VĂN VIỆT
Chào mừng Festival hoa Đà Lạt 2010, Chùa
Vạn Hạnh, Đà Lạt sẽ mở cửa nhà kho chuyển ra hàng ngàn viên đá thạch anh quý
hiếm để trưng bày cho du khách chiêm ngưỡng khi đến vãn cảnh chùa. Sản phẩm đá
quý này được nhà sư trụ trì chùa cất công sưu tập, ghép lên thành tranh rồi cất
giữ hơn hai mươi năm qua.
Nhà
sư Thích Viên Thanh, trụ trì Chùa Vạn Hạnh mở khóa cửa cho phóng viên tham quan
2 phòng nhà kho chứa đầy đá quý. Đá nằm sắp đặt từng hàng, từng hàng từ dưới
nền nhà lên mặt bàn gỗ lũa rồi treo trên tường nhà. Đủ kích cỡ và hình khối của
đá. Có những tảng đá dài cả sải tay, bề dày trên dưới vài mươi phân, phải có
năm, sáu thanh niên lực lưỡng mới nhấc lên được. Nhưng cũng có không ít những
tác phẩm đá do thiên nhiên tạo ra, vừa bằng kích thước các con vật như cá la
hán; hoặc thu nhõ lại hình con tê giác to hơn bắp chân người…
Đáng kể có hàng
ngàn viên đá nhỏ bằng ngón tay cái do chính bàn tay nghệ thuật của nhà sư Viên
Thanh “cắt” ra từ những khối đá lớn rồi ghép thành những bức tranh đá rất sắc
nét, sống động và chắc hẳn có giá trị thành tiền không nhỏ. Đó là những tấm bản
đồ đá hình chữ S của dải đất Việt Nam. Hình người mẹ trĩu nặng đôi gánh trên
đường quê. Hình một gia đình đồng bào thiểu số giã gạo giữa buôn xa. Hoặc những
bộ tranh in hình nhà sư gánh nước; ngồi thiền; cầu pháp…Tất cả những bức tranh
đá của nhà sư Viên Thanh đều “họa” trên nền cát vàng, đỏ, trắng…của những bờ
cát Bình Thuận, Ninh Thuận, Nha Trang đưa về.
Nhà
sư Thích Viên Thanh kể rằng mấy chục năm trước, khi đi cùng các đoàn cứu trợ từ
thiện về vùng sâu, vùng xa, bất ngờ cuốn hút bởi những tác phẩm đá do thiên
nhiên tạo nên. Đá nghệ thuật hiện trên những vách núi hiểm trở; hoặc ẩn dưới
dòng suối rừng cuộn chảy; và cũng nhiều khi bắt gặp bên bước chân qua lại thường
ngày nhưng nhiều người không để ý đến. Vậy là nhà sư bắt đầu lặng lẽ hành trình
gom nhặt đá của mình. Nhà sư tìm thấy đá thạch anh các màu tím, vàng, trắng,
hồng, ám khói, xanh…nằm ở các vùng núi sâu thuộc địa bàn Tân Thanh, Đan Phượng
( Lâm Hà), Tà Năng ( Đức Trọng) của Lâm Đồng và các vùng núi giáp ranh thuộc
tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. “Tìm thấy được đá cũng là một cái duyên. Như chỉ
trong một ngày nọ, tôi đã gặp đúng khối đá có đường vân in hình Đức Phật Thích
Ca ở khu đồi núi giữa tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng” – nhà sư Viên Thanh nói rồi
đưa phóng viên đến bên khối đá có hình Đức Phật này. Một khối đá màu khói, có
bề mặt bằng cuốn sách, bên giữa là hình Đức Phật in màu nâu trầm. Và tương tự
với nhiều khối đá được thiên nhiên khắc lên những con chữ Hán như Nhẫn, Đức,
Tâm, Ngộ…Tính chung cả tranh đá thiên nhiên và tranh đá sáng tác của nhà sư
Thích Viên Thanh hiện có hàng trăm bức. Còn nếu tính với số viên đá thạch anh
thì lên đến hàng ngàn ngàn trong nhà kho ở chùa Vạn Hạnh này.
Với
người Đông - Tây từ cổ đến kim thì gọi đá thạch anh là loại đá phong thủy, đặt
trong nhà sẽ có được nguyện ước gia đạo bình an, tài lộc tấn tới. Còn về khoa
học cũng có tài liệu cho rằng đá thạch anh sẽ giảm bớt lượng bức xạ sóng từ
trường phát ra từ những thiết bị điện máy trong nhà. Nhưng đây cũng chỉ là
những quan niệm và những giả thiết.
Còn trực quan thì đá thạch anh là một loại
đá kiểng khá quý hiếm, luôn mang lại nhiều cảm nhận khác lạ của người thưởng
lãm. Bởi vậy, chùa Vạn Hạnh đã nâng cấp trong khuôn viên chùa một gian nhà rộng
hơn 350 mét vuông, thành nhà trưng bày hàng ngàn ngàn viên đá thạch anh tự
nhiên và hàng trăm tác phẩm đá thạch anh nghệ thuật như vừa nêu. Có thể kho đá
quý của nhà sư Thích Viên Thanh sưu tầm và trưng bày kể từ dịp Festival hoa Đà
Lạt 2010 sẽ là một điểm tham quan khá đặc biệt của du khách trên đường vào Khu
đồi Mộng Mơ và Khu Thung Lũng Tình Yêu Đà Lạt./.
Tháng 12/2009