Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Tìm “đầu ra” cho ớt cay Đơn Dương

VĂN VIỆT
Hơn 3 năm qua, anh Võ Văn Tiến ở thôn Nghĩa Hiệp 2, xã Ka Đô, Đơn Dương đã vượt qua những thăng trầm trong kinh doanh để mở rộng nơi ở của mình thành cơ sở thu mua, chế biến, góp phần ổn định “đầu ra” cho sản phẩm ớt cay của nông dân quanh vùng.  

Mấy chục năm làm từ nghề sửa xe ô tô ( chủ yếu ô tô tải chở rau) đến nghề thiết kế, lắp đặt khung sắt nhà kính, thường xuyên chứng kiến tình trạng được giá, mất mùa và được mùa, mất giá của nông dân, nên đã dần hình thành trong Tiến về việc “chuyển nghề” đi tìm kiếm thị trường “đầu ra” cho vùng rau ở Đơn Dương và các vùng lân cận. Nhưng mãi đến đầu năm 2010,  khi tuổi chạm gần ngưỡng bốn mươi, Tiến (tên đầy đủ là Võ Văn Tiến ) mới xoay xở đủ nguồn vốn để chuyển từ “nghệ nhân” làm vật liệu sắt xây dựng sang “thương nhân” buôn bán rau sú, cà chua hàng tuần mỗi chuyến khoảng 3,5 tấn. Làm ăn trôi xuôi vài chuyến lãi đầu tiên thì hàng chục chuyến sau đó, giá liên tục mua cao, bán thấp, Tiến lỗ hết nguồn vốn đầu tư hơn nửa tỷ đồng.
Cuối năm 2010, trong lúc Tiến loay hoay tìm đường buôn rau mới để mong bù đắp lại khoản lỗ khá nặng vừa qua thì điện thoại từ Sài Gòn lên đặt vấn đề bao tiêu ớt cay trồng khoảng 2.000m2 tại Đơn Dương. Đây là một đối tác tìm đến Tiến qua một bạn hàng thu mua rau quen biết tại Sài Gòn. Một thỏa thuận nhanh sau đó cũng đã “đạt” với vốn góp của Tiến 20 triệu đồng; vốn góp của đối tác 60 triệu đồng; Tiến trực tiếp chọn diện tích 2.000m2 ớt cay để mua sỉ và trực tiếp thuê lao động thu hái trong vòng 15 ngày. Và rồi… thêm một lần thu lỗ nữa. Giá thu mua ớt cay ngày hôm trước ở mức 15.000 - 20.000đồng/kg thì ngày hôm sau giá bán cứ giảm xuống từ 10.000- 15.000đồng/kg.
Những tháng đầu năm 2011, giá ớt cay ở Đơn Dương gần như “bắt đáy” với giá 2.000 đồng/kg, Tiến nhận thêm một điện thoại lạ từ Sài Gòn đặt hàng mua ớt cay, nhưng lần này là mua để xuất khẩu sang các nước Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan…Để làm tin, đối tác này gửi trước 15 triệu đồng cộng với số tiền 5 triệu đồng huy động cuối cùng của Tiến để hy vọng “lấy lãi ớt cay bù lỗ ớt cay”. Tiến kể lại : “ Hai vợ chồng chúng tôi với một chiếc xe máy đã cũ, hàng ngày chạy mấy chục cây số trên cánh đồng Đơn Dương để thu mua được hai, ba trăm ký ớt gửi xe tải chở thuê xuống cung ứng cho đối tác Sài Gòn. Rất may “vận đỏ” đã đến lần này với vợ chồng chúng tôi để ổn định nghề kinh doanh ớt cay cho đến bây giờ… ”
Theo thỏa thuận đặt hàng và tiền vốn ứng trước, hàng ngày Tiến thu mua ớt với số lượng từ 300 - 400kg rồi tăng dần lên 1,5- 2 tấn rồi đến 4 tấn, được hưởng lãi mỗi ký vài trăm đồng; không chỉ thu mua ở Đơn Dương mà đã mở rộng ra các vùng nông nghiệp Đức Trọng, Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng. “Đầu ra” phát triển nhanh từ “thương nhân” Tiến, đã góp phần tăng cao giá ớt thu mua của nông dân từ 2.000 đồng/kg lên 5.000- 10.00 đồng/kg và “lập đỉnh” đến 33.000 đồng/kg trong năm 2011. Lúc này, Tiến đã trích phần lợi nhuận hơn nửa tỷ đồng để thu lại khoản lỗ từ những ngày đầu làm “thương nhân” buôn chuyến rau sú, cà chua như đã nêu trên. Đồng thời Tiến sắm mới nhiều xe tải làm phương tiện thu mua, vận chuyển ớt trực tiếp từ đồng sản xuất về Sài Gòn để đưa đi xuất khẩu. Đến đầu năm 2012, bằng nguồn vốn tự tích lũy và nguồn vốn ứng trước từ phía đối tác, Tiến đã xây dựng hoàn thành khu vực sơ chế ớt cây trên diện tích 1.350m2 trong khuôn viên nơi ở của mình tại thôn Nghĩa Hiệp 2, xã Ka Đô, Đơn Dương với tổng nguồn vốn đầu tư nhiều tỷ đồng.

Một ngày cuối tháng 7/2013, gặp “thương nhân” Võ Văn Tiến vẫn với tác phong chịu thương, chịu khó hòa mình với hơn chục lao động đang phân loại ớt sơ chế tại cơ sở của minh. Tiến cho biết với 4 sản phẩm sơ chế tại cơ sở ở đây gồm ớt ướp muối, ớt ngâm giấm, ớt tươi loại 1 và ớt tươi loại 2, mỗi ngày thu mua ớt nguyên liệu từ nông dân ít nhất từ 3- 5 tấn; đặc biệt có ngày thu mua nhiều nhất lên đến từ 20- 30 tấn. Từ đầu năm 2013 đến nay, Tiến thu mua ớt của nông dân các vùng Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà với giá từ 35.000 – 38.000đồng/kg. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2013, Tiến sẽ ký hợp đồng với từng hộ nông dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm ớt cay với giá tối thiểu ( giá đủ trả công sản xuất) và giá tối đa (giá cao nhất của thị trường) theo từng thời điểm thu hoạch./.     Tháng 8/2013