Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Nắng Mai ở Đà Lạt

 Phóng sự VĂN VIỆT

Khó khăn lắm tôi mới lần ra cơ sở “Nắng Mai” dạy nghề, tạo việc cho người khuyết tật ngay thành phố Đà Lạt. Băng qua “Cổng Bảo Đại” bên lề đường Hùng Vương, con hẻm dẫn tôi đến nơi xa hun hút, khấp khểnh bên trên đồi dốc gồ ghề, bên dưới là vực sâu hiểm trở. Nằm ở lưng chừng thung xanh, ngôi nhà gỗ hai mái hiện ra một cơ xưởng đan len gồm 20 công nhân là người khuyết tật. Họ quần tụ vào nhau thành một điểm tựa mưu sinh trong “guồng máy” gia đình.
TẬN DỤNG LAO ĐỘNG KHUYẾT TẬT?
Trước sân cơ xưởng mới vừa “cố định” bằng những tấm bạt phất phơ, “cô chủ trẻ” tiếp chuyện với khách với đầy những “lý lẽ” khác người. “Vào thương trường kinh doanh là phải kiếm lợi nhuận. Có một lực lượng lao động không nhỏ mà người ta hay lãng quên, đó là người khuyết tật, vợ chồng tôi tận dụng họ để hỗ trợ công việc làm ăn của chúng tôi. Ngược lại họ có được nơi chốn kiếm tiền ổn định bằng chính khả năng còn lại của họ!”-“Cô chủ trẻ” mở đầu chủ đề thật “chắc nịch”!
Có thể bất chợt gặp cái nhìn một người thức thời nào đó sẽ cảm thấy cách chọn lựa xây dựng cơ nghiệp của “cô chủ trẻ”  thật lạ đời. Nhưng “sự lạ” ấy lại có thật trên cuộc đời này mới đáng ngẫm nghĩ, suy tư. Tên của “cô chủ trẻ” là Trần Thị Trang, năm nay mới tròn hai mươi chín tuổi. Gốc ở miền quê Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, “vượt núi” lên Đà Lạt học “cử nhân ngoại ngữ” ra trường năm 1997, vào làm việc 1 công ty nước ngoài ở Đà Lạt rồi ba năm…nghỉ hẳn. “Tôi nghỉ việc năm đó với mục đích thật dễ hiểu: cùng với “ông xã” thực hiện cho được ý tưởng mở cơ sở sản xuất để thu hút lao động tật nguyền!”-Trang lại “lý lẽ”.
“Ông xã” của Trang tên là Nguyễn Như Đại, hơn Trang 5 tuổi,  cũng gốc người Phú Yên, cũng tốt nghiệp “cử nhân ngoại ngữ” Đà Lạt nhưng ra trường trước Trang 4 năm và vẫn “dính chân” sản xuất đan len từ công ty Apex đến công ty Tricos, là những doanh nghiệp có vốn đầu tư trong và ngoài nước tại Đà Lạt. Hạnh phúc của họ thật đẹp ngay từ lúc mới thành chồng-vợ vào năm 1999. Thân sinh ra Đại là thầy thuốc đông y, thường hay giúp người nghèo, người tàn tật chữa bệnh không lấy tiền. Ảnh hưởng tính cách ấy, Đại thường giải bày với Trang trước những bức xúc về việc làm đối với người khuyết tật. Trang rất ủng hộ ý tưởng của chồng nhưng có lẽ vốn bản tính lắm “lý lẽ” nên lại đặt ra ngay vấn đề: mặt bằng, máy móc, nhân sự dạy nghề…chưa có gì hết sao thành lập cơ xưởng được. Thật là “gay go”. Đại được tiếng đang là giám đốc công ty Tricos, song hai vợ chồng đang ở nhà tập thể của nhà nước ở khu 13, đường Trần Hưng Đạo. “Hay là mình ráng tích góp, xoay xở thêm một thời gian nữa, sau đó kiếm mua một mặt bằng “làm ăn ” trước rồi nhà cửa riêng ở Đà Lạt hãy tính sau?”-Trang đưa ra giải pháp như biết trước thuận ý với chồng.
Nhưng mãi đến năm 2002, vợ chồng Trang mới đủ sức mua được 2000 mét vuông đất với độ dốc cao giữa sườn đồi thuộc đường hẻm xa khuất mang số 608, Hùng Vương, Đà Lạt. Dựng lên một cơ xưởng gỗ, nền dưới 80 mét vuông vừa đủ đặt 16 “cỗ máy” linh kinh; 80 mét vuông gác lửng phía trên cùng vài chục mét vuông sau nhà  dùng nơi ở, sinh hoạt của đội ngũ công nhân “đặc biệt”. Ngày 16/11/2002, cơ xưởng này mới bắt đầu vận hành, bắt đầu “chuyên  biệt” dạy nghề cho người khuyết tật…
VÀO NGHỀ “KHÔNG LÀNH LẶN”
Thế là Trang trở thành “cô chủ trẻ” với tên cơ sở do vợ chồng Trang đi xin 2 chữa từ người thầy dạy tiếng Hoa là “Nắng Mai”. Đó là cơ sở gia công cho công ty Tricos, được Tricos đầu tư máy móc, hướng dẫn kỷ thuật, cung ứng nguồn hàng, bao tiêu sản phẩm không giới hạn; “Nắng Mai” đầu tư vốn xây dựng mặt bằng, nhà xưởng, tuyển mộ công nhân. Anh Nguyễn Bá Tánh, 50 tuổi, người thợ khuyết tật lành nghề đan len xuất khẩu trên 15 năm tâm sự: hồi lên ba, anh bị sốt bại liệt hai chân chỉ phải di chuyển bằng đôi nạng gỗ cho đến bây giờ. Vào đời để không phải nặng gánh cho gia đình, cho xã hội, anh đã bươn bả rất nhiều nghề có thể làm được để nuôi sống bản thân mình. Cuối cùng chọn nghề đan len xuất khẩu là phù hợp với anh nhất. Anh đúc kết: “hai tay còn cử động được, đôi mắt nguyên vẹn và thần kinh ổn định là người khuyết tật có thể sống ổn định bằng nghề đan len!” Anh Tánh được vợ chồng Trang tin cẩn giao nhiệm vụ “quản đốc” toàn bộ cơ sở này.
Khi cơ sở vừa thông báo dạy nghề người khuyết tật, danh sách đăng ký quá nhiều nhưng “năng lực” của cơ sở có hạn nên chỉ tiếp nhận ban đầu 32 người. Tricos “ủng hộ” 2 cô giáo hàng ngày tận tâm dạy nghề cho họ. Vừa học, vừa làm sau 3 tháng cơ bản họ đều đáp ứng yêu cầu công việc, song do nhà xưởng đi vào sản xuất còn quá chật hẹp, đành trước mắt chỉ nhận chính thức 20 người, số còn lại phải chờ đợt tới. Mỗi người có một hoàn cảnh bất hạnh riêng.  Đa số là bại liệt hai chân, số khác bị khiếm khuyết 1 tay, bị gù lưng, bị hoạn nạn bất ngờ mất hẳn khả năng đôi chân…Chị Ngô Hoàng Anh, 46 tuổi, người thợ lớn tuổi nhất của cơ sở không giấu nổi niềm vui: “Lần đầu tiên ở Đà Lạt có cơ sở “may linh kinh” áo len riêng cho người tàn tật, tôi mừng lắm. Vào đây không những có việc làm phù hợp với mình mà còn được sống, sinh hoạt, ngày đêm chia sẻ với những con người cùng cảnh ngộ, càng thấy cuộc sống ý nghĩa hơn…”
Đáng thương nhất ở đây là công nhân Nguyễn Văn Tịnh, 29 tuổi. Sinh ra, lớn lên, Tịnh phát triển như những người bình thường khác. Nhà nghèo, Tịnh phải đi làm thuê, cuốc mướn quần quật ngày đêm từ năm lên 16 tuổi. Đến năm 21 tuổi đột nhiên tai bay, vạ gió ập đến Tịnh: hai khớp chân bị dính với cột sống di chuyển rất khó khăn. Gia đình đã vét hết những đồng tiền ít ỏi cuối cùng trong nhà nhưng bệnh tình của Tịnh chỉ chuyển biến rất chậm, muốn khỏi hẳn phải có vài chục triệu đồng về Sài Gòn mổ, trong khi gia đình đã không còn khả năng nữa. Nhưng Tịnh chỉ giám ước mơ là làm sao kiếm được mỗi ngày đủ tiền để mua thuốc giảm đau, chống chọi những cơn hành hạ nhức nhối là mãn nguyện lắm rồi. Thật là may mắn, có “Nắng Mai” đã giúp cho Tịnh trong lúc quẫn bách, tưởng chừng như cuộc sống không còn chút gì hy vọng nữa!…
RỘNG MỞ TÌNH ĐỒNG LOẠI
Công nhân của “Nắng Mai” làm việc tuân thủ theo chế độ ngày 8 tiếng, hưởng lương theo sản phẩm. Cơ sở có bộ phận lo ăn uống cho công nhân ngày ba bữa tại chỗ. Hiện tại được ăn miễn phí buổi trưa, còn ăn sáng và ăn tối phải trừ vào lương hàng tháng. Riêng ngủ, nghỉ, sinh hoạt 24/24 của công nhân thì cơ sở đã bố trí đầy đủ, “bao cấp”  ngay từ đầu. Cơ sở vừa ra đời, công nhân đang ở giai đoạn làm quen công việc nên thu nhập tháng đầu mới đạt mỗi người từ 200 ngàn đồng đến 270 đồng mỗi tháng, sẽ cố gắng tăng lên trung bình phải đạt 600 ngàn đồng trong thời gian tới.
“Cô chủ trẻ” Trang làm phép tính: khả năng lao động của người khuyết tật chỉ bằng từ 50% đến 60% “người lành lặn”. Vậy để đạt hiệu quả lâu bền từ hai phía, chỉ có cách phải mở rộng quy mô sản xuất, tuyển lao động nhiều hơn nữa. Trang đang xây dựng sắp sửa hoàn thành thêm 1 nhà xưởng 80 mét vuông, tăng số máy gia công lên 60 máy, chuẩn bị tiếp nhận thêm 40 công nhân nữa trong tháng tới. 
Hội chợ lao động việc làm của tỉnh Lâm Đồng đang hoàn tất khâu tổ chức, khai trương vào dịp lễ 30 tháng 4. Không bỏ lỡ cơ hội, “cô chủ trẻ” đăng ký ngay 1 gian hàng giới thiệu việc làm cho người khuyết tật, “tuyên bố” tiếp nhận đối tượng lao động “đặc biệt” này cho cơ sở trong năm 2003 là 100 người. “Cô chủ trẻ” lại “lý lẽ”: “Phải giúp người tật nguyền được lao động để sống. Chứ cứ dùng đồng tiền từ thiện bao cấp họ mãi thì không thể gọi là giúp họ hòa nhập với cộng đồng được!”
Tôi thực sự cảm kích với chí hướng vào đời xây dựng cơ nghiệp đầy “nguyên tắc” của vợ chồng “cô chủ trẻ” Trang-Đại ấy. Bởi bên trong “lý lẽ” tưởng chừng như “cứng nhắc” thế đó, đã chứa đựng một tình thương yêu đồng loại rộng mở, mang đến người khuyết tật một trang đời mới sớm sủa trong ánh “Nắng Mai”!./.
Tháng 4.2003