Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Thị trấn vàng

VĂN VIỆT
Dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa ngàn đời trầm tích những nền văn minh rực rỡ, trường tồn của cư dân đất Việt. Với cao nguyên B’Lao, hồ nước Tân Rai rộng lớn tự thân đã minh định  cho sự phát triển ngày mai của thị trấn Lộc Thắng, thị trấn trẻ vùng sâu, bốn bề bao bọc bởi những rặng đồi xanh ngát.

THOÁNG HIỆN BỨC TRANH XƯA

Thời kháng chiến, Lộc Thắng là cửa ngõ sinh tử để bảo vệ chiến khu Lộc Bắc, Lộc Bảo bây giờ. Hồi đó có tên gọi là Tân Rai. Sau giải phóng về, Tân Rai được đặt tên mới là xã Lộc Thắng thuộc huyện Bảo Lộc. Anh Nguyễn Ngọc Tín, Chủ tịch thị trấn Lộc Thắng hiện nay cũng chính dân gốc dân gốc kỳ cựu ở vùng rừng núi heo hút này. Từ dải đất miền Trung lên lập nghiệp từ năm 1976, kỷ niệm nơi đây chất chứa dâng đầy với người chủ tịch luôn tâm huyết vì sự ngày mai của thị trấn. Anh Tín kể, giữa chốn rừng già hùng vĩ, bao la ấy, thú rừng với cuộc sống tự nhiên của con người hầu như chẳng có giới hạn không gian nào. Chỉ có ngại nhất là đêm về, “mấy ông” cọp, voi, heo rừng ra “thăm” nương rẫy của đồng bào. Còn những lời đồn đãi thêu dệt rằng, voi về “giày xéo” cửa nhà nếu bị đối xử tệ bạc thì anh Tín chưa nghe thấy bao giờ.
Nhưng cái vùng sâu, vùng xa ấy luôn thúc giục bước chân của những người đi làm nhiệm vụ định canh định cư cho đồng bào. Khổ nhất vẫn là con đường thuở ấy. Xe máy hồi đó rất hiếm nên cán bộ vào đây thường đi bằng xe đạp, mất từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng đồng hồ từ trung tâm huyện Bảo Lộc đến nơi. Bù lại, phương tiện xe đạp tỏ ra khá ưu thế và cơ động hơn cả. Đạp không nổi nữa thì dắt bộ. Qua suối sâu, vực thẳm dễ dàng nhất tểnh lên vác trên vai-thế là đi. Thấy cán bộ  vất vả, vượt đường xa hiểm trở để lo cho đồng bào định canh định cư, ai cũng xúc động thực sự. Từng dự án lần lượt được triển khai, bà con hưởng ứng rất tích cực. Rừng được quy hoạch bảo vệ, người Châu Mạ bắt đầu biết làm lúa nước, dốc hết sự trăn trở, suy nghĩ trên từng mảnh đất luân canh của mình. Thời này đánh dấu bằng công trình thế kỷ: Thung lũng Tân Rai rộng 245 ha được ngăn dòng thành một công trình thủy lợi tưới tiêu cho một vùng nông nghiệp rộng lớn của Lộc Thắng, Lộc Ngãi, Lộc Phát ngày nay. Bây giờ thì gọi là hồ Lộc Thắng với một dáng vẻ quyến rũ các nhà đầu tư du lịch trong nước, đặc biệt các nhà đầu tư ở thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Tín nhớ nhất hồi bao cấp khi đang làm cán bộ của Hợp tác xã nông nghiệp, được nhận lương mua một bao gạo sản xuất tại đất Tân Rai để ăn tết-sướng ơi là sướng. Gạo Tân Rai ăn ngon không thua kém vùng nào trong tỉnh. Làm được lúa nước, đồng bào bắt đầu  nhận ra một tiềm năng dồi dào của quê hương mình, đem công sức của mình để đánh thức.

CON ĐƯỜNG CỦA MỌI CON ĐƯỜNG

Lịch sử phát triển của Tân Rai đã chứng minh sinh động sự thịnh vượng của vùng đất sau công cuộc định canh định cư. Năm 1994, thị xã Bảo Lộc hình thành. Huyện mới Bảo Lâm ra đời và đã chọn nơi dòng nước dịu ngọt Tân Rai làm huyện lỵ. Đường mới huyết mạch 20km từ Bảo Lộc đến trung tâm huyện nhanh chóng mở ra, nhựa đường bóng mượt. Vùng sâu Tân Rai chẳng mấy chốc trở thành đô thị Lộc Thắng. Năm sau-1995, điện quốc gia bủa khắp mọi nơi, trường học, trạm xá, bưu điện, chợ…hình thành. Có ai đó nói quả không sai: Có con đường là có mọi thứ, là bắt đầu của mọi sự bắt đầu! 
Bảo Lâm tách ra đứng độc lập với Bảo Lộc nên được các cấp, ngành của tỉnh và trung ương để mắt đến là một nguyên liệu chè rộng lớn nhất của cả Lâm Đồng. Đồng bào Châu Mạ bên cạnh cây lúa nước đã được hướng dẫn đi những bước đi đột phá về cây chè và cà phê. Ai mà chẳng hồ hởi khi biết rằng, cái vùng xa “thâm sơn cùng cốc” này lại nổi lên hơn cả trăm hộ làm chủ trang trại, ít nhất mỗi trang trại cũng là 3 ha; cao hơn đến bảy, mười ha không còn là hiếm thấy. Mới đây chưa gọi là xa lắm-năm 1995, gia đình K’Xuân còn phát nương làm rẫy. Ay vậy mà sang năm mới 2004, gia đình K’Xuân đã xây dựng nên một trang trại chè cành, chè hạt, cà phê năng suất  cao mênh mông, tít tắp. Rồi K’Biểu ở khu 2; K’Nhẹo ở khu 3…thay nhau ghi vào danh sách của những hộ làm ăn giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. “Nhà cửa, trâu bò, xe máy và các phương tiện làm ăn, sinh hoạt của người dân Lộc Thắng nay đã phổ biến. Chuyện mỗi gia đình có 2 chiếc xe máy ở đây không còn phải mơ ước xa vời nữa!”-Ông Lương Văn Minh, Chủ tịch huyện Bảo Lâm đã vui mừng như thế.

Vâng, có con đường là có mọi thứ-đang là sự đúng của nhiều vấn đề hơn nữa. Mà điều đáng nói nhất ở sự vực dậy một vùng đất với sản phẩm của bà con nông dân được lưu thông dễ dàng. Nhiều nhà đầu tư đang tỏ ra hấp dẫn với vùng đất này. “Nhà đầu tư” của nhà nước có; của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có-họ háo hức xây nên những công trường, nhà máy; người dân được ứng trước vốn, được thu mua sản phẩm tại chỗ. Không nơi nào ép giá được nông dân, bởi như thế sẽ mất ngay nguồn nguyên liệu, mất ngay “thượng đế” khách hàng. Còn nữa, người dân địa phương bên cạnh khoảnh vườn của mình còn được làm những công nhân trong khá nhiều nhà máy tại nơi mình sinh sống.  Ước tính khoảng 600 lao động ăn lương thường xuyên; chưa kể lao động thời vụ thu hút cả ngàn người trong lúc nông nhà hàng năm…
THỊ TRẤN “VÀNG” CỦA NGÀY MAI!
Nếu ai đó chỉ năm năm chưa về thị trấn Lộc Thắng thì khi trở lại dễ thành người phấn khởi đến…kinh ngạc. Một thị trấn sầm uất sắp trở thành thị trấn công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, của quốc gia. Dự án khả thi xây dựng tổ hợp bauxít-nhôm đã được thông qua cấp trung ương và đang khởi động ở giai đoạn đầu tiên. Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 667 triệu USD. Hai nhà máy lớn nhất của dự án là nhà máy alumin (ô-xít nhôm) và nhà máy điện phân nhôm đã quy hoạch xây dựng tại thị trấn Lộc Thắng với mặt bằng rộng 118,5ha. Từ đây mở rộng trong phạm vi khoảng 180ki-lô-mét vuông, vùng mỏ khai thác đến địa bàn 2 xã Lộc Phú và Lộc Ngãi. Trữ lượng phải khai thác từ 50 năm đến 60 năm. Hàng ngàn việc làm tại địa phương sẽ được tiếp nhận vào khu công nghiệp này.
Vùng sâu Lộc Thắng năm nào nay là một trị trấn “vàng” tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong phạm vi cấp tỉnh bước vào năm mới đã thống nhất đầu tư 2,5 tỷ đồng xây dựng một trung tâm thương mại trên diện tích 1,2 ha. Với 56 ki-ốt, 250 quày hàng sẽ thay thế khu chợ cũ hiện thời. Khu hồ Tân Rai xưa cũng chuẩn bị trở thành một khu lịch độc đáo và hấp dẫn với nhiều loại hình trên sông nước cao nguyên. Thị trấn bên hồ Tân Rai sẽ lộng lẫy, xinh đẹp hơn giữa đất trời lồng lộng. Và dẫu phải làm nhiều việc bức bách trong năm mới, song cái sự trở dậy của thị trấn “vàng” này đã nhân lên những niềm tin, những niềm hy vọng lớn của đồng bào các dân tộc Lâm Đồng nói chung; của người dân Lộc Thắng nói riêng.
Bảo Lâm-Đà Lạt giáp tết Giáp Thân 2014