VĂN VIỆT
Từ khu
du lịch Đồi Rồng hoạt động vắng vẻ, được “thay áo” thành khu du lịch Đồi Mộng
Mơ thu hút cả nửa triệu lượt khách mỗi năm, gợi mở thêm các nhà đầu tư một góc
nhìn về tiềm năng du lịch Đà Lạt rất dồi
dào nhưng luôn đặt ra nhiều thách thức !
Nhân hai năm tròn khai sinh tên mới-Đồi Mộng Mơ, ông Trần
Mến, Chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp này ( Công ty Thành Ngọc)
thống kê tổng nguồn vốn đã đầu tư nhiều giai đoạn vào đây khoảng 20 tỷ đồng.
Được bàn giao cho thuê một khu du lịch hồ Rồng rộng 11 ha trong không gian đơn
điệu, tẻ nhạt. Quanh quẩn “thưởng lãm” cũng với tượng rồng bằng bê tông cốt
thép, phun nước không đều, và vương theo bước chân du khách là vài vạt hoa hồng
ũ rũ héo vàng. Bốn bề phủ dày rừng thông với rừng thông mà ngày đêm chỉ biết
“đứng giữa trời mà reo”! Với loại hình
du lịch sinh thái dưới tán rừng thời hạn đầu tư kinh doanh 50 năm, Thành Ngọc
lần lượt trình lên những đề án thiết kế nhanh chóng thuyết phục cơ quan thẩm
quyền phê duyệt. Trước tiên bỏ ra hàng tỷ đồng để…trồng cỏ. Bên trên lớp cỏ
đồng thời chọn lựa bố trí, sắp đặt từng khu hoa viên các loại đá cảnh, cây cảnh
đặc hữu, cổ thụ của Đà Lạt-Lâm Đồng. Rồi đến hoa. Hoa trồng theo từng luống,
từng chuyên đề, từng tiểu cảnh. Hoa treo lủng lẳng thành…vườn hoa thi sĩ Hàn
đến năm trăm mét vuông. Cách đầu tư đồng bộ như thế, cảnh quan được nâng cấp
hài hòa thành một mảng màu xanh dưới tán rừng xanh ngập đầy hoa-cây-cỏ…
Nhưng
làm dịch vụ du lịch chỉ đơn thuần thu tiền khách đến ngắm nhìn hoa cỏ, thông
reo thôi sao ? Tất nhiên đây chỉ mới là “phần tĩnh”; cần có thêm “phần động” để
cân đối trong đầu tư, hướng đến một sự phát triển bền vững. Vấn đề xây dựng
“phần động” trên khu đồi làm sao vẫn tôn trọng nét vẻ Mộng Mơ như tên gọi của
nó ? Nhiều ý tưởng của nhóm đầu tư Thành Ngọc được đưa ra, các cơ quan chuyên
môn đã phê duyệt những công trình xây dựng độc đáo nhất. Đó là căn nhà cổ 3
gian của một gia đình của huyện An Nhơn, Bình Định dựng nên từ gần 300 năm về
trước. Chuyển về đây trên đoạn đường gần 500 km vẫn đảm bảo nguyên vẹn từng
loại vật liệu của căn nhà. Khách vào tham quan căn nhà, luôn bị lôi cuốn về
những nét hoa văn chạm trổ kỳ công, điêu luyện trên bộ bàn thờ gia tiên, các bộ
cửa, bộ bàn ghế, giường…của người xưa. Những loại gỗ đặc biệt thách thức với
thời gian, càng đẹp, càng bền như: gõ, muồng, kiền kiền, xoay…Ở “điểm nhấn” nổi
bật nhất là công trình xây dựng “trích đoạn” Vạn Lý Trường Thành dài 1.000m
chạy dọc uốn lượn chập chùng bên một góc đồi. Câu của tiền nhân “bất đáo trường
thành, phi hảo hán” giờ khắc đậm nơi cổng đi vào “vạn lý”. Vượt hết trường
thành, du khách có thể xuống hầm “Mộng Mơ Tửu” thưởng thức đặc sản rượu Bầu Đá
Bình Định. Rồi bước lên giao lưu múa hát với Đội Cồng chiêng đồng bào dân tộc
bản địa Tây Nguyên biểu diễn từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa và 15 giờ đến 17 giờ
chiều hàng ngày.
Dịp
Festival hoa Đà Lạt 2005, Mộng Mơ khánh thành thác nước nhân tạo cao hơn 5m,
đặt tên là Thác Vàng, tổng giá trị đầu tư gần 2 tỷ đồng. Xây dựng vườn những
sinh vật lạ lên đến 2 tỷ đồng. Đến Tết Bính Tuất này, Mộng Mơ khánh thành một
“khu làng dân tộc bản địa” trên diện
tích 2 ha. Trong làng tập trung khoảng 20 nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số
làm hứớng dẫn viên cho khách tham quan nhà rông, khu trưng bày văn hóa vật thể
Tây Nguyên, dệt thổ cẩm. Bên cạnh đó, Mộng Mơ đã kịp khánh thành đưa vào sử
dụng 10 nhà rông phục vụ cho một gia đình lưu trú, đủ tiện nghi. Giá trị đầu tư
của khu nhà nghỉ này là 2 tỷ đồng.
Vé
vào cổng chưa quá mười ngàn đồng, du khách tha hồ ngoạn cảnh tự nhiên và nhân
tạo được đầu tư bạc tỷ đồng. Chỉ bố trí 3 ki- ốt bán hàng lưu niệm của công ty;
còn ngoài ra không phát triển thêm hoặc cho thuê quày hàng từ bên ngoài vào.
Bởi lo ngại tình trạng buôn bán “chụp giựt” sẽ xảy ra, ảnh hưởng đến hoạt động
chung của công ty. Các dịch vụ giải trí, vui chơi có thưởng…giành cho mọi lứa
tuổi cũng vậy. Hoàn toàn là “người”của công ty nên giá cả theo chuẩn “giá sàn”,
thái độ phục vụ lịch sự, mến khách là điều tuyệt đối tuân thủ. Nếu khách nghỉ
ngơi lại sẽ được cung cấp dịch vụ lều trại từ 10 ngàn đến 15 ngàn đồng mỗi đêm.
Hoặc “cao cấp” hơn là 300-350 ngàn đồng mỗi đêm nghỉ một nhà rông, có đủ tiện
nghi sinh hoạt, giải trí cho một gia đình nhỏ, tự nấu nướng, chế biến các món
ăn. Còn nếu quá “bận rộn” thời gian thì đã có nhà hàng Hạnh Phúc của công ty
phục vụ tại chỗ bất kỳ giờ phút nào với sức chứa 400 chỗ ngồi…
Hiện
tượng “ăn nên làm ra” nơi Đồi Mộng Mơ do Công ty cổ phần Thành Ngọc, một doanh
nghiệp tư nhân đầu tư sau hai năm đầu đã có nhiều dự báo tốt lành. Phương châm
mạnh dạn đầu tư, đầu tư chiều sâu, tôn tạo đầu tư hàng năm…của đơn vị này đã
thành công với nửa triệu lượt khách mỗi năm; đạt doanh thu 5,5 tỷ đồng. Năm
2006, với kết quả đầu tư mở rộng đã nêu, Mộng Mơ sẽ còn tiến bước xa hơn nữa
trong lộ trình phát triển chung của du lịch Đà Lạt-Lâm Đồng. /.
Tháng
3/2006