Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Tái canh cà phê trên đất luân canh

VĂN VIỆT
Điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, hiện chiếm khoảng 38% diện tích cà phê tái canh của hộ gia đình ở vùng Tây Nguyên (trong đó có Lâm Đồng) đang bị vàng lá, khô cành…do trồng trên đất không đủ thời gian luân canh, nên đã tạo ra môi trường thuận lợi để các tuyến trùng phát triển nhanh trong đất, gây hại bộ rễ cây.

Thống kê diện tích cây cà phê ở Lâm Đồng khoảng 145.735ha, đạt năng suất bình quân 2,32 tấn nhân/ha, trong đó có 50.650 ha cà phê già cỗi với từ 15 năm tuổi đến hơn 30 năm tuổi. Những năm qua, từ các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước về xây dựng và nhân rộng mô hình điểm, cùng với nguồn vốn đối ứng của nông dân, đã tiến hành chuyển đổi, ghép cải tạo, nâng diện tích tái canh cà phê trên toàn tỉnh Lâm Đồng đến nay đạt trên dưới 20.000ha. Mục tiêu đến năm 2015, Lâm Đồng triển khai các gói tín dụng vay ưu đãi để tiếp tục tái canh những nguồn cây giống cà phê mới trên diện tích 9.722ha với những biện pháp chăm sóc phù hợp trong từng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa bàn để phấn đấu đạt năng suất, chất lượng cà phê thu hoạch cao nhất.
Nhìn chung những diện tích tái canh cà phê bước đầu ở Lâm Đồng đã đạt những kết quả tích cực, tạo ra sự thay đổi mới về kỹ thuật canh tác đối với người nông dân. Tuy nhiên khi đối chứng với từng mô hình tái canh cà phê ở quy mô hộ gia đình, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã kết luận rằng: Những mô hình tiến hành cải tạo đất kỹ lưỡng, đào hố xuống giống đúng quy cách, bón phân lót đảm bảo liều lượng, chọn cây giống đạt chất lượng…đều đã mang lại hiệu quả đáng kể từ giai đoạn cây cà phê tái canh sinh trưởng đến giai đoạn cây cà phê thu hoạch. Ngược lại những mô hình chưa thành công, nguyên nhân chủ yếu là do việc cày ải, cải tạo đất chưa đảm bảo kỹ thuật để luân canh các loại cây trồng khác (ít nhất 2 năm) trước khi tái canh cây cà phê. Bởi khi phần lớn diện tích đất cà phê già cỗi đã bị khai thác đến cạn kiệt dinh dưỡng, thoái hóa trong một thời gian khá dài, cần phải luân canh để cải tạo, phục hồi lại độ mùn cho đất mới đủ khả năng hấp thu, cung cấp đủ dưỡng chất cho cà phê tái canh.
Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã và đang hướng dẫn nông dân cần tập trung tái canh trồng mới hoặc ghép mới các giống cà phê vối và cà phê chè đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là nguồn giống quốc gia để cung cấp cho các địa phương trong cả nước làm nguồn giống đầu dòng như TR4, TR5, TR6, TR9, TR11, TR12, TR13, TN1, TN2…Và thời gian chăm sóc cà phê tái canh cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đã được Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Theo đó, để thực hiện tái canh cà phê, bên cạnh những diện tích đất phải luân canh các cây trồng khác tối thiểu 2 năm như đã nói ở trên, còn có rất nhiều diện tích đang có mật độ tuyến trùng gây hại trong đất khá cao, nên cần thiết phải tăng thời gian luân canh lên từ 3- 4 năm. Đến công đoạn đào mặt hố hình vuông, mỗi cạnh dài 0,8m và chiều sâu cũng đạt 0,8m. Bón lót tối thiểu 20 tấn phân gia súc/ha kết hợp bón thêm vôi, phân hữu cơ vi sinh, phân xanh, phân lân…  Rồi lắp đất lên trên các lớp phân này với thời gian ít nhất 2 tháng trước khi xuống giống tái canh trồng mới cà phê.
“ Ngay trong thời kỳ kiến thiết cơ bản cần chăm sóc với những kỹ thuật áp dụng đồng bộ đối với cây cà phê tái canh như đảm bảo về lượng nước tưới, lượng phân hóa học bón thúc và lượng phân hữu cơ bón bổ sung; thực hiện tỉa cành, tạo tán, tủ gốc giữ ẩm; trồng xen cây xanh chắn gió và tạo nguồn phân xanh bổ sung; tăng cường các giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách)...”- Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết thêm./.
Tháng 7.2013