VĂN
VIỆT
Du
xuân Mậu Tý, du khách lần đầu tiên được chiêm ngưỡng một quần thể tượng đá nghệ
thuật bên rừng hoa Đà Lạt. Đó là khu Đồi Keo nằm trong khuôn viên Vườn hoa Đà
Lạt với hơn 20 bức tượng đá của những nhà điêu khắc nổi tiếng trong nước trưng
bày sau khi kết thúc Festival hoa Đà Lạt năm 2007.
Đón chào du
khách bước vào sân tượng đá xanh mát bóng cây keo là tác phẩm tượng mang tên
“Đà Lạt hội tụ” của tác giả Vũ Long ở Lâm Đồng. Chung một vành nón hình mái
nhà, hình dáng những con người tựa lưng vào nhau bền chặt; như bốn phương trời
cùng sum vầy một điểm đến của thiên đường du lịch Đà Lạt. Đi một quãng nữa,
người ta bắt gặp tác phẩm “Hạnh phúc”
của tác giả Hồ Phan Thiết ở Bình Thuận, khắc họa hình dáng một người mẹ
Tây Nguyên nâng đứa con yêu của mình trên đôi vai hiền dịu; cho con vui đùa
giữa tầng cao của đất trời bình yên. Với tác phẩm “Người mẹ cao nguyên” của tác
giả Đinh Xuân Việt ở Hà Nội – cho người xem tiếp xúc tượng nghệ thuật được gần
hơn. Đó là hình người mẹ có đôi bầu sữa dạt dào, hai tay bế bồng đứa con yêu –
đã tác động đến người xem những cảm xúc thiêng liêng về tình mẫu tử, về giống
nòi xứ sở. Cũng với chủ đề về Tây Nguyên, người xem được chiêm ngưỡng tác phẩm
“Già làng” của tác giả Hoàng Tường Minh.
Qua bàn tay tài hoa của tác giả, hình
tượng của già làng Tây Nguyên hiện lên đĩnh đạc, quắc thước. Già mặc bộ đồ với những nét hoa văn điểm xuyết dọc – ngang
rắn rỏi. Ở phần trung tâm thân tượng là chiếc chiêng to tròn, một loại nhạc cụ
thuộc về di sản văn hóa thế giới. Xứ Tây Nguyên hùng vĩ còn được xuất hiện với
tác phẩm “Con voi” của tác giả Nguyễn Hồng Dương ở thành phố Hồ Chí Minh. Con
voi phác họa ở đây khá lạ mắt với đôi ta to bè mà trông giống như đôi cánh chim
đang bay lượn. Chiếc vòi voi mềm cong như hình đầu chim luôn bình yên trên
những miền đất lành.
Tác phẩm “Dưới
thông” của tác giả Trần Thanh Phong ở An Giang là bóng dáng một người phụ nữ
căng đầy nhựa sống, nằm ở lưng đồi ngắm trăng lạnh với sương mờ Đà Lạt. Cùng ở
tỉnh An Giang còn có tác giả Dương Đình Chiến với tác phẩm “Hoa và trăng”.
Tượng ở đây với những đường chạm hình cong uyển chuyển. Nổi bật là mảng những
hình khối nhấp nhô hình vầng trăng, khép lại thành cánh hoa và tạo nên bóng
hình người thiếu nữ. Với tác phẩm “Tiếng lặng” ở thành phố Hồ Chí Minh là hình
tượng một người phụ nữ ngồi lặng lẽ giữa núi đồi Đà Lạt. Và quanh nơi lặng lẽ
của tượng đá người phụ nữ là một vùng sóng giao thoa thành những vòng tròn đồng
tâm, lan rộng lớp lớp ra xa. Và đây là tác phẩm “Người và hoa” của tác giả Đinh
Rú ở thành phố Hồ Chí Minh. Trên khuôn mặt người, hoa nở tươi trên nụ cười,
trên ánh mắt và…trên mái tóc. Ở tác phẩm “đồng hồ hoa” của tác giả Trần Hoàng
Cơ ở Hà Nội cho người xem nhiều suy tư về nhân sinh, về cội nguồn và cả những
chuyển động không ngừng của xứ sở ngàn hoa.
Tác phẩm “Đan”
của tác giả Nguyễn Hiền ở Thừa Thiên – Huế với đôi bàn tay siết chặt vào nhau
trên mái đình cong vút. Rồi tác phẩm “Cao nguyên” của tác giả Đặng Thị Khuê ở
Hà Nội với hình những trái bầu cho người xem những cảm nhận về sự sung túc,
ngọt lành của xứ sở cao nguyên. Dẫu chỉ là những quan sát vẻ ngoài nhưng người
xem đã cảm nhận được tất cả những tác phẩm tượng đá ấy cũng đã phản ánh về cuộc
sống, vẻ đẹp của đất người Tây Nguyên nói chung và thiên đường du lịch ngàn hoa
Đà Lạt nói riêng. Đây là điểm tham quan du lịch khá mới lạ, hướng về nhu cầu
thưởng thức nghệ thuật điêu khắc tượng đá của du khách khi đến Đà Lạt./.
*Tháng 02/2008