VĂN
VIỆT
Bất ngờ giữa Hội chợ Du lịch
thương mại và công nghệ thiết bị, gian hàng đồ gốm Champa đã cuốn hút người xem
bởi sự độc đáo của nó. Đậm một màu đất nung, đắp lên thành những bức phù điêu,
khắc lên những đường hoa văn, họa tiết đặc sắc, sống động đền đài, tháp cổ…
nâng đồ gốm Champa của Đức Trọng, Lâm Đồng trở thành một hiện tượng mới.
Tiềm năng ở Ninh Gia, Đức Trọng được biết đến qua
Festival 2005 là vùng nguyên liệu đất sét dồi dào, chất lượng cao để sản xuất
đồ gốm. Bắt đầu từ cuộc “kỳ ngộ” giữa một người chuyên nghề nghiên cứu nuôi
trồng thủy sản với một “lãng tử” làm nghề họa sỹ của Hội Mỹ thuật TPHCM, đã
sáng lập nên Công ty TNHH gốm mỹ nghệ Champa C và Y hoạt động gần…một tháng
qua. Bởi vậy, họa sỹ kiêm Phó Giám đốc Công ty Võ Văn Y đã chân thành nói rằng,
đó là những sản phẩm “đầu tay” của công
ty nơi đất này. Giám đốc công ty, ông Hồ Xuân Cường trong những chuyến khảo sát
cùng với các nhà chuyên môn địa chất, đã “khai khoáng” đất Ninh Gia đưa về Sài
Gòn “tinh lọc” lại, trở thành một thứ “hóa chất” hạ phèn, rửa chua trên các
vuông nuôi tôm ở khu vực miền Tây Nam bộ khá hiệu quả. Trong một dịp tình cờ,
chàng “lãng tử” Võ Văn Y lại phân tích thành tố ở chất đất này có chứa chất cao
lanh, chất cát, có thể chịu nhiệt độ nung cao để sản xuất đồ gốm (?!) Thế là
“nhất cử lưỡng tiện” chăng (?!). Cường-Y và những người bạn cùng khát khao muốn
tìm kiếm lợi nhuận, góp tay khôi phục hàng mỹ nghệ đồ gốm Champa, đã nhanh
chóng đồng tâm hợp ý thành lập công ty này. Vốn pháp định được nhà nước cho
phép thành lập là 500 triệu đồng.
Được tổ chức khai thác trên 01 ha mỏ đất sét Ninh
Gia, những “mẻ” đất sét đầu tiên được “bốc” lên dưới bề mặt từ 3 m chiều sâu
trở xuống. Dây chuyền sản xuất đầu tiên là xay nghiền đất thành bột, pha với
một tỉ lệ cát vừa phải. Kế tiếp là nhào trộn với nước cho đất dẻo, vo thành
từng nắm rồi nặn từng hình khối theo mẫu. Cuối cùng là đưa đất sét đi nung bằng
rơm và lò tuy nen. Hồi hộp theo dõi nhiệt độ nung tăng dần từ 100 độ đến…hơn
1.000 độ. Độ nóng càng cao, đất sét càng đỏ giòn, kết dính thành sản phẩm đồ
gốm rất chắc. Không bị sản phẩm nào nóng chảy hoặc nứt vỡ cả. Tỉ lệ thành công
gần như tuyệt đối. Lập tức công ty quyết định sản xuất hàng loạt để giới thiệu,
bán ra thị trường. Trước mắt, họa sỹ-Phó giám đốc công ty đi về Bình Thuận
“chiêu mộ” 10 nghệ nhân người Chăm có kinh nghiệm nhiều năm. Tháng đầu sản
xuất, công ty bao trọn gói ăn ở, đồng thời trả lương mỗi tháng mỗi nghệ nhân
1,5 triệu đồng.
Tại gian hàng hội chợ, nghệ nhân người Chăm, Trượng
Thị Phượng gần 50 tuổi, kể: Chị biết làm nghề gốm từ lúc mới lên chín lên mười.
Mấy chục năm bấp bênh của thị trường hàng hóa, gia đình gồm 5 người của chị vẫn
tranh thủ làm thêm để giữ nghề -dẫu thu nhập rất ít ỏi. Thao tác tại chỗ một lọ
cắm hoa, đôi tay chị Phượng thật mềm mại, điêu luyện, uốn lượn từng đường cong,
nghiêng, tròn đều…Khối đất sét đặt trên bệ hình ống, cao đến thắt lưng, chị
Phượng phải xoay tròn đều nhiều vòng liên tục. Cứ thế chừng 15 phút sau, sản
phẩm chiếc lọ cắm hoa xinh xắn đường kính chừng 20 phân đã ra đời. Đây là sản
phẩm thông thường. Với sản phẩm khá kỳ công như gốm phù điêu, chị Phượng phải
mất gần 2 ngày mới “tác tạo” thành “.
Dấn thân vào “làm ăn” với nghề gốm Champa, họa sĩ Võ
Văn Y đã mất nhiều năm thất bại dính liền thất bại tại các tỉnh miền trung và
miền nam. Năm ngoái chuẩn bị trưng bày một hội hoa xuân tại miền nam, 40 chiếc
bình lớn đang nung với nhiệt độ mới hơn trăm độ c bỗng vỡ vụn từng mảnh, không
cứu kịp. Lần khác, mang đi 10 chiếc chum chất lượng nhất, đẹp nhất đưa đi Thụy
Sĩ trưng bày. Vừa đến nơi gặp nhiệt độ lạnh âm độ, toàn bộ lô hàng gốm này đã
“chảy” trở lại…đất sét.
Với
lần “làm ăn” trên đất cao nguyên xứ lạnh này thì sao ? Ông họa sỹ, Phó Giám đốc
công ty C và Y tỏ ra rất lạc quan. Sau hai ngày đầu tham gia Hội chợ du lịch
thương mại và công nghệ thiết bị, gian hàng thu hút mỗi ngày cả trăm lượt người
đến tham quan. Có 200 mặt hàng của công ty trưng bày dịp hội chợ này gồm 3
nhóm: gốm phù điêu, gốm tượng nghệ thuật và gốm trang trí nội thất. Sản phẩm có
giá chào hàng thấp nhất ( khoảng từ 20 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng mỗi món đồ)
là các vật dụng trong gia đình ( đèn thắp sáng, bình cắm hoa, chén-tách uống
nước… ); cao nhất là các loại chum lớn đựng rượu, lò sưởi…với giá mỗi chiếc lên
đến 01 triệu đồng. Đã có các doanh nhân nước ngoài đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm
gốm có số lượng lớn, trong đó một doanh nhân An Độ đang thương thảo để ký hợp
đồng chính thức với công ty mua 100 bình gốm lò sưởi. Mọi việc sẽ diễn tiến
thuận lợi, sang năm mới 2006, công ty của Cường-Y sẽ “chiêu mộ” khỏang 100 nghệ
nhân người Chăm có việc làm ổn định, thu nhập khá.
Hiện trong thời gian triển lãm tại gian hàng hội
chợ, các nghệ nhân người Chăm đang hoàn tất sản phẩm bình gốm cao 2,3m; đường
kính từ 20cm-60cm; là bình gốm có kích thước lớn nhất trong mặt hàng gốm thủ
công mỹ nghệ của Việt Nam, sau đó xin được tặng lại tỉnh Lâm Đồng để tổ chức
bán đấu giá gây quỹ từ thiện xã hội./.
Tháng 12/2005