Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Anh thương binh “truyền lửa” cho con

VĂN VIỆT

(Giải Ba Cuộc thi viết đền ơn đáp nghĩa Lâm Đồng năm 2007)
Cuối tháng 8 năm 1978, trong một trận chiến ác liệt ở biên giới Tây Nam, bom đạn đã cướp đi vĩnh viễn đôi mắt của anh; cắt lìa một phần da thịt ở vùng cổ của anh; làm tỉ tệ thương ở anh đến 91%. Thời hòa bình, anh quyết chí chiến thắng tật nguyền, xây dựng được một gia đình hạnh phúc, hai người con đầu đã và đang học đại học. Vâng, anh là Nguyễn Sỹ Toàn ( sinh năm 1957), thương binh ¼, hiện cư ngụ tại đường Tô Hiến Thành, phường 3, Đà Lạt.

Nhớ thời “gác bút nghiên”

Một ngày trung tuần tháng 6 năm 2007, tôi gặp anh thương binh Nguyễn Khắc Toàn đang lần dò tự học máy vi tính nâng cao giành cho người mù trong hội trường khu phố 3, phường 3, Đà Lạt. Anh Toàn bảo, đã 32 năm rồi mới quay về ngồi vào bàn học, lại bồi hồi cái thời học sinh phổ thông đầy nhiệt huyết. Ấy là tháng 2/1975, giữa lúc khí thế cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam bừng dậy hừng hực trong cả nước, học sinh Nguyễn Sỹ Toàn đã hăng hái “gác bút nghiên” lên đường ra trận. Để lại phía sau một quãng đời thơ trẻ của miền quê xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, anh được biên chế huấn luyện ở một đơn vị bộ binh. Hoàn thành ba tháng quân trường thì chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, anh Toàn được điều lên canh giữ ở biên giới Việt - Lào. Nơi đây cũng là địa bàn của tỉnh Nghệ An, thuộc huyện Quế Phong - nhưng đường về phép thăm quê anh, huyện Thanh Chương- phải đi bộ hơn bốn ngày ròng rã băng qua hàng chục dãy núi trùng điệp mới tới. Chưa kịp xuất ngũ thì biên giới Tây Nam chiến tranh nổ ra. Anh Toàn lại hòa vào những đoàn quân xông pha tuyến lửa tận cùng Tổ Quốc. Bấy giờ là tháng 6/1978.   
Kể chuyện chiến đấu, anh Toàn cười nói thật “nhẹ”: “Đơn vị tôi hầu như ngày nào cũng đánh trận. Hôm nay đánh sâu vào lãnh thổ Campuchia rồi hôm sau rút ngược lại biên giới về nước. Hôm sau nữa lại vào trận như ngày hôm trước. Và cứ thế đến một ngày tôi bị trúng hỏa lực từ phía bên kia chiến tuyến, phải giã từ trận địa … ” Hôm đó là ngày 27.8.1978, chiến dịch lớn được mở với cấp sư đoàn. Anh Toàn là pháo thủ của khẩu đội pháo 60 ly. Đánh đến ngày thứ 2 thì anh Toàn bị thương. Một chùm mảnh đạn DKJ tỏa ra hình nón, găm vào phần mặt, phần cổ của anh. Anh ngã xuống bất tỉnh. Rất may anh cũng được kịp được đồng đội cõng trên lưng rút về hậu cứ. Sau khoảng 7 tháng điều trị các bệnh viện ở TPHCM, Hà Nội, anh xuất viện và chuyển về các trại điều dưỡng thương binh trong nước với đôi mắt “giữ lại” 3 mảnh đạn, bị mù vĩnh viễn.  

“Truyền lửa” cho con vào đại học

Thương tật nặng, không được trở lại chiến trường, không còn nhìn thấy ánh sáng nữa…khiến những ngày tháng của anh thật khủng hoảng, suy sụp. Có lúc ở bệnh viện anh van nài bác sĩ cho những liều thuốc ngủ cho dễ dỗ giấc (?!). Rồi cuộc sống đời thường phía trước ư ? Sao mà mờ mịt ?. May thay, khi chuyển đến các trại thương binh, sống và sinh hoạt cùng với đồng đội thương binh chia ngọt, xẻ bùi, anh đã tiếp thêm tinh thần, nghị lực để giữ lấy nụ cười đi tiếp hành trình cựu chiến binh của mình trong cuộc đời thường.
Năm 1983, cuộc sống anh Toàn sang trang mới. Anh lấy vợ là một thôn nữ cách nhà anh ở quê một…giậu mồng tơi. Người con gái trong trắng, lành lặn, nhỏ hơn anh hai tuổi, đã nguyện gắn trọn cuộc đời tình thương yêu của mình với anh. Và 3 đứa con thân yêu của vợ chồng anh lần lượt chào đời. Cả gia đình anh chuyển lên Đà Lạt sinh sống vào năm 1997 - khi anh an dưỡng ở Trại thương binh Phú Hội, Lâm Đồng. Chính quyền thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận công lao của anh, cấp diện tích đất gần 80 mét vuông và xây cho anh căn nhà tình nghĩa rộng 32 mét vuông. Cuộc sống thật đẹp, thật tràn đầy ý nghĩa khi sự chung thủy, tảo tần của vợ anh, đã cùng anh nuôi dạy 3 đứa con trưởng thành. Năm ngoái – năm 2006, đứa con trai lớn của anh là Nguyễn Sĩ Đức ( sinh năm 1983) đã tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao TPHCM, được tiếp nhận vào giảng dạy ở Trường Trung học Phổ thông Đống Đa, Đà Lạt. Đứa con gái tiếp theo tên là Nguyễn Hoài Bão ( sinh năm 1985), đang học năm cuối Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Đứa con gái sau cùng tên là Nguyễn Thị Thanh Huyền ( sinh năm 1992), năm nay học lên lớp 10 - là học sinh giỏi 9 năm học liền ở cấp I và cấp II.  
Tiền ở đâu mà anh nuôi con học lên cao vậy ? Anh Toàn nói rằng, điều quan trọng là biết dành dụm chi tiêu và động viên, “tiếp lửa” cho sự học của con mình. Bên cạnh chế độ học bỗng của con thương binh, toàn bộ tiền lương thương binh, các phụ cấp khác ( hiện gần 2 triệu đồng/tháng), anh dành toàn bộ chi phí khác cho con đi học. 
Vợ anh làm hộ lý ở Bệnh viện Lâm Đồng, tranh thủ chăn nuôi có thêm thu nhập đủ để ăn uống cơm mắm hàng ngày ở nhà. Tiếp tục thể hiện chí vượt khó, khuất phục khó khăn để học hành, nêu gương với con, năm ngoái anh được tổ chức lao động thương binh xã hội của Đà Lạt, Lâm Đồng cử đi học 6 tháng lớp chữ nổi, nghề massage, sử dụng vi tính cho người mù ở Nha Trang. Anh Toàn đã xuất sắc hoàn thành khóa học và hiện đang lên “phương án” dạy lại cho người mù Đà Lạt. Chào ra về, tôi chúc anh thật nhiều sức khỏe. Anh Toàn lại cười tươi và hy vọng được gặp lại tôi trong ngày “khai giảng” các lớp học cho người mù ở phường 3, Đà Lạt do anh sáng lập.
Tháng 7/2007