Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Măng Lin thiếu nước, vật nuôi chết...

Phóng sự VĂN VIỆT
Một ngày đầu tháng chín mưa ầm ào trút nước, Chill Hiền chạy quýnh chân ra máng xối, mắt nheo nheo ngước lên mái nhà. Mấy chiếc thùng phuy đang đón lấy nước đổ ùng ục như thác. Mừng rỡ vào nhà, Chill Hiền trấn an chồng: “Nhà mình đủ dự trữ nước ăn cả tuần rồi…” Người chồng ưu tư “Ừ…! Mong sao buôn làng Măng Lin sớm có được đường ống nước tự chảy về…”

Người chồng của Chill Hiền là Păng Ting Nock, thôn trưởng kỳ cựu của thôn Măng Lin, phường 7, Đà Lạt. Thôn có 82 hộ đồng bào người Lạch, sống dựa hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nhưng suốt cả năm trời nay thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Gần 10 năm trước, nhà nước đã xây dựng hệ thống máy bơm nước ngầm khá quy mô cho cả thôn sử dụng. Nước với chất lượng kiểm nghiệm an toàn bơm từ dưới lòng đất sâu lên chứa một bể to dựng lên trên cao. Từ bể, nước chảy xuống theo một mạng lưới đường ống phân phối trên 6 cụm dân cư và trường học trong thôn. Mỗi cụm lắp đặt một chiếc van công cộng. Cũng từ đây, hộ dân nào cũng được đầu tư đường ống nước nối nhánh rẽ vào nhà. Nhờ nguồn nước này, đồng bào cải thiện đời sống sinh hoạt tiến bộ hơn, giảm thiểu khá nhiều bệnh tật. Bỗng đột ngột vài ngày cũng tháng này năm ngoái, lần lượt các van tự động nước chảy yếu dần rồi cúp hẳn. Người dân lần lượt kéo đến nhà thôn trưởng dò hỏi thì được trả lời “mô tơ cắm điện không chạy; đường ống không dẫn nứớc thì làm gì còn nước mà dùng chứ ?!”
Băng dưới mưa, Păng Ting Nock chỉ tôi xem những “cột nước” bất động. Mới ngày nào-sáng sáng, chiều chiều, trời quang mây tạnh, quanh “cột nước” dân làng ra đây quây quần tắm giặt rất đông vui. Giờ thì nền xi măng dưới chân “cột nước”, cỏ dại mọc um tùm. Nhìn nó khác chi một khố đá lù lù gắn bên hông là chiếc van rỉ sét, khô khốc. Gần cây “cột nước” của cụm dân cư này là nhà của Đa Gút Séc, Chi hội trưởng nông dân của thôn. Đa Gút Séc bức xúc: “Cả thôn chỉ có một cái ếng đào sâu hút. Nước rất hiếm, lại luôn lợn cợn bùn đất. Mùa khô năm ngoái, đồng bào Măng Lin phải gồng gánh từng gàu nước lấy từ chiếc bể lắng ở Nhà máy nước Suối Vàng, phải lên xuống dốc cao cách xa làng cả hơn cây số !” Thôn trưởng Păng Ting Nock nói chen vào: “Nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Vì không phải nước bán, nước cho không nên sau đó người ta bịt kín mít từ miệng bể đến các đầu van rồi !”
Thiếu nước, Đa Gút Séc tiếc muốn đứt ruột khi nhìn con hươu trong chuồng nhà mình chết tức tưởi. Séc kể lại: “Nhà tôi nhận nuôi một con hươu đực và một con hươu cái. Nuôi gần giáp năm, bỗng thấy con đực chê cỏ không ăn. Thì ra mồm mép của nó lở loét nặng. Móng vuốt long bóc cả da non. Chừng đôi ngày sau, đầu nó ngẩng lắc lư lên trời, sùi nước bọt mép rồi ngã vật xuống nền chuồng chết liền…”  Theo kỷ thuật bà con được truyền đạt thì ngày nào cũng phải rửa dọn thật sạch sẽ chuồng hươu. Gặp những ngày mưa, bà con còn có đủ nước để giữ vệ sinh. Chứ ngày nắng ráo thì đi gánh từng thau nước về ăn đã đủ mệt đứt hơi rồi. Ráng lắm chỉ đủ tắm táp cho hươu một tuần đôi lần là cùng. Không đủ nước, chuồng trại lại đóng chặt trong vòng chín mét vuông, ngày đêm hươu phải ngủ, phải ăn cỏ…trộn chung với phân, nước tiểu thải ra, trông thật gớm ghiếc. Khi tôi vào thăm chuồng hươu của Liêng Hót Dân phải kéo vạt áo cổ thay cho khẩu trang vì một mùi xú uế nghẹt thở. Đang trong cơn mưa, nước mưa hắt vào trong chuồng hươu trộn nước phân với nước tiểu nhiều ngày không được quét rửa chảy ra ngoài lối đi nhớp nhúa, đặc sệt. Liêng Hót Dân thất vọng “Con hươu cái của tôi đẻ được một con hươu con. Nuôi chưa được tháng, hươu con chết vì nó lòi ruột già ra đường hậu môn…” Trở ngược qua phía đối diện với Liêng Hót Dân, gặp Liêng Hót Zin đang “cõng” hai bao cỏ kềnh càng từ trong khe suối sâu về thở hổn hển trước chuồng hươu : “Nuôi hươu cực thế này mà tiền bán nhung có đủ bù đắp đâu…” Zin than rằng suốt năm trời quần quật cắt cỏ, gánh nước nuôi hươu, kết quả chỉ bán một cặp nhung bé tẹo, được 420 ngàn đồng. Tính ra một ngày công nuôi hươu chỉ “đạt”…hơn một ngàn đồng (!)
 
Thế đó. Hỏi thăm tât cả 5 chủ hộ nuôi 10 con hươu, họ đều “đồng thanh” xin hoàn lại bên cung cấp giống thử nghiệm là Phân viện Sinh học Đà Lạt. Không đủ điều kiện chăn nuôi, môi trường bất tiện là lý do chính mà họ “nại” ra rằng khó kham nổi. Hơn nữa, hươu đã không cho hiệu quả kinh tế mà nguy cơ bệnh tật, chết chóc đang cấp báo. Mới năm ngoái, sau hai tháng nuôi thử nghiệm dê nhưng cả thảy 20 con đổ bệnh long mồm lở móng chết không còn con nào. Giờ đến nuôi con hươu sống cầm hơi rất bẩn chật, bà con Măng Lin lo rằng sẽ cận ngày số phận đàn hươu không tránh khỏi thảm cảnh dịch bệnh như đàn dê chăng ?! Thôn trưởng Păng Ting Nock chợt nghiêm giọng : “Nhưng cái lo vật nuôi đâu chỉ dừng lại. Đó còn là nạn giết thịt trâu bẫy trộm của đồng bào nữa chứ ! ” Theo lời Nock, địa bàn Măng Lin không thuận lợi về sông suối và đồng cỏ tự nhiên, đàn trâu của bà con phải chăn thả vào khu vực Suối Trong, Đăng K’Long (địa bàn giáp ranh xã Tà Nung và phường 7 của Đà Lạt ). Chuồng trại lập tại chỗ. Thường trâu được thả rông đi ăn đến tối tự động về chuồng. Những con trâu không may gặp bẫy ngầm của kẻ bất lương thì bỏ xương cốt lại rừng sâu. Bẫy được trâu, kẻ trộm chỉ chặt đùi, vai, ức và xẻo thịt mang về. Đàn trâu mới tháng 7 vừa qua mất tích 4 con. Năm ngoái cũng mất 4 con. Và năm kia, năm kìa nữa trâu cũng liên tục bị mất…Tính cả thảy đến 20 con trâu bị đánh cắp. Người dân đã tìm thấy những bộ xương trâu chôn dấu dưới các hầm hố sâu trong rừng này. Nhưng thủ phạm là ai thì công an chưa điều tra ra được (?!) 
Thật oái oăm, thôn trưởng, trưởng ban an ninh Păng Ting Nock lại là một khổ chủ có số trâu bị bẫy trộm nhiều nhất Măng Lin-đến 03 con, ước tổng giá trị trên dưới 20 triệu đồng. Tôi chia xẻ, Nock bất lực : “Mất trâu là mất một phần gia sản của hộ gia đình. Nhưng đáng lo cho cả thôn Măng Lin là chưa tìm ra đồng cỏ mới nào để di chuyển đàn trâu ra khỏi vùng trộm cắp ấy…”
Tháng 9/2006