VĂN VIỆT
Lâm Đồng với nhiều tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng trên độ cao 200 m đến 1.500 m so với mặt biển, người sản xuất kết hợp kinh nghiệm truyền thống với kỹ thuật canh tác mới theo các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế, đã tạo ra đa dạng hàng hóa nông sản có lợi thế cạnh tranh để tiếp cận, mở rộng thị trường tiềm năng xuất khẩu đến nhiều châu lục.
NHỮNG CÂY TRỒNG CHỦ LỰC TIỀM NĂNG
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, tăng trưởng GRDP toàn ngành năm 2024 đạt 5,1%, trong đó lĩnh vực trồng trọt đạt 5,7%, tương ứng với tổng diện tích gieo trồng 417.240 ha. Các loại cây trồng chủ lực vẫn duy trì diện tích và năng suất cao như: rau, củ, quả (83.706 ha, 3,2 triệu tấn/năm); hoa các loại (10.908 ha, 4,4 tỷ cành/năm, hơn 300.000 cành hoa chậu); cà phê (176.862 ha, 572.965 tấn/năm); chè (9.361 ha, 137.787 tấn/năm); cây ăn quả (42.244 ha, 379.782 tấn/năm); nuôi trồng thủy sản (2.364 ha, 10.351 tấn/năm).
Tính riêng diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao có 69.637 ha, bằng 20,4% tổng diện tích canh tác. Toàn tỉnh đã công nhận 8 vùng sản xuất và 15 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 2.412 ha. Nông nghiệp thông minh phát triển 730 ha với hệ thống thiết bị giám sát các yếu tố vi khí hậu, môi trường, dinh dưỡng của cây trồng. Nông nghiệp hữu cơ đã cấp giấy chứng nhận 1.708 ha gồm: Rau (gần 95 ha), cây ăn quả (gần 34 ha), lúa (34 ha), chè (37 ha), cà phê (216,3 ha), mắc ca (hơn 33 ha), nấm (6,5 ha), dược liệu (2 ha), đồng cỏ (140 ha)… “Hiệu quả phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ đã góp phần đạt giá trị thu hoạch bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác toàn tỉnh hơn 285 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, nhiều diện tích ứng dụng công nghệ IoT đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng/ha/năm đối với cây rau và 3 - 5 tỷ đồng/ha/năm đối với cây hoa…”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng hạch toán.
Đáng kể, cây dược liệu toàn tỉnh phát triển 1.216,5 ha, trong đó 860,3 ha các loại cây chủ lực tiềm năng như atiso, đẳng sâm, đương quy, đinh lăng… Cụ thể, cây atiso thu hoạch, sơ chế, chế biến đa dạng với 10% sản phẩm hoa, thân non (ăn tươi); sản phẩm thân, lá, rễ, hoa sấy khô dùng nấu nước uống (25%), chế biến trà túi lọc, cao ống, thuốc uống, thực phẩm chức năng (65%). Qua khảo sát, bên cạnh vùng nông nghiệp Đà Lạt, các vùng nông nghiệp phụ cận xã Đạ Sar, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương; xã Tu Tra, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương; xã Phú Hội, huyện Đức Trọng; xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà đều phù hợp để mở rộng diện tích sản xuất atiso nguyên liệu tập trung quy mô lớn…
THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU TIỀM NĂNG
Hiện nay, nông sản Lâm Đồng xuất khẩu đến hơn 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2024, giá trị nông sản xuất khẩu Lâm Đồng đạt 550 triệu USD với các mặt hàng chủ lực cà phê, rau, củ, quả, hoa, sầu riêng, chiếm hơn 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Thị trường xuất khẩu chính thuộc các nước Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore; ngoài ra còn xuất khẩu sang thị trường châu Úc, một số nước châu Âu…
So sánh với tổng sản lượng nông sản toàn tỉnh xuất khẩu chiếm tỷ lệ 10%; còn lại tỷ lệ 90% tiêu thụ thị trường trong nước. Trong đó các sản phẩm dược liệu thế mạnh của tỉnh mới chiếm khoảng 20% sản lượng xuất khẩu sang các nước Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Pháp, Nga… Qua khảo sát, công suất cơ sở chế biến atiso trên địa bàn 13 - 15.000 tấn/năm, tuy nhiên hiện mới vận hành khoảng 60% công suất. Trong khi tiềm năng nhiều thị trường mới khu vực Trung Đông, Nam Mỹ cần tiếp cận, kết nối giao thương hợp tác đầu tư sản xuất, chế biến nông sản gắn với thị trường xuất khẩu. Trong năm 2024, tỉnh Lâm Đồng xuất khẩu cà phê sang Saudi Arabia đạt 360.000 USD. Tính chung từ năm 2023 đến nay, tỉnh Lâm Đồng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường mới xuất khẩu sang các nước Hồi giáo bên cạnh các thị trường xuất khẩu sang các nước truyền thống trong khu vực châu Á, châu Úc, châu Âu nói trên.
Trong buổi làm việc mới đây với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại các nước Bun-ga-ri, Ai Cập, Ả rập - Xê út, ngành Nông nghiệp và ngành Công thương Lâm Đồng mong muốn doanh nghiệp Lâm Đồng được hỗ trợ kết nối giao thương, hợp tác với các doanh nghiệp sở tại, tiến đến mở rộng mặt hàng và khối lượng nông sản xuất khẩu từ tỉnh Lâm Đồng. Trong đó chú trọng đặc biệt đến các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Lâm Đồng như: rau, củ, quả cấp đông; sản phẩm dược liệu; hoa cắt cành và phụ liệu ngành hoa; nông sản sấy khô; trà atiso, rượu vang, cà phê…
THANG 1/2025