Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Tà Nung “khóa sổ” nuôi dê

VĂN VIỆT

Hơn ba năm trước, từng đàn dê lần lượt “nhập cư” về xã Tà Nung, Đà Lạt với hy vọng phát triển loài vật nuôi mang lại sung túc cho người nông dân. Thời gian qua những biến động thất thường về thiên nhiên xứ núi đồi, đàn dê ngày đêm phải chống chọi dịch bệnh để sinh tồn, nhưng tiếc thay số lượng thích nghi hiện tại không nhiều, lại đứng trước chiều hướng bị “khóa sổ” lâu dài.

* TỪ NHỮNG MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM KHÔNG THÀNH

Những người đi tiên phong “khai mở” nghề nuôi dê ở xã Tà Nung chính là đội ngũ lãnh đạo của UBND xã này. Tất cả gồm 16 người từ lãnh đạo cao nhất đến cán bộ chuyên môn trong xã đồng thuận lập thủ tục vay gần 50 triệu đồng vốn, mua 39 con dê giống từ các tỉnh phía Bắc đưa về lập chuồng trại phát triển. Dự án đưa ra tính toán sẽ hoàn đủ vốn vay sau một năm chăn nuôi. Bởi chỉ cần dê ăn uống bình thường sau năm đầu đẻ được một lứa thì bước sang lứa đẻ năm sau là nắm chắc được khoản lời. Xác định đây là mô hình thí điểm để rút kinh nghiệm hướng dẫn, mở rộng quy mô chăn nuôi đến hộ gia đình nên đã thành lập tổ chăn nuôi dê của xã, có phân công người quản lý, theo dõi kỷ thuật thay phiên nhau. Được sự tư vấn của Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt, nông trại chăn nuôi dê của tổ được tọa lạc ở vị trí cách xa trung tâm xã, có vùng nguyên liệu lá cây rộng tự nhiên làm thức ăn dồi dào cho dê. Nhưng mới vài tháng đầu triển khai, số dê thay nhau bỏ ăn và…nằm vật ra chết đến 16 con. Rồi không may từ sau đó đến nay đã hơn ba năm, số dê cứ “giậm chân tại chỗ” cả đàn chỉ duy trì được hơn 50 con. Chủ tịch UBND xã Tà Nung, Nguyễn Thành Lý nêu nguyên nhân: Số dê thế hệ F1 phối giống không đạt yêu. Thế hệ F2 kế tiếp lại thụ tinh đồng huyết. Rồi hiện tại thế hệ F3, F4 sống trong thể trạng èo uột, rất biếng ăn, khả năng sinh sản kém… 
Chung thực trạng với đàn dê của UBND xã Tà Nung, đàn dê dự án ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương cũng không mấy thành công. Số liệu từ Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt cho biết: Cuối năm 2005, thành phố Đà Lạt phân bổ 88 con dê giống cho 16 hộ chăn nuôi được chọn ở xã Tà Nung. Tất cả số hộ này được Trung tâm trực tiếp hướng dẫn xây dựng chuồng trại, chỉ bảo cách chăn thả dê hàng ngày. Bất ngờ qua hơn một tháng đầu chăn thả vùng đất Tà Nung, đàn dê bị khí hậu mưa lạnh làm chết “diện rộng” đến gần 20 con. Hai tháng kế tiếp, số dê chết lại tăng lên gấp đôi - đến 40 con. Và tổng “kiểm kê “đến cuối tháng 9/2006, cộng trừ tất cả số dê sinh ra và số dê mất đi, đàn dê dự án của Tà Nung chỉ còn lại 60 con.
*CHỈ CÒN LẠI VÀI MÔ HÌNH RIÊNG LẺ
Một cán bộ lãnh đạo Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt nói “tầm chung” rằng dự án phát triển đàn dê cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Tà Nung đã không đạt hiệu quả. Tuy nhiên khi đến thăm hộ chăn nuôi Rơ Ông Ha Pul thì ngược lại. Chuồng dê của gia đình ông Ha Pul được thiết kế 16 mét vuông, chia thành bốn ngăn khác nhau. Cuối năm ngoái, Ha Pul được dự án đầu tư 6 con dê giống. Có 01 con dê đực duy nhất phải nhốt cách biệt một ngăn chuồng. Hàng ngày gia đình Ha Pul phân công nhau chăn thả dê ăn cỏ lá ngoài núi đồi từ ba đến bốn tiếng đồng hồ. Qua gần một năm chăm sóc, đàn dê của Ha Pul đã sinh sản lứa đầu tiên “tròn trịa”,  nâng số lượng dê trong đàn lên đến 10 con. 
Về cách phòng chống bệnh tật cho dê, Ha Pul nói: Phải tiêm phòng cho dê đều đặn theo định kỳ. Nếu phát hiện dê có triệu chứng khang khác cần chủ động “sơ cứu” kịp thời. Ví dụ khi thấy dê nổi ghẻ lở nên nhanh chân hái lá ổi, chanh, ớt…nấu với nước muối để tắm rửa cho dê. Hoặc dùng tỏi giã nhỏ với nước cho dê uống khi dê bị nhiễm mưa lạnh…Ha Pul chỉ tay sang nhà bên cạnh, nói cả quyết “Như nhà Đa Kách Phong đó. Chuồng dê của ông có 2 con dê bị ghẻ lở chết là do không chịu hái lá “sơ cứu” đúng lúc thôi !”
Nhưng người “nhân bản” bầy đàn dê khá thành công ở xã Tà Nung có thể kể đến hộ gia đình Vũ Quang Vị ở thôn 1. Từ 6 con dê giống sau hơn ba năm “gầy” thành đàn dê béo tốt 30 con. Thời điểm đầu năm 2006 đến nay, dịch bệnh đậu dê cừu lây lan nhiều nơi trong tỉnh, nhưng đàn dê gia đình ông Vị chẳng thấy hề hấn gì đâu. Hàng ngày chăn thả đều đặn từ bốn đến năm giờ đồng hồ. Chuồng trại luôn giữ vệ sinh sạch, chia thành nhiều “phòng” nhốt riêng “không gian sinh tồn” cho dê đực, dê thịt, dê con mới đẻ. Bà vợ ông Vị nói thêm “Nếu không bán dê thịt hàng năm thì cả đàn dê này phải lên đến 60 con rồi ! Năm tới gia đình tôi sẽ tiếp tục nâng số lượng đàn dê trong chuồng lên đến ít nhất 100 con”
Những mô hình riêng lẻ nuôi dê có “năng suất”như ông Vị, ông Ha Pul ở xã Tà Nung hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng đây là một thực tế đặt ra đối với thành phố Đà Lạt nên chủ  trương “khóa sổ” đàn dê xã Tà Nung mang tính nhất thời hay mang tính vĩnh viễn ?!./.   
Thang 10/2006