Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Bên bến Hiền Lương

VĂN VIỆT
Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải trong sâu thẳm người Việt Nam hằn in nỗi đớn đau cắt chia từng khúc ruột đằng đẵng hai thập kỷ đêm trường. Lửa không thôi cháy, máu không thôi đổ mới nối liền mạch chảy đi qua hai bờ Bắc-Nam chưa đầy trăm mét. Ba mươi năm chứng tích còn đây, cả một vùng “đất chết” năm xưa, nay xanh mát ruộng đồng, tốt tươi hoa trái. Đây Gio Linh, đây Vĩnh Linh, một dải non sông gấm vóc đỏ tươi đã lành lại những vết thương, bừng sáng dậy từng ngày.

Đồng nghiệp của tôi là người chính gốc Gio Linh, bờ Nam sông Bến Hải. Hơn ba mươi năm trước, gia đình anh đã thoát khỏi “hàng rào chiến lược” của đối phương, đưa anh lên định cư nơi vùng đất mới Lâm Đồng. Xa quê từ thời niên thiếu đến nay nhưng chất giọng Quảng Trị vẫn đậm đặc, trí nhớ xưa còn nguyên. Ngôi làng sinh ra anh có tên Xuân Long, xã Trung Hải thuộc huyện bờ Nam Gio Linh thuở trước nằm về phía cuối con sông Bến Hải đổ ra biển cửa Tùng. Giờ đây, bên cây cầu Hiền Lương lịch sử, bên sóng nước miên man giữa ngày xuân này, anh khoác vai tôi cùng dõi mắt về nơi ấy. Dưới rặng tre sương khói mờ xa, thấp thoáng những bóng đò xuôi ngược lại qua, ký ức của người đồng nghiệp lại dâng đầy. Sinh ra trên đất tuyến, tuổi thơ của anh cùng bao lớp đồng trang lứa ở làng phải ngấm trải cảnh cha Bắc, mẹ Nam; anh em cách trở. Một đường biên chia giới tuyến quân sự tạm thời ấy, lại phải đắm chìm trong khói lửa chiến tranh tàn khốc suốt hai mươi mốt năm trời. Biết bao thảm cảnh đau lòng thuở ấy kể sao cho xiết. 
Một đoạn sông đứng bên này nghe rõ tiếng gọi bên kia mà khó lòng giáp mặt được. Người ta kể rằng, một em bé được cứu sống đưa sang bờ Bắc, khóc ngất ngày dài đêm thâu vì thương nhớ mẹ ở bờ Nam. Chiều lại chiều, người dân lại đổ ra hai bên bờ ngăn cách, chỉ biết dùng ám hiệu để thăm viếng, thông tin với nhau. Rồi Mỹ và quân đội Sài Gòn bố ráp, dồn dân bờ Nam vào ấp chiến lược; lại vượt lớp lớp kẽm gai, dưới làn đạn để tìm cách gặp nhau ở đoạn cuối sông dưới biển cửa Việt. Đối phương trấn áp, thị uy bao nhiêu càng thổi lên ngọn lửa đấu tranh của người dân đất tuyến bấy nhiêu. Rất nhiều tấm gương gan dạ, hy sinh đấu tranh cho khát vọng độc lập, thống nhất đất nước; đối phương không thể nào khuất phục được. 
Làng Xuân Hòa sát cạnh làng Xuân Long, huyện Gio Linh của đồng nghiệp tôi có ông Trần Hy là một trong hàng ngàn chứng nhân lịch sử ở bờ Nam mà tôi được gặp. Đã là một bô lão, một sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam về hưu, nay tuổi chấp chới tám mươi, nhưng đầu óc còn minh mẫn lắm. Ông đang sống những năm cuối đời an vui tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, nơi bờ Bắc năm xưa đau đáu trông về bờ Nam ruột thịt. Hỏi chuyện quá khứ, giọng ông bồi hồi, trầm lắng: Sau ngày ký kết Hiệp định Genève, ông Hy từ bờ Nam tập kết sang bờ Bắc làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ an ninh vùng giới tuyến. Lúc ấy, vợ con ông còn ở lại ở bờ Nam hoạt động trong phong trào phụ nữ, hơn năm sau mới đưa sang được bờ Bắc. Trong những câu chuyện cảm động, bi tráng, ông Hy nhớ mãi bóng dáng người mẹ miệt mài chèo đò trên sông Bến Hải như một biểu tượng của ý chí thống nhất hai miền không gì lay chuyển nổi. Đó là mẹ Duyến ở bờ Nam cách làng của ông không xa. Thời chống Pháp, nơi bờ Nam là chiến khu của ta; còn bên kia bờ Bắc là đồn lính đối phương nhung nhúc ken dày. Bất kể gió mưa, súng cày đạn xới, mẹ Duyến thản nhiên giữ chắc tay chèo đưa cán bộ, quân ta qua sông làm công tác địch vận hoặc bất ngờ tiêu diệt đồn giặc. Thời điểm chiến sự ác liệt khắp bờ Nam Gio Linh, mẹ kiên quyết bám lấy con đò, mái chèo giữa cuồn cuộn sóng nước chuyển quân đến trận địa an toàn. Hiệp định Genève ký kết chưa ráo mực, Mỹ-Diệm tìm mọi cách phá hoại. Rồi dần dần trắng trợn ý đồ chia cắt Bắc-Nam lâu dài. Kế hoạch trường kỳ phía ta liền vạch ra: xây dựng phong trào cách mạng lớn mạnh, đủ sức đánh đối phương ngay trong lòng đối phương. Con đò lại gắn bó nhẫn nại bên mẹ Duyến cùng cán bộ ta bí mật nắm bắt liên lạc, đưa tin tức kịp thời từ bờ Nam sang bờ Bắc. Biệt kích, thám báo  với những con mắt soi tìm đến đâu, tay chèo của mẹ Duyến vẫn sắt son, bền chí vượt qua. Mẹ Duyến lặng thầm với sông nước, với quê hương cho đến năm 1967, lúc ấy  Mỹ chuyển sang chiến tranh phá hoại, rải bom xuống cày xới khắp bờ bắc Vĩnh Linh…
Năm 1972, Quảng Trị giải phóng, mẹ Duyến từ nơi sơ tán ở miền Bắc trở về lại bến bờ Nam-quê mẹ-khi tuổi đã gần đất xa trời. Vài năm sau, mẹ Duyến đi về “cõi thần tiên”. Bên cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, hình ảnh của mẹ vẫn còn đây, tiếp thêm nghị lực cho muôn đời con cháu mai sau.
Noi gương mẹ Duyến, những năm từ 1968-1972 trên những con đò của nhân dân đôi bờ, người ta tính có đến 1,5 triệu lượt bộ đội; hàng ngàn tấn bom đạn, vũ khí, lương thực qua sông từ bờ Bắc qua bờ Nam, chi viện cho tiền tuyến. Riêng ở bến Tùng Luật gần cửa biển chỉ một đêm ta đã huy động 145 chiếc đò đưa 21 ngàn bộ đội vượt tuyến sang bờ Nam vào chiến dịch Mậu Thân.Trước đó khi hàng rào điện tử Mc Namara của Mỹ phong tỏa khắp vùng giới tuyến bờ Nam thì du kích quân tại chỗ của ta cũng đã bắt đấu lớn mạnh. Phía Mỹ-Quân đội Sài Gòn là vũ khí hiện đại với những bãi mìn sát thương, máy phát hiện tự động các mục tiêu đánh phá. Nhưng phía ta có tinh thần quyết tâm vì mục tiêu Bắc-Nam một nhà, trở thành sức mạnh to lớn, dẫu phải chịu hy sinh, mất mát. Người Gio Linh-Vĩnh Linh không thể quên được trận đánh của du kích bờ Nam phối hợp với bộ đội bờ Bắc đột kích sâu vào “thành lũy biên thùy ” của địch từ ngày 27-7-1966 đến ngày 20-3-1967, tiêu diệt 1,370 lính Mỹ, phá huỷ hàng loạt kho vũ khí, đạn dược, trọng pháo, máy bay lên thẳng… mà Mỹ-Thiệu luôn tự đắc là “bất khả xâm phạm”
…Câu chuyện giữa tôi với ký ức của đồng nghiệp cùng một cựu binh già bên Bến Hải, Hiền Lương bỗng chốc sao thời gian đã hết. Hoàng hôn tím sẫm phía chân trời, báo hiệu một ngày cũ sắp đi qua, ngày mới lại bắt đầu. Qua khỏi thị trấn Hồ Xá đẹp tươi, đường Quốc lộ 1A, đường huyết mạch của đất nước chạy giữa cánh đồng Vĩnh Linh nối liền Gio Linh trải rộng ngút tầm mắt. Năm 1999, cầu Hiền Lương mới đã xây dựng to đẹp hơn nhưng vẫn giữ lại cây cầu Hiền Lương cũ bằng bê tông, cốt thép lạnh lùng thuở trước, bởi đó là chứng tích, là tội ác mà  Mỹ rắp tâm chia cắt Bắc-Nam, thực hiện một cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu kéo dài hơn hai thập kỷ. Đến bên bến Hiền Lương hôm nay, dù chỉ được nghe một chuyện kể thôi cũng nhận ra cả những kỳ tích thần thánh của một dân tộc chống giặc ngoại xâm với chính nghĩa sáng ngời: “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”!./.
Tháng 4/2004