VĂN VIỆT
Nông dân Lâm Đồng hiện
là “quán quân” của nông dân cả nước với thu nhập mỗi năm lập đỉnh nông nghiệp
công nghệ cao với trên dưới 1 tỷ đồng/ha hoa và trên dưới 500 triệu đồng/ha rau.
Tuy nhiên đồng hành theo “ những con số giàu” ở đây vẫn chưa hết những nỗi lo “đầu
ra” thường trực mỗi ngày.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn Lâm Đồng, đến nay tổng diện tích gieo trồng rau các loại đạt gần
48.800ha, đạt tổng sản lượng thu hoạch đạt trên dưới 1,5 triệu tấn/năm. So với
trong vòng 3 năm qua, diện tích trồng rau các loại tăng gần 5.600ha, theo đó sản
lượng tăng thêm khoảng 250 ngàn tấn. Ước tính hàng năm tổng sản phẩm rau mang
nhãn hiệu Đà Lạt ( sản xuất tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương - gọi tắt
là rau Đà Lạt) tiêu thụ ở thị trường trong nước chiếm từ 80 - 90%; còn lại chỉ 10- 20% đạt yêu cầu chất lượng
tiêu thụ xuất khẩu. Với diện tích trồng rau đạt tiêu chuẩn an toàn hiện có khoảng
7.334ha, mới chiếm hơn 6,6% trên tổng diện tích rau các loại.
Về diện
tích trồng hoa cắt cành của Đà Lạt và các vùng phụ cận (Lạc Dương, Đức Trọng,
Đơn Dương) đến nay có khoảng 3.200ha, tổng sản lượng ước đạt trên dưới 1,5 tỷ
cành/năm. Riêng Đà Lạt hàng năm có khoảng 1.500
ha nhà kính sản xuất hoa cắt cành, ước tính tổng sản lượng hàng năm hơn 1,2 tỷ
cành, chủ yếu hơn 90% sản lượng tiêu thụ trong nước vì chất lượng hoa vẫn chưa
thực sự ổn định; mới trên dưới 10% sản lượng hoa xuất khẩu phần lớn thuộc về
thương hiệu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoa với quy mô lớn và công
nghệ bảo quản sau thu hoạch khá hiệu quả…
Như vậy
rau và hoa mang nhãn hiệu Đà Lạt chỉ mới dừng lại ở tỷ lệ xuất khẩu từ 10- 20%
trên tổng sản lượng, nên dù giá trị thu nhập trên mỗi hecta đạt “quán quân”
trong nước vẫn còn ở mức thấp so với lợi thế về đất đai, khí hậu, trình độ canh
tác công nghệ cao của nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận. Nhiều
chuyên gia nông nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng cho rằng, tỷ lệ từ 80 - 90% sản lượng rau an toàn Đà Lạt tiêu thụ ở thị trường trong nước
chưa tạo ra được sự đột phá về giá bán ra vì vẫn ở trong vòng “được mùa – mất
giá; được giá – mất mùa”; còn với tỷ lệ 10- 20% rau xuất ra nước ngoài bằng đường biển
dài ngày đến các nước khu vực Đông Nam Á, châu
Á đến châu Âu với công nghệ bảo
quản sau
thu hoạch còn thô sơ, chủ yếu
làm lạnh
trước khi vận chuyển, dẫn đến tỷ lệ rau hư hỏng bị đối tác loại ra để
“tái xuất” có lúc chiếm đến 30
- 40%.
Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho rằng, nhãn
hiệu “Hoa Đà Lạt” đã ứng dụng công nghệ cao hơn 10 năm qua, nhưng nông dân chưa
liên kết sản xuất “đồng trà đồng vụ” theo từng vùng, phần lớn vẫn tổ chức sản xuất theo phong trào tự phát, “ai
trồng cây gì mình trồng cây nấy”, dẫn đến không đồng đều về sản lượng và chất
lượng sau mỗi vụ mùa. Đến khi thu hoạch có đến 70% sản phẩm ký gửi về các vựa hoa ở Sài Gòn và miền
Trung- Tây Nguyên để những nơi này đơn
phương ấn định giá cả lên xuống bao nhiêu, người nông dân cũng buộc phải thụ động
chấp nhận bấy nhiêu. Trong khi đó để chủ động giá cả theo hợp đồng xuất khẩu
hoa ngay từ đầu vụ gieo trồng với các doanh nghiệp lớn tại Lâm Đồng thì yêu cầu
phải có đủ số diện tích liên canh với nhau hàng chục hecta, sản xuất theo những
quy trình kỷ thuật nghiêm ngặt, khép kín, vốn đầu tư lớn….đã vả đang trở thành
các điều kiện “gây khó” đối với đại bộ phận người nông dân.
Cái giá của sản xuất theo phong
trào rau, hoa công nghệ cao mang nhãn hiệu Đà Lạt đã tiếp tục gánh những hệ lụy
khó lường trong vài năm trở lại đây. Đó là việc ồ ạt mở rộng diện tích trồng hoa
lily để đón năm mới 2012, nhưng giá hoa xuống thấp chưa bằng một nửa so với
cùng kỳ, khiến hàng chục hộ nông dân phải chịu lỗ mỗi hộ từ trăm triệu đồng đến
cả tỷ đồng. Hoặc vào tháng 6/2013 vừa qua, diện tích và sản lượng atiso Đà Lạt
thu hoạch giảm xuống 60% so với cùng kỳ ( từ 100ha giảm xuống còn 40 ha), đã nâng
giá atiso tươi bình thường từ 30- 40 ngàn đồng/kg, tăng lên 200- 250 ngàn đồng/kg.
Rồi thị trường ngày một khan hiếm, nhiều thương nhân Đà Lạt đã tích trữ bông
atiso khô, nâng giá bình thường từ 200 ngàn đồng/kg tăng lên 650 ngàn đồng/kg. Hoặc
trước đó - vào tháng 3/2013, giá cà chua công nghệ cao ở Đơn Dương từ 15 ngàn đồng/kg
giảm sâu xuống 500 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái ( do cung vượt cầu), hàng
ngàn hộ nông dân phải gánh lỗ từ trăm triệu đồng trở lên…
Rõ ràng nỗi lo về thị trường bất ổn
là nỗi lo cũ, nhưng hàng ngày hàng giờ vẫn nóng hổi đối với “quán quân” rau,
hoa công nghệ cao Lâm Đồng, cần có những lời giải để “những con số giàu” phải
được giàu hơn sau mỗi vụ mùa. Thiết nghĩ, điều cấp thiết bây giờ là bắt tay vào
điều chỉnh quy hoạch những vùng sản xuất tập trung, sản xuất chuyên canh theo từng
lứa rau, hoa phù hợp với đặc điểm ở mỗi vùng sinh thái có trình độ kỹ thuật
canh tác khác nhau, phù hợp với những dự báo, những “điều cần” của thị trường
trong nước và thị trường xuất khẩu theo từng thời điểm. /.
Tháng 7.2013