VĂN VIỆT
Cơ sở
nước chấm Bông Mai ( D’ran, Đơn Dương) là hội viên hội doanh nghiệp trẻ Lâm
Đồng. Hiện tượng sản phẩm các hãng nước tương trong nước có hàm lượng 3 – MCPD
vượt quá mức quy định, đã ảnh hưởng đến sức mua của thị trường nước tương Bông
Mai Lâm Đồng. Ngày 24 – 7 – 2007, Hội Lương thực thực phẩm TPHCM đã chính thức
công bố cơ sở sản xuất nước tương Bông Mai, Lâm Đồng là 1 trong 21 cơ sở có quy
trình sản xuất nước tương sạch và an toàn.
Cơ sở nước chấm Bông Mai có 5 đại
lý phân phối chính trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Thời điểm xôn xao những sản phẩm
nước tương có hàm lượng 3 -MCPD vượt mức cho phép, tuy sản phẩm của Bông Mai
vẫn đảm bảo tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhưng người tiêu dùng vẫn sử dụng
rất dè dặt vì họ nghi ngờ chung. Nhiều đại lý bán buôn và bán lẻ của Bông Mai ở
Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng…liên tục sút giảm doanh thu, rõ rệt nhất là trong ba
tháng 5, 6 và 7/2007. Công suất chế biến nước tương của Bông Mai hàng ngày từ
1.000 sản phẩm (mỗi sản phẩm có dung tích nửa lít) phải “hạ” xuống còn 500, 300
và thậm chí xuống 200 sản phẩm. Gần 1/3 số công nhân cơ sở Bông Mai phải tạm
thời “hết việc”, và tất nhiên là “hết” cả thu nhập.
Được hình thành và phát triển hơn
40 năm qua, đây là lần đầu tiên cơ sở sản xuất nước chấm ( xì dầu) Bông Mai
phải gặp khó khăn, ách tắc về lưu thông đến người tiêu dùng như trên. Để“lấy”
lại thị trường truyền thống, ông chủ cơ sở Bông Mai, Võ Phước Thành đã tìm đến
tiếp cận quy trình sản xuất nước tương theo công nghệ mới của Hội Lương thực
thực phẩm TP HCM ( FFA). Đây là quy trình đã qua hơn 200 lần thí nghiệm; khoảng
100 lần tổ chức đánh giá chất lượng cảm quan và 35 lần chọn thử vật liệu. Quy
trình được các nhà khoa học ở TP HCM nghiên cứu thành công từ tháng 6/1999 đến
nay tại các cơ sở thí nghiệm ở TP HCM như Trường Đại học Bách khoa TP HCM;
Trung tâm Phân tích và thí nghiệm thành phố; Trung tâm Kỷ thuật tiêu chuẩn đo
lường chất lượng III; Cơ sở sản xuất thực nghiệm ITC- quận 12; Trung tâm đào
tạo và phát triển sắc ký. Quy trình mới có tất cả 11 công đoạn chính từ rang,
nghiền nhỏ đậu nành, đậu phộng đến nuôi vi sinh vật lên men kết hợp với hóa
giải, thanh trùng cho ra thành phẩm.
Để được chuyển giao quy trình sản
xuất nước tương mới nói trên, cơ sở Bông Mai đã bỏ ra cả trăm triệu đồng chi
phí tiếp cận, “nâng cấp” dây chuyền thiết bị. Tất cả 4 cán bộ kỷ thuật ( 2 kỷ
sư và 2 trung cấp) của Bông Mai đã lĩnh hội và áp dụng có kết quả quy trình mới
trên dây chuyền, thiết bị nhà xưởng được sắp xếp lại. Sản Phẩm nước tương mới
của Bông Mai thực hiện nghiêm ngặt chế độ “tiền kiểm” trước khi được gắn logo
nước tương đạt chuẩn sạch và an toàn của FFA rồi mới bán ra thị trường. Thời
gian “tiền kiểm” từ 3 ngày đến 7 ngày
cho mỗi lô hàng sản xuất.
Chủ nhân cơ sở nước chấm Bông
Mai, ông Võ Phước Thành cho biết rằng, sau ngày 24/7/2007 - ngày cơ sở nước
chấm Bông Mai được công nhận có quy trình sản xuất nước tương sạch và an toàn,
đảm bảo đạt dưới cả mức chuẩn 3-MCPD cho phép của Bộ Y tế, đã dần thu hút trở
lại thị phần tiêu thụ. Đến ngày đầu tháng 8/2007, thị phần nước chấm Bông Mai ở
địa bàn Lâm Đồng ước tính đã khôi phục từ 60 % đến 70% so với trước thời điểm
tháng 5/2007. Khoảng 30 cán bộ kỷ thuật
và công nhân của cơ sở sản xuất Bông Mai đã đảm bảo được việc làm, dự báo thu
nhập sẽ nâng lên bởi sản phẩm được tiêu thụ ngày càng nhiều hơn.
Tháng 8/2007