phần mục. Bước tiếp là soạn tài liệu truyền đạt phải ngắn gọn, súc tích; có minh hoạ từng luận cứ…Nên soạn nội dung pháp luật truyền đạt theo dạng hỏi-đáp. ” Mỗi năm, ông Luân soạn gần 10 văn bản pháp luật mới ban hành theo dạng hỏi-đáp, phục vụ cho nhiệm vụ tuyên truyền của mình, đồng thời “nhân bản” cung cấp cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở xã , thôn.   
Ông Luân cho rằng việc đầu tư soạn thảo rút gọn từ những văn bản pháp luật hoặc từ những bộ đề cương tuyên truyền của ngành tư pháp rất tốn nhiều thời gian, công sức; có khi quên cả đêm khuya…Nhưng cái được lớn hơn là khi đọc luật trước công chúng rất tiết kiệm được thời gian. Đặc biệt khi đối tượng tiếp nhận sẽ dễ nghe và dễ hiểu hơn. Đi vào thực tế tuyên truyền, ông Luân luôn bộc lộ những “năng khiếu” minh họa trực quan sinh động, lôi cuốn người “dự khán”. Mới đây khi giới thiệu về luật Giao thông đường bộ, Nghị định 152 của Chính phủ, ông Luân đã “mượn” 4 câu thơ trong mục “vui cười” sưu tầm trên một tờ báo: “Đừng chuốc men say dễ lộn phèo/ Cái hay không chuộng thẳng thành queo/ Gốc cây cứ tưởng người yêu đợi/ Dầu nát chân tan cuộc sống phèo. ” 
Nhờ đó không khí của buổi “tải”  luật bỗng phấn chấn và “mềm” hẳn ra. Lần khác trước khi tìm hiểu nội dung của Điều Luật Thanh niên, ông Luân kể chuyện về tấm gương của một thủ lĩnh thanh niên trong phong trào “Ba sẵn sàng” thời kháng chiến chống Pháp. Lời người mẹ dặn con khi rời quê đi học được chọn trích dẫn:  “…Con gắng học giỏi đừng phụ lòng cha mẹ. Dẫu mai sau làm bất cứ việc gì hãy làm một người trung thực, vị tha, tử tế. Đừng ham giàu sang mà quên lãng nghĩa tình.” Người nghe sẽ dễ hiểu rằng, tuổi thanh niên phải chọn đúng lý tưởng cao đẹp của thời đại mình để được cống hiến, được trưởng thành…
Bây giờ ở tuổi thất thập cổ lai hy, ngồi tính thời gian thì “sứ giả pháp luật” Nguyễn Hữu Luân đã được cấp thể luật gia hơn 27 năm. Về hưu hai năm sau – năm 1998, tiếp tục được cấp thể báo cáo viên pháp luật tỉnh Lâm Đồng. Sự nhiệt thành có hiệu quả của “sứ giả” Nguyễn Hữu Luân đã, đang tạo ra những kinh nghiệm quý giá cho phương phaap tuyên truyền, giáo dục, phổ biến phaap luật của Lâm Đồng. Ông được nhận rất nhiều khen tặng từ cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp trung ương về thành tích phổ biến, giáo dục pháp luật trong mười năm trở lại đây. Đây là những ghi nhận, động viên khá lớn để “sứ giả” Luân dẫu tuổi đã cao vẫn hăng say đầu tư nghiên cứu pháp luật, tìm kiếm những hình thức thể hiện mới, mong muốn góp phần hữu ích của mình cho sự nghiệp nâng cao văn hóa pháp luật trong đời sống dân cư./.     
Tháng 8/2007