Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Xã có số nhà

VŨ VĂN 
Trong khi số nhà của phố du lịch Đà Lạt vẫn lộn xộn, dễ lạc vào “mê hồn trận” thì số nhà ở xã Ka Đô, huyện Đơn Dương lại sắp xếp thứ tự, dễ nhìn trên từng đường liên xóm liên thôn, tạo nếp sống văn minh của làng quê mới.

Thật bất ngờ khi Chủ tịch xã Ka Đô, ông Huỳnh Văn Trung cho biết việc lắp đặt biển số nhà trên địa toàn xã đã hoàn tất cách đây 3 năm. Bấy giờ đời sống kinh tế không được thịnh vượng như ngày nay, nhưng sự quyết tâm của chính quyền xã là xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần, từng bước rút ngắn khoảng cách cách biệt với cuộc sống đô thị, đặc biệt để tạo thuận lợi trong những quan hệ giao dịch sản xuất kinh doanh, hoạt động dịch vụ cho người dân. Thế là đề án “xã có số nhà” nhanh chóng được triển khai. Đề án không phải tốn một khoản kinh phí nào của nhà nước. Mỗi người dân chỉ phải nộp 20 ngàn đồng để khắc biển số nhà mới bằng mi ca, và cả công lắp đặt. Ban Công an xã được giao trực tiếp tổ chức thực hiện. Thôn Nghĩa Hiệp I - thôn trung tâm xã triển khai đầu tiên, sau đó rút kinh nghiệm triển khai đồng bộ trên 8 thôn còn lại. Trong đó có 5 thôn là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên thuộc địa bàn vùng sâu vùng xa…Mỗi xóm ghi số nhà theo thứ tự liền kề, bắt đầu từ hộ số 1 và kết thúc đến số hộ cuối cùng. Theo mô hình mỗi cung đường liên thôn là hợp thành bởi các xóm, được phân chia cách biệt hai bên đường. Xóm nào số nhà đó. Môi biển số nhà phải hội đủ 5 yếu tố : Số nhà, tên xóm, tên thôn, tên xã, tên huyện. Mô hình này khác biệt với số nhà ở đô thị là chỉ ghi thứ tư số đếm theo tên đường phố; số chẵn, số lẻ hai bên đường đối diện.
Đến nay tính cả những số hộ được tách mới sổ hộ khẩu, lắp đặt số nhà mới, toàn xã có 1.806 biển số nhà với khoảng 10 ngàn nhân khẩu. Sổ hộ khẩu của mỗi gia đình được “khai sinh” mỗi con số khác nhau trước tên xóm, thôn, xã huyện. Ban cán sự thôn quản lý địa bàn dân cư trên sơ đồ đường xóm, tên số nhà, tên hộ gia đình. Thuận tiện trước hết là người bưu tá duy tá duy nhất của xã. Trước đây số lượng thư tín phải “hồi” lại nơi gửi vì địa chỉ nơi đến không rõ ràng. Ở 5 thôn buôn là đồng bào dân tộc thiểu số khi đó gặp nhiều khó khăn hơn. Tên buôn, tên xóm, tên thôn và tên người nhận nếu ghi “phiên âm” thiếu chính xác “một âm tiết”, khiến người bưu tá tìm nhiều ngày mới lần ra đúng địa chỉ. Nay - tất cả các loại bưu phẩm, bưu kiện, thư tín lớn nhỏ…có số nha, đã giúp người bưu tá chuyển đến nhanh chóng, chính xác nơi nhận. 
Ông Nguyễn Trá, 72 tuổi, nhà ở số 361, xóm 8, thôn Nghĩa Hiệp 2 nói: “ Tôi có 2 người thân đang ở xa. Có số nhà, tôi được nhận thư từ, bưu phẩm từ 2 người thân này còn nhanh hơn cả thời gian dự kiến.” Tương tự ở xóm 2, thôn Ka Đô Mới 2, nhờ có số nhà nên hai gia đình Naria Ut và Naria Xoan làm nhanh thủ tục, nhận đủ tiền quà hàng tháng gửi về từ nước ngoài. Ông Ya Hanh, số nhà 125, xóm 2, thôn Ka Đô Mới 2 “phát biểu”: “Từ khi có số nhà, công việc công an viên thôn của tôi hoàn thành khá tốt. Việc đăng ký tạm trú, tạm vắng; một biểu hiện liên quan đến an ninh trật tự đều được xử lý khi vùa nảy sinh…” Cách đây hai năm, một thanh niên lạ đến thôn Nam Hiệp II của xã làm thuê. Công an viên thôn xác định nhanh số nhà mà thanh niên này tá túc. Dù thay tên đổi họ để xin đăng ký tạm trú, nhưng thanh niên này đã bị công an viên thôn “bóc trần”  là đối tượng phạm tội bị lệnh truy nã, tìm cách vào đây ẩn náu. Lập tức đối tượng bị giải giao cho cơ quan công an cấp trên.  
Quả thực từ khi người dân xã Ka Đô hoàn tất việc gắn biển số nhà đến nay, đã tạo ra những “hiệu ứng” tích cực. Việc cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ rau thương phẩm…từ nhà nông đến với nhà doanh nghiệp thông suốt hẳn. Thu nhập bình quân đầu người mỗi năm từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, nay tăng lên hơn 7 triệu đồng. Đã có khoảng 70% hộ gia đình lắp đặt điện thoại cố định và kết nối nối điện thoại không dây để giao dịch làm ăn. Số hộ nghèo giảm xuống còn 20%. Đây là những số liệu tăng tốc đáng mừng ở xã Ka Đô đã phản ánh trong đó có sự giúp ích của…biển số nhà !./.   
Tháng 3/2007