VĂN VIỆT
Sau tết dương lịch đến nay,
mỗi buổi sáng nắng lên rất nhiều người dừng lại ven hồ Xuân Hương, Đà Lạt
(chênh chếch đối diện với công viên Bà Huyện Thanh Quan) ngắm nhìn hai cây cổ
thụ ra hoa khá lạ mắt, có tên gọi là hoa cơm nước.
Đứng dưới gốc cây to hai
vòng tay người ôm, nhìn lên độ cao dễ đến sáu, bảy mét, những chiếc lá xòe to
bằng bàn tay người lớn, chiều dài ước lượng gấp rưỡi đến gấp đôi, đan kết một
mảng màu xanh làm mát rượi cho thân cành cằn cỗi. Chen trên lá là hoa. Những
cánh hoa mỏng mảnh, tựa khép lên nhau, nở ra từng chùm, từng chùm rực rỡ, đong
đưa trong sương lạnh. Nhìn xa có thể nhầm với những chùm trái đào hình loa kèn
thon nhỏ, ngọt lịm. Đến gần mới tận hưởng được mùi hương thơm thoảng nhẹ của
hoa. Có hai màu hoa nở trên hai cây hoa cơm nước nơi đây là màu trắng thuần
nhất và màu trắng viền đỏ. Hoa màu trắng đỏ khi còn là nụ nhã một màu đỏ hồng
cuộn tròn.
Vài ngày sau hoa nở bung, màu đỏ chỉ còn giữ lại từ đài hoa, chạy
dài trên từng cánh hoa xếp chồng đôi ba lớp, chia thành nhiều phần bằng nhau
như những dải nơ đỏ điểm xuyết trên gam màu trắng của hoa. Hoa cơm nước màu
trắng cũng không chịu thua kém hoa màu đỏ. Nó chằng chịt trải đều một màu tuyết
bạc long lanh trên thảm lá. Năm nay là mùa hoa thứ hai, cây cổ thụ cơm nước ngụ
cư về bám rễ ven hồ Xuân Hương Đà Lạt, dâng hiến nét đẹp thầm kín, rêu phong
cho người. Ấy mà mấy ai biết những mùa hoa trước, cơm nước còn lẩn khuất dưới
thung lũng sâu, suýt nữa đã thành gỗ củi.
Tôi gặp nghệ nhân Huỳnh Minh
Xuyến, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Lâm Đồng mới hay cây hoa cổ thụ cơm nước ấy
có “quê quán” từ công trình thủy điện Đại Ninh, Đức Trọng; cách Đà Lạt cả trăm
cây số. Mùa đông năm 2004, nghệ nhân Huỳnh Minh Xuyến cùng nhiều nghệ nhân khác
trong chuyến dã ngoại sưu tầm sinh vật cảnh dài ngày của Hội, bất ngờ phát hiện
một quần thể 15 cây cổ thụ hoa cơm nước sắp bị giải tỏa để xây dựng các hạng
mục công trình thủy điện quốc gia Đại Ninh. Không chần chừ nữa, ông Xuyến cùng
các đồng nghiệp tìm cách di dời về Đà Lạt. Được sự hỗ trợ của các công ty cơ
giới trong tỉnh Lâm Đồng, tất cả 15 cây được bứng trọn bộ rễ cồng kềnh, cẩu lên
những xe tải hạng nặng chuyển lên Đà Lạt an toàn.
Đến nay bên hồ Xuân Hương có
02 cây trong số 15 cây đã thích nghi được với môi trường mới. Các nghệ nhân dự
đoán 02 cây cổ thụ cơm nước cho hoa vừa nêu phải đến sáu, bảy chục năm tuổi.
Được biết cây hoa cơm nước có tên khoa học là Elaeocarpus Hamandii
Elaeocarpaceae, thuộc loài cây đặc hữu của Lâm Đồng, được tìm thấy ở những địa
hình sông, suối tự nhiên thuộc các vùng Đa Nhim, Đạ Đờn, Prenn…Cây có thể nhân
giống bằng hạt. Và nếu được chăm sóc tốt có thể nở hoa suốt mùa thu và suốt mùa
Noél đến qua rằm tháng giêng âm lịch. Nên chăng, cơ quan thẩm quyền tỉnh Lâm Đồng cần quy
hoạch những đường phố Đà Lạt trồng thuần loại hoa cơm nước để tôn tạo cảnh quan
du lịch?! Đà Lạt Tháng 01/2007