Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Bài 2/ Tái cơ cấu các vùng sản xuất hoa chuyên canh

                             Giải pháp phát triển ngành hoa mang tầm quốc tế

VĂN VIỆT

Theo định hướng, ngành hoa toàn tỉnh tập trung tái cơ cấu và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh bền vững, đặc biệt phát huy tối đa lợi thế từng khu vực sinh thái và năng lực sản xuất của nhà nông, doanh nghiệp, từ đó hình thành mô hình điểm về làng hoa xanh trên địa bàn, tạo ra sản phẩm với năng lực cạnh tranh mạnh mẽ trên thương trường nội địa và xuất khẩu.

35 - 40% DIỆN TÍCH SẢN XUẤT HOA BẢN QUYỀN XUẤT KHẨU

Ngành hoa toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030 đạt tổng diện tích canh tác từ 3.900 - 4.000 ha, tương ứng tổng diện tích gieo trồng 11.500 - 12.000 ha, sản lượng khoảng 5,4 tỷ cành và 500 triệu chậu hoa các loại. Theo đó, phát triển sản xuất chuyên canh các loại hoa cắt cành truyền thống từ các làng hoa Vạn Thành, Hà Đông, Thái Phiên, Xuân Thành, Đa Thiện của TP Đà Lạt; mở rộng quy mô đến xã Đa Sar, thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương) và trang trại sản xuất hoa của Công ty TNHH Dalat Hasfarm tại xã Đạ Ròn (huyện Đơn Dương), xã Phúc Thọ (huyện Lâm Hà), đạt tổng diện tích gieo trồng hoa cúc 2.916 ha, sản lượng 1,32 tỷ cành; hoa hồng 1.560 ha, sản lượng 466 triệu cành. Tại khu vực các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương chuyên canh sản xuất các loại hoa cao cấp như loa kèn, thược dược, oải hương công nghệ cao khoảng 1.500 ha, tăng 60%; các loại hoa cắt cành, hoa lan, hoa chậu, cây trang trí ở các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc. Từ xã Hiệp An, huyện Đức Trọng nhân rộng sản xuất hoa lay ơn ngoài trời đến huyện Đơn Dương, huyện Lạc Dương, tổng diện tích 1.174 ha, sản lượng 277 triệu cành, tăng 25% diện tích và 35,5% sản lượng so với năm 2023.

Trong đó, hiện đại hóa khâu sản xuất hoa nhập nội và sử dụng giống hoa mới trên 3.000 ha gieo trồng; đạt 35 - 40% diện tích hoa sản xuất từ các giống mới có bản quyền để phát triển thị trường xuất khẩu. Phạm vi thị trường trong nước,  toàn tỉnh chuyển đổi sản xuất hoa cắt cành sang trồng hoa chậu và các loại hoa trang trí khác, ưu tiên phát triển mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao như lan hồ điệp, lan vũ nữ, thu hải đường, tổng diện tích đạt 1.774 ha, sản lượng hơn 500 triệu chậu, tăng 17,5% diện tích và sản lượng so với năm 2023.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh đẩy mạnh sản xuất giống hoa cấy mô cung ứng cho nhu cầu trong nước và gia công xuất khẩu, từng bước tự chủ về bản quyền giống hoa để sản xuất, xuất khẩu mang thương hiệu riêng, hình thành cụm công nghiệp sản xuất giống nuôi cấy mô hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất trên 120 triệu cây giống cung cấp đủ nhu cầu canh tác hoa của tỉnh hàng năm từ 3.500 - 4.000 ha; xuất khẩu đạt 75 triệu cây giống gia công sang các nước Hà Lan, Pháp, Mỹ, Đan Mạch, Australia, Nhật Bản, Thái Lan…

TẠO LỢI THẾ CẠNH TRANH TRÊN THỊ TRƯỜNG 

Ở khâu đầu ra sản phẩm hoa đến năm 2030, toàn tỉnh hoàn thiện chuỗi giá trị gắn kết các vùng chuyên canh, trong đó nâng cao vai trò của Hiệp hội Hoa và các doanh nghiệp thành viên trong việc kết nối người sản xuất, đạt ít nhất 50% sản lượng hoa tiêu thụ. Đồng thời, hình thành và đi vào hoạt động Trung tâm Giao dịch hoa, công suất tiêu thụ đạt 4,2 - 4,3 tỷ cành/năm; xây dựng 1 - 2 trung tâm logistics với 15 - 20 doanh nghiệp tham gia; ứng dụng công nghệ xử lý, bảo quản hoa sau thu hoạch mỗi năm trên 1 triệu sản phẩm hoa tươi, hoa khô và trên 100 sản phẩm nước hoa theo nhu cầu thị trường; thông qua các kênh xúc tiến thương mại đến năm 2030 xuất khẩu hơn 900 triệu cành và chậu hoa các loại, đạt kim ngạch trên 217 triệu USD.

Giải pháp để đạt các mục tiêu tái cơ cấu các vùng chuyên canh hoa theo hướng bền vững mang tầm quốc tế đến năm 2030, toàn tỉnh  bố trí nguồn vốn sự nghiệp khoa học để thực hiện các đề tài, dự án về điều khiển tự động trong sản xuất và bảo quản hoa sau thu hoạch; nghiên cứu chọn tạo, bảo tồn và phát triển giống hoa có chất lượng và hiệu quả kinh tế; đầu tư mô hình tích hợp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh đồng bộ, ứng dụng hệ thống cảm biến điều chỉnh ánh sáng, ẩm độ đất, không khí để khép kín quy trình bón phân, tưới nước, phun thuốc tự động cho cây hoa.

Đồng thời thu hút nguồn vốn ODA, FDI để đầu tư phát triển sản xuất hoa công nghệ cao, công nghệ thông minh, ưu tiên các nguồn lực thực hiện thành công Dự án phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp do tổ chức JICA - Nhật Bản hỗ trợ; tiếp tục hp tác với các nước Bỉ, Hà Lan, Israel, Hàn Quốc về phát triển ngành hoa.

 Với giải pháp về thị trường, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cho biết thêm: “Toàn tỉnh nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu hoa gắn với chỉ dẫn địa lý nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, tìm kiếm đầu ra trên thị trường trong nước và quốc tế.  Đặc biệt tăng cường hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết sản xuất giữa các nông hộ với các doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đàu ra. Ngoài ra, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, bảo quản hoa trên địa bàn sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc gắn với phát triển thương hiệu hoa Đà Lạt…”

THÁNG 1/2025