Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Ý tưởng từ “rồng đất”

VĂN VIỆT
Sau nhiều năm hành nghề chăm sóc địa lan, phong lan trên đất Sài Gòn,  thanh niên Vũ Viết Hưng trở về lại bản quê Đơn Dương, Lâm Đồng với nguồn vốn ý tưởng từ “rồng đất” để góp phần xây dựng những cánh đồng “xanh - sạch - đẹp” cho người nông dân.

“Từ thuở nhỏ, tôi đã rất thích nghề trồng rau, hoa trên những thửa vườn của gia đình mình. Lớn lên tôi dành tất cả niềm yêu thích của mình đối với các loài hoa địa lan, phong lan đã “thuần dưỡng” ở Lâm Đồng, gần như mỗi sáng, mỗi chiều, tôi ít khi rời khỏi vườn lan hơn trăm mét vuông của vườn nhà nằm giữa cánh đồng rau Đơn Dương. Từ nghề chăm hoa lan, nhiều người quen biết từ Sài Gòn mời gọi tôi về giúp đỡ kỹ thuật xây dựng vườn “nữ hoàng” mới thích nghi với điều kiện khí hậu nắng nóng phương Nam….  ” - thanh niên Vũ Viết Hưng (sinh năm 1979) vào chuyện. Nuôi lan ở nhiệt độ cao chắc phải có nhiều phương pháp để tìm ra bí quyết mới giữ cho cây đủ độ ẩm từng giờ, từng phút ? Tôi hỏi. Hưng chân tình: “ Vừa sản xuất, vừa hoàn chỉnh quy trình cung cấp dinh dưỡng cho hoa lan, tôi đã bất ngờ tìm thấy phân trùn quế và đã thực nghiệm có kết quả làm nguồn giá thể nhiều dưỡng chất, kháng bệnh cao cho hoa lan…. ”     
Từ đó, Hưng mới nhận biết ra rằng, con trùn ( hay còn gọi là rồng đất), một con vật sống và làm công việc cày xới lặng lẽ dưới nhiều lớp đất và đồng thời là con vật tạo ra nhiều nguồn thức ăn nhiều ích lợi khá lớn đối với cây hoa lan mà Hưng đang là “bảo mẫu”. “Đây là một loại phân hữu cơ 100%, được tạo thành từ các chất thải qua ống tiêu hóa của con trùn, có tác dụng kích thích tăng trưởng và tăng khả năng duy trì giữ nước và ngăn ngừa các bệnh gây hại bộ rễ của hoa lan nói riêng và nhiều loại cây trồng khác nói chung… ” – Hưng đúc kết. Và thực tế những vườn hoa lan của Hưng trên đất nóng Sài Gòn đã được nhiều gia đình nhân rộng việc bón phân giá thể chất thải của con trùn, nên vườn nào lá cũng xanh um, tất cả màu sắc của hoa đều được tươi đượm và lâu tàn hơn. Từ đây Hưng nghĩ đến đường về quê Đơn Dương, Lâm Đồng với những chuyến xe chở giá thể “rồng đất” tạo màu xanh cho những mùa rau bội thu, thân thiện với môi trường.  
Tháng 3/2013, ý tưởng từ “rồng đất” của Hưng đã “chào đời” sau khi thành lập Hợp tác xã ( HTX) nông nghiệp Xanh Đơn Dương với 15 xã viên bầu Hưng làm Chủ nhiệm. Đợt hàng phân trùn giá thể đầu tiên, HTX cung cấp miễn phí với giá gần 10 triệu đồng phân bột và phân nước để triển khai 3 mô hình trình diễn tại xã Quảng Lập, Đơn Dương với các diện tích đất gồm 1,5 sào trồng bắp sú, 1 sào trồng hành poa rô và 1 sào trồng cải thảo. Trong một lứa trồng trên dưới 3 tháng với 3 cây rau này, HTX trực tiếp triển khai theo kỹ thuật mới; nông dân có đất sản xuất, đầu tư tiền mua cây giống, đầu tư công lao động và được hưởng toàn bộ sản phẩm thu hoạch. Kết quả đối chứng so với vườn rau sản xuất theo phương pháp bình thường với mức đầu tư tương đương nhau, nhưng vườn rau sử dụng phân “rồng đất” đã giảm rất nhiều lượng thuốc bảo vệ thực vật, ước thu hoạch sản lượng tăng hơn lần lượt là 20%, 30% và 40% đối với cây bắp  sú, hành poa rô và cải thảo.
Tính đến nay, qua gần nửa năm đưa phân bón “rồng đất” từ nhà máy sản xuất ở tỉnh Bình Phước về, Chủ nhiệm Hưng đã mở rộng mạng lưới cung cấp cho người nông dân với 7 cửa hàng nằm trên địa bàn huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng của Lâm Đồng. Với 2 sản phẩm chính gồm phân bột và phân nước của “rồng đất, HTX đã hỗ trợ cho nông dân giá trị khoảng 250 triệu đồng để sản xuất  theo mô hình điểm ở các vùng rau này. Bên cạnh đó, doanh thu thu bán ra hàng tháng của HTX bước đầu đạt trên dưới 100 triệu đồng. Nhà nông Vi Văn Sáng ở Liên Nghĩa, Đức Trọng nói: “ Sau 2 tháng sử dụng phân của HTX nông nghiệp Xanh, Đơn Dương, vườn cây hành lá trên 1 sào đất của gia đinh tôi đã phát triển cao hơn 5cm so với bón các loại phân khác trước đây… ” Và nhà nông Trần Văn Hiệu cũng ở Liên Nghĩa, Đức Trọng nói thêm: “Bón phân “rồng đất” cho cây su su, hành lá, cải dưa…trên 1ha đất của gia đình tôi đã gần như không phải “nghe” nồng nặc mùi thuốc sâu hóa học bơm phun nữa… ”
Đáng kể thêm, HTX đã đưa hạt giống cây măng tây từ Mỹ về trồng thực nghiệm trên 500m2 tại xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng. Hạt giống măng tây được gieo ươm sau 45 ngày đưa ra trồng đất vườn ngoài trời với 01ha trồng khoảng 20 ngàn cây, bón lót khoảng 01 tấn phân “rồng đất” ( thay thế khoảng 2 tấn phân chuồng). Trồng từng luống đất đắp cao 20cm, chiều rộng mỗi luống trên dưới 01m, đào rãnh thoát nước giữa các luống. Măng tây sau gần 1 tháng tuổi, cứ 7 ngày bón tưới phân “rồng đất” qua lá 1 lần. Đến 6 tháng tuổi trở đi, măng tây thu hoạch hàng ngày trên 01 ha đạt trên dưới 100kg. Với 8 ha ở các địa bàn Hiệp Thạnh, Liên Nghĩa, Bình Thạnh của huyện Đức Trọng, trong đó 5 ha đang giai đoạn kinh doanh, người trồng măng tây liên kết với HTX đều được bao tiêu sản phẩm thu hoạch để xuất khẩu sang các nước Thụy Sĩ, Đài Loan, Thái Lan, giá mua ổn định cả năm 30 ngàn đồng/kg.  Như vậy cân đối trên 1 ha trồng măng tây cho thấy, trừ hết mọi chi phí, mỗi năm thu hoạch liên tục 10 tháng, sẽ đạt tổng lãi 500 triệu đồng. Trong tháng 8/2013, HTX chính thức bước vào mùa thu hoạch măng tây trên tất cả 8/8 ha. Chủ nhiệm Hưng nói: “Măng tây sinh trưởng trên giá thể phân bón “rồng đất” ở đây đã giúp cho cây giữ ẩm được dài ngày, kháng bệnh tốt, rất ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, được thị trường tiêu thụ từ nước ngoài có những phản hồi tích cực…”

Và nữa, HTX cũng đã liên kết với nông dân sử dụng phân bón “rồng đất” trên diện tích đất trồng mới 30ha chanh dây (giống nhập từ Đài Loan) tại các địa bàn Đức Trọng, Đơn Dương và Lạc Dương.  Đến tháng 9/2013, HTX và nông dân bắt đầu thu hoạch chanh dây trên những diện tích đất trồng đầu tiên được chuyển đổi từ những diện tích đất cà phê già cỗi, đất trồng cây màu kém hiệu quả và đất phục hồi từ các vụ trồng giống cây chanh dây đã thoái hóa... Mục tiêu là phải đạt năng suất 80 tấn/ha/2 năm ( HTX cũng bao tiêu toàn bộ sản phẩm), nhân với giá thị trường hiện tại với 15ngàn đồng/kg thì trừ mọi chi phí, còn lại nông dân thu lãi khoảng 400 triệu đồng/ha/năm.
Bây giờ Hưng cùng với những thành viên trong Ban Chủ nhiệm HTX và tập thể xã viên đang mở rộng ứng dụng phân bón “rồng đất” thực nghiệm trên các loài hoa cắt cành ở Đơn Dương, Đức Trọng và Đà Lạt. Những thành công bước đầu về kinh doanh và xây dựng môi trường nông nghiệp xanh đã tạo ra những điểm xuất phát mới để HTX nông nghiệp Xanh Đơn Dương bước tới trên con đường dài của mình./.   
Tháng 7/2013