VĂN
VIỆT
Cầm
“sổ nhà” mang tên công trình biệt thự du lịch Hằng Nga (số 3, đường Huỳnh Thúc
Kháng, Đà Lạt) vừa được cấp, chủ nhân Đặng Việt Nga nói rằng rất hạnh phúc bởi
từ đây “đứa con kiến trúc” của bà đã chính thức “định danh pháp lý” sau mười
tám năm chờ đợi.
* KIẾN TRÚC THAY LỜI
Bà Đặng Việt Nga
( sinh năm 1940 tại tỉnh Nam Định ) là tiến sĩ – kiến trúc sư tốt nghiệp ở Liên
Xô ( cũ). Đầu những năm “tám mươi” khi nhận công tác ở thành phố Đà Lạt, bà Nga
quá ngỡ ngàng bởi xứ sở thiên đường du lịch này. Bước sang đến đầu những năm
“chín mươi”, bà Nga mới được mua hóa giá
một căn nhà hơn trăm mét vuông (tọa lạc trên khuôn viên khoảng một ngàn mét
vuông tại số 3, đường Huỳnh Thúc Kháng, Đà Lạt). Có không gian, mặt bằng đất an
cư, bà Nga nghĩ đến trước nhất là “tác tạo” một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật
mang hình rừng núi Đà Lạt. Đến giờ bà Nga vẫn rạo rực cảm xúc khi vừa đặt chân
lên Đà Lạt : “Phong cảnh tuyệt đẹp, khí hậu trong lành. Con người hiền hòa và
sự yên tĩnh của Đà Lạt đã đưa đến quyết định của tôi: Ở lại ở đây cho đến cuối
đời…”
Để thể hiện tình
yêu với thiên nhiên Đà Lạt, kiến trúc sư Đặng Việt Nga đã phác thảo khép kín
một bản thiết kế chi tiết công trình “lâu đài mạng nhện” sau trong một đêm “cảm
tác”. Trong đó hiện ra những hình thù gốc cây, dây leo chằng chịt len lỏi đến
từng phòng ngủ, kín dày cả bề mặt lâu đài và bất ngờ hút sâu vào những hang
động hiện lên vẻ huyền bí… Bà Nga tâm sự: “ Tôi muốn sử dụng tiếng nói kiến
trúc của mình để góp phần giúp cộng đồng cùng trở về thân thiện hơn với thiên
nhiên…”
Một tháng sau
cái đêm “cảm tác” ấy, bà Nga trình hồ sơ tự thiết kế lên cơ quan chức năng cấp
thành phố Đà Lạt và cấp tỉnh Lâm Đồng để xin cấp giấy phép xây dựng. Bản vẽ
thiết kế rối rắm, phá cách, không theo một khuôn thước bài bản nào nên đã tạo
ra nhiều quan điểm khác nhau đối với những người có trách nhiệm giải quyết. Bởi
vậy hồ sơ phải chuyển đi chuyển về giữa các cấp ngành từ địa phương đến trung
ương để “xem xét giải quyết”; cuối cùng phải tạm để lại với lý do tạm thời là…
“chưa thể chấp nhận được” (?!)
Bà Nga kể lại:
“Năm đầu tôi bị trả hồ sơ đến 6 lần. Quá sốt ruột với tiền lãi vay ngân hàng,
tiền trả đến hẹn với bạn bè và người thân quen, tôi buột lòng phải vừa triển
khai xây dựng, vừa kiên nhẫn đi xin cấp phép…” Đến tháng 9/ 1990 (sau 7 tháng vừa xây dựng vừa chờ giấy phép),
bà Nga đã khánh thành một gốc cây cổ thụ, một lâu đài mạng nhện và một khối núi
đá có căn nhà rông cho đôi uyên ương hưởng tuần trăng mật. Tất cả công trình
đều kết cấu bằng bê tông cốt thép. Bao bọc khuôn viên là các công trình phối
cảnh gồm hồ nước non bộ, ghế đá, cây
xanh, thú hoang dã…Thấy công trình lạ mắt, nhiều đoàn khách “tây ba lô” chen
chân ra vào xin tham quan. Dần dần cái tin “lâu đài mạng nhện” được truyền
miệng thành một điểm tham quan khá kỳ lạ đối với du khách trong và ngoài nước.
Khách du dập dìu đến xem hàng ngày. Từ đó bà Nga quyết định chỉnh trang thành
một khuôn viên vuông vắn; mở dịch vụ đón khách tham quan, đón khách lưu trú; có
đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại chỗ. Tuy nhiên công trình vẫn trong cảnh vừa
xây dựng vừa xin giấy phép.
Nhưng dẫu sao
đến năm 2002, kiến trúc “lâu đài mạng nhện” cũng đã hình thành trên gần diện
tích 2.000 mét vuông. Trong đó bà Nga mua thêm 1.000 mét vuông đất nông nghiệp
của các hộ dân liền kề, rồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm dịch vụ du
lịch. Cả quần thể công trình gồm kiến trúc của 03 gốc cây, 01 dãy núi và 03 căn
nhà rông. Chức năng của 03 gốc cây ( cao từ 5m đến 15 m) chứa 11 căn phòng nghỉ
riêng biệt với tên gọi của các loài vật như: kangaroo, hổ, chim trĩ, gấu,
kiến…03 căn nhà rông xây trên dãy núi đá, có đủ tiện nghi, vật dụng sinh hoạt
khá lạ mắt cho một gia đình. Cả khu nhà rông và khu “nhà gốc cây” được thiết kế
đón đủ ánh sáng trong ngày; có không gian mở bốn hướng trong căn phòng, bất cứ
thời khắc nào đều có thể ngắm nhìn bốn góc trời của thành phố Đà Lạt mộng mơ.
Quần thể khéo
kín “lâu đài mạng nhện” chưa lâu thì chủ nhân Đặng Việt Nga được Sở Xây dựng
Lâm Đồng “triệu tập”. Thì ra đây là tin vui đến với bà Nga. Sở này đã trực tiếp
hướng dẫn bà Nga làm lại toàn bộ hồ sơ giấy tờ xin cấp sở hữu công trình. Và
ngày 11/12/2007 - sau hơn 5 năm hoàn tất
các văn bản pháp lý ở khá nhiều cơ quan chức năng - UBND tỉnh Lâm Đồng cấp sổ
Chứng nhận chủ sở hữu công trình Biệt thự Hằng Nga ( “lâu đài mạng nhện” – PV)
cho bà Đặng Việt Nga.
THƯƠNG HIỆU “NGÔI NHÀ QUÁI DỊ”
Chủ nhân - kiến
trúc sư Đặng Việt Nga ước tính đã đầu tư hơn 12 tỷ đồng cho công trình “ngôi
nhà quái dị” ( hay “lâu đài mạng nhện”- PV
) của mình. Nay thì “ngôi nhà quái dị” đã trở thành sản phẩm du lịch khá
đặc biệt cuốn hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Những năm gần đây, “ngôi
nhà quái dị” đã đóng thuế cho nhà nước mỗi tháng từ 5 triệu đồng đến 10 triệu
đồng.
“Giải mã” cho
ngôi “ngôi nhà quái dị” của mình, kiến trúc sư Đặng Việt Nga nói rằng đây là
phong cách kiến trúc theo chiều hướng “hậu hiện đại”. Tức là dựng lại một hình
thái hiện có trên hành tinh xanh này. Như nhiều công trình nhà ở, cây cầu …ở
vùng Sydney nước Úc, người ta thường thiết kế mô phỏng theo hình những cánh
buồm căng gió. Trong nước Việt Nam cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều những công
trình xây dựng có hình chiếc nón lá bài thơ.
Còn “ngôi nhà quái dị” ở Đà Lạt là dùng “phiên bản” hình dáng gốc
cây cổ thụ để thiết kế những hạng mục công trình chính yếu, bên trong và bên
ngoài những căn phòng, đường đi hành làng, đường đi trong vườn du lịch…đều bắt
gặp những con thú hoang cũng bằng bê tông cốt thép; mong muốn tạo cho du khách
tìm thấy cảm giác sống chan hòa cùng với muôn vạn vật trên trái đất này.
Nhưng dù gì đi
nữa thì mười tám năm qua, những hình thù kiến trúc mạng nhện “quái dị” của kiến
trúc sư Đặng Việt Nga đã trở thành một điểm đến khó có thể thiếu được đối với
du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến Đà Lạt. Phải chăng đây cũng là
dạng sản phẩm du lịch mang tính đột phá để thoát ra khỏi sự đơn điệu, trùng lắp
luôn luôn hiện ra trước mắt trên những thắng cảnh của Đà Lạt.
Tháng 02.2008