Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Cách trở cây cầu

VŨ VĂN 
Một đoạn sông Đồng Nai dài hơn trăm mét chảy qua đôi bờ bên này là huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, bên kia sông là huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, khởi động một cây cầu năm năm chưa thể hoàn thành. Người dân đôi bờ cứ ngong ngóng từng ngày, từng ngày trôi xuyên qua…hai thế kỷ. Trong khi những đội ngũ “kỷ sư công chánh” cứ thay đổi thiết kế xây dựng cầu như…thay áo. Lâm Đồng-Bình Phước còn ngăn sông cách núi đến bao giờ?!

Trắc trở đò giang
Gọi là huyện kinh tế mới nhưng người tứ xứ đổ về Cát Tiên, Lâm Đồng tập trung dựng làng lập nghiệp từ gần ba mươi năm trước. Giáp ranh với huyện Bù Đăng, Bình Phước là địa danh Phước Cát được chia thành hai địa giới hành chính xã là Phước Cát 1 và Phước Cát 2. Ông Lê Đức Thành, một trong những người tham gia công tác quản lý nhà nước khá “kỳ cựu” ở vùng Phước Cát nhớ lại: Những ngày đầu quy hoạch định cư, phát triển vùng đất Phước Cát, đã hiện lên nét vẽ một “cây cầu động lực” bắc qua đôi bờ Lâm Đồng-Bình Phước. Gọi là “cây cầu động lực” bởi nó tạo điều kiện phát triển cho “quốc kế dân sinh” cả vùng-miền Lâm Đồng-Đà Lạt với Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. 
Nhưng trong lúc chờ đợi thông tuyến một cây cầu, người dân đôi bờ lại trở về với mái chèo tay kiên nhẫn chở người, đưa hàng hóa qua sông trên “lộ trình”…quá dài. Đò giang cách trở, dẫu sao vào mùa nắng còn qua lại với nhau; chứ mùa mưa thì đành…gọi nhau ơi ới mà thôi. Lại nữa, với mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm gọn nhẹ thì có thể chở “bập bềnh” qua bên kia buôn bán, trao đổi. Ngược lại có lúc hàng loạt những “cộ mía” thu hoạch từ ba huyện phía Nam Lâm Đồng (Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) đưa đến đây bị “ách” bởi ngăn sông cách núi. Lớp lớp nguyên liệu mía nằm lại bên này bờ; lớp khác đưa xuống thuyền chở khẳm quá, buộc phải thả trôi theo dòng nước theo cách “bỏ của lấy người”. Hoặc có mùa điều ở bên này sông ( Cát Tiên, Lâm Đồng) giá chỉ 2.000 đồng/1kg, trong khi bên kia sông (Đồng Xoài, Bình Phước) giá gần 9.000đồng/1kg. Rồi vựa lúa chính của đồng ruộng phương nam Lâm Đồng bao năm không thể vượt được sông Đồng Nai được, dù đoạn sông này chỉ rộng hơn trăm mét. 
Những năm gần đây Lâm Đồng đã đầu tư khá mạnh mẽ về hạ tầng cơ sở, tạo thuận lợi cho phát triển du lịch phía nam của tỉnh. Đường tỉnh lộ 721 rộng thênh thang, nhựa đường bóng loáng kéo dài hơn 40 cây số từ Madaguoi (Quốc lộ 20) đến “bến” Phước Cát đã lần lượt hoàn thành, sử dụng từ nhiều năm trước. Thật là kỳ thú nếu đi được một tour du lịch liên hoàn khép kín từ TPHCM: Sau vài ngày nghỉ Đà Lạt, rẽ sang đất phương nam Lâm Đồng với khu rừng sinh thái Madaguoi, thăm thánh địa Phù Nam cổ, đến rừng quốc gia Cát Tiên, khu rừng còn lại tê giác java cuối cùng của thế giới. Tham quan xong từ đây sang Bình Phước xuôi Quốc lộ 14 về lại TPHCM thì thật thuận lợi và tuyệt vời ! Nhưng tất cả điều đó sẽ thành hiện thực khi đò giang không còn cách trở và chiếc cầu “nối hai bờ vui” nói trên không còn “chìm đắm” trong giấc mơ dài…
Bao giờ cho đến?!…
Một cán bộ lãnh đạo vùng đất Phước Cát nói rằng, nhiều năm qua việc quản lý, thu phí ba bến đò Phước Cát trong trạng thái…bất đắc dĩ. Một cây cầu bắc qua đoạn sông này đã khởi công từ năm 1999-lẽ ra hoàn thành từ lâu, nếu như không bị thay đổi thiết nhiều lần. Tính ra năm năm qua cây cầu thi công “chạy” theo thiết kế đến…4 lần; lần nào vẫn cứ “sai sách”. Khởi đầu bằng cách đổ trụ móng liền gặp ngay sự sai bởi nền đất “mềm ộp”, kỷ thuật không đảm bảo. Chuyển sang khoan cọc nhồi bê tông lại “ngộ” ra rằng, kích thước trụ cầu “lùn” quá so với mực nước dâng của con sông khi mùa mưa đến. Rồi trong lúc tính toán nâng độ cao mố cầu lên, bỗng nảy thêm “phát kiến”, thông qua phương án thiết kế phần dây văng cầu treo ngoại nhập.  Phương án hiện đang chờ cơ quan thẩm quyền có “gật đầu” hay không.
Được biết, vốn cho công trình cầu Phước Cát gồm 3 nguồn chính: vốn ngân sách của hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước được dùng làm trụ cầu và vốn của Bộ Giao thông Vận tải làm hệ thống dây văng cáp treo. Tổng kinh phí để xây dựng cầu Phước Cát từ 5 tỷ đồng dự toán ban đầu nay đã “nhảy” lên 15 tỷ đồng. Chưa kể cứ mỗi lần thay đổi thiết kế là mất nhiều tháng liền phải tạm ngưng thi công, lãng phí vật tư, đồng thời tốn khá nhiều khoản tiền để trả công người canh giữ hàng tấn sắt thép, máy móc, cơ giới “đổ” vào đây…
Đây là một cây cầu chiến lược phát triển kinh tế trong khu vực tây nguyên-nam bộ, nối quốc lộ 20 Đà Lạt – TP HCM với quốc lộ 14 Đắc Lắc – TP HCM, nhưng cứ đà thiết kế “sai sách” vừa nêu, đã qua năm năm xây dựng chưa xong. Bến đò cũ xưa, mỏng mảnh những con xuồng vẫn oằn mình hoạt động qua lại. Mới năm ngoái đây bị đắm chìm một con xuồng. May là gần bờ nên không thiệt hại về nhân mạng. Bến đò này còn tồn tại ngày này không chỉ trắc trở về lưu thông, mà đó là mối hiểm nguy về an toàn đường thủy với người dân quanh vùng. Trong khi mơ ước bao giờ đến ngày khánh thành cây cầu mới liên tỉnh Lâm Đồng-Bình Phước hiện vẫn đang…treo lơ lửng, và chưa biết còn ngăn sông cách núi đến bao giờ?!./.
Cát Tiên tháng 7/2004