Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Bảo Lâm vùng mỏ

VĂN VIỆT

Chọn nông nghiệp làm xuất phát điểm, mười năm tuổi Bảo Lâm đã ổn định định canh định cư, hình thành cơ sở hạ tầng. Năm năm, mười năm tới, hướng đi lên công nghiệp hóa hiện đại hóa bằng cách giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chung. Tiềm năng vùng đất mỏ, vùng nguyên liệu chè lớn nhất cả nước sẽ được tập trung vốn liếng, tâm sức đầu tư, khai thác làm giàu.

Vùng chè công nghệ cao

Các nhà khoa học đã kết luận, vùng đất Bảo Lâm có các chỉ số khá “lý tưởng” về không khí, nhiệt độ, lượng mưa, thổ nhưỡng, độ ẩm…để phát triển vùng nguyên liệu chè công nghệ cao. Mười năm qua các giai đoạn đầu tư, quy hoạch, cây chè phải chuyển đổi, thay thế phù hợp với trình độ canh tác và nhu cầu thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Dẫu có thăng trầm, song theo thời gian diện tích chè đã không ngừng mở rộng từ vài ngàn ha đến “dăm” ngàn ha và đến nay con số đầy đủ là 12.424 ha.  Quan trọng hơn tổng sản lượng hiện giờ đã đạt 65-70 tấn/năm, tăng 60% so với năm 1994.
Năm năm trước khi tiếp xúc với ông Phạm Quang Tường, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm bấy giờ ( nay là Bí thư huyện), được biết cây chè luôn được xác định là cây “sống đời” với người nông dân. Nhưng muốn nâng vị thế của nó tương xứng với tiềm năng, phải khắc phục từng bước những sự thiếu: Vốn đầu tư, kỷ thuật canh tác, thủy lợi và thị trường tiêu thụ. Hàng năm theo phương châm đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đầu tư chiều sâu qua các chương trình khuyến nông, các dự án định canh, định cư, dự án điểm; các nguồn vốn quốc gia xóa đói giảm nghèo, nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài….với hàng tỷ đồng lần lượt giải ngân xây dựng mới, lần lượt “bổ khuyết” những thiếu hụt này. Đặc biệt là đưa giống mới chè cành vào thay thế những giống chè cũ hoặc những diện tích cà phê già cỗi, kém năng suất. Những “công dân” chè cành giống mới như TB14, PH1, Shan..lai tạo từ trong nước hoặc những giống chè nhập nội như Ô-long, Yabukita…có chỗ đứng ổn định trên vùng đất mới. Tính chung mười năm qua đã có 2.000ha chè giống mới đã chứng tỏ hiệu quả của nó khi định cư về Bảo Lâm.   
Sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ là một vấn đề cốt lõi để hình thành các khu công nghiệp địa phương. Những nhà máy, xí nghiệp của nhiều thành phần kinh tế đầu tư, đi vào hoạt động khá hiệu quả không chỉ có hai vùng trung tâm là Lộc An và Lộc Thắng; mà xây dựng ngay các vùng nguyên liệu vốn là vùng sâu, xa như Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Tân, Lộc Thành, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu chè quanh năm của nông dân. Chính những lợi thế này,  Bảo Lâm đã thông qua quy hoạch 2.200ha chè sản xuất theo công nghệ cao. Đây là một 5 chương trình trọng tâm của Bảo Lâm trong 5 năm tới. Sản phẩm chè sẽ tiếp tục có nhiều triển vọng với thị trường nội tiêu và xuất khẩu…

Vùng mỏ bauxit dồi dào

Ông Lương Vân Minh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm nói rằng, ông rất kỳ vọng vào sự phát triển của công nghiệp huyện nhà, từ đó quyết tâm xóa hoàn toàn tỉ lệ hộ đói, giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo trong vài năm tới. Với tổ hợp bauxit-nhôm dự kiến qua năm 2005 dự án sẽ chính thức triển khai là một tín hiệu vui đối với ngành công nghiệp khai thác bauxit, luyện nhôm của Bảo Lâm-Lâm Đồng nói riêng, của cả nước nói chung.   
Tổ hợp bauxit-nhôm phân bổ trên khu vực Tân Rai ( địa bàn Lộc Thắng, Lộc Ngãi, Lộc Phú…) do Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 667 triệu USD. Qua khảo sát, dự án đã chọn khu vực thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm) có mặt bằng rộng khoảng 118,5ha để xây dựng nhà máy alumin (ô-xít nhôm) và nhà máy điện phân nhôm. Khu vực mỏ kéo dài từ địa bàn thị trấn Lộc Thắng đến 2 xã Lộc Ngãi và Lộc Phú với phạm vi khoảng 180 ki-lô-mét-vuông. Nhưng trước mắt chỉ đưa vào khai thác và tuyển quặng trên diện tích 42 ki-lô-mét-vuông, đã mất thời gian đến từ 50 năm-60 năm mới hết trữ lượng. Với quy mô đầu tư sản xuất này, trong đó có nhập về những giàn thiết bị công nghệ luyện nhôm hiện đại của Pháp, giai đoạn từ năm 2005-2013, công suất trung bình mỗi năm sẽ đạt 72.300tấn điện phân nhôm, 300.000 tấn alumin  và khai thác mỏ sẽ đạt 1.980.000tấn. Giai đoạn từ năm 2013 trở đi được gọi là giai đoạn mở rộng, công suất sẽ nâng lên mỗi năm 146.100 tấn điện phân nhôm, 600.000tấn alumin và khai thác mỏ đạt 3.960.000 tấn.
Được biết, phần đất phía tây mỏ Tân Rai (địa bàn xã Lộc Ngãi) được Công ty tư vấn thiết kế trung ương hợp đồng với ngành địa chính và các ngành chức năng khác của Lâm Đồng, đã hoàn tất việc đo đạc, tính toán đền bù, giải tỏa, giá trị thực hiện ước khoảng vài chục tỷ đồng để xây dựng khu vực hồ lắng, tuyển quặng khi khai thác. Qua tính toán của các chuyên gia, trong giai đoạn đầu Tổ hợp bauxit-nhôm đi vào hoạt động, sẽ đóng góp cho nhà nước khoảng 328 triệu USD thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tài nguyên, đồng thời sẽ thu hút việc làm trực tiếp trong tổ hợp cho 1.557 lao động. Dự án còn là điều kiện cho sự ra đời, phát triển các ngành nghề có liên quan như hóa chất, chế tạo máy, thiết bị điện, xây dựng, giao thông vận tải, thương mại-dịch vụ, sản xuất hàng tiêu dùng…tạo thu nhập ổn định cho khoảng 15 ngàn lao động khác. Trong tương lai gần,, thị trấn vùng sâu Lộc Thắng (Bảo Lâm) sẽ là một thị trấn công nghiệp hiện đại, văn minh; người dân được thụ hưởng những giá trị vật chất và tinh thần mang lại như cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng, những nhu cầu văn hóa, giáo dục khác…
Nhìn rộng ra phạm vi cả nước, dự án này khởi động đã mở ra triển vọng mới đối với ngành công nghiệp nhôm Việt Nam. Không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước; mà còn cung ứng ra các nước khu vực và thế giới đang có nhu cầu nhập khẩu nhôm rất lớn (ứớc tính Tổ hợp hoạt động trong giai đoạn đầu thu ngoại tệ từ xuất khẩu alumin hơn 1.182 triệu USD, tiết kiệm ngoại tệ do phải nhập khẩu nhôm khoảng 4.709 triệu USD…) Và với trữ lượng bauxit dồi dào ở đây, Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng quy mô sản xuất lâu dài các sản phẩm alumin và nhôm, tạo cơ sở vật chất và xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, kỷ thuật  tiếp cận nhanh trình độ khoa học kỷ thuật, làm chủ công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của ngành công nghiệp khai khoáng trong xu thế phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
   Tiềm năng “vàng” của vùng mỏ, vùng chè Bảo Lâm rất lớn; mở ra một thời kỳ thịnh vượng, văn minh của vùng đất công nghiệp mới khi được đầu tư đúng mức, khai thác hợp lý. Tuổi lên mười, cái tên huyện vùng sâu, vùng xa Bảo Lâm giờ chỉ còn là…ký ức!./.  

Tháng 11/2004