Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Khi phố núi đòi nợ rừng…

VĂN VIỆT
( Giải Ba viết về du lịch Lâm Đồng năm 2005)
Phố núi Đà Lạt đang dốc tâm sức ngày mỗi ngày trồng lại từng hàng cây, luống hoa, phục hồi không gian cao nguyên xanh của đô thị hiện đại mà vẫn lưu giữ dáng nét hoang sơ. Bởi vậy, yêu cầu chỉnh trang đô thị, cân bằng sinh thái môi trường đã đến thời điểm hết sức bức bách, nhưng không vì thế mà lại thiếu tuân thủ nghiêm ngặt theo những quy hoạch chiến lược hơn, dài hơi hơn.
*Rừng chết…không bình yên
Hàng chục năm nay, chưa bao giờ thể hiện trên bảng thống kê tình trạng xâm hại rừng phòng hộ, rừng cảnh quan Đà Lạt trong một tháng, trong một năm có những con số bình yên. Từ hành vi ken gốc lấy củi ngo, đổ chất thải độc hại xuống bộ rễ đến cưa hạ cây thông trái phép…tuy mức độ mỗi lúc khác nhau, nhưng thực trạng xảy ra không dứt. Bên cạnh đó, những cánh rừng thông lâm cảnh già cỗi, chết dần chết mòn từng giờ phút mà chưa tìm ra một phương pháp tái sinh khả dĩ nào. Gần nhất trong năm 2005, lực lượng kiểm lâm Đà Lạt tiếp tục mở cả trăm đợt truy quét nhưng lâm tặc vẫn tìm cách hoạt động ẩn hiện nhiều nơi. Gần 200 vụ khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ thông trái phép; lấn chiếm đất rừng….liên tiếp bị mai phục phát hiện. Rừng lại mất cây, đất lại “cát cứ” bao vùng, bao thửa; sự đa dạng của hệ thực vật dần bị phá vỡ. Cộng dồn rồi cộng dồn…đến ba mươi năm đã qua, bỗng hiện ra con số khiến ai cũng giật mình: Rừng thông tự nhiên Đà Lạt đã “ra đi” đến mười sáu ngàn ha !
Những người sinh ra ở Đà Lạt nay bước sang lớp người “xưa nay hiếm”, xác tín rằng, không chỉ rừng thông ngoại ô mà ở vòng quanh khu trung tâm thành phố đã theo thời gian mất quá nhiều. Tìm đâu những mảng màu xanh ngắt hai bên đường Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Chí Thanh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân….ngày xưa ? Bao giờ sẽ phủ xanh những những hình khối bê tông ở các khu vực phía sau Dinh I, II và III ? Hiện giờ nếu men dần ra hướng ven đô, không ai không bức xúc bởi sự chông chênh của việc khai thác du lịch thác, hồ với việc bồi đắp cảnh quan, môi trường. Làm sao có thể tìm thấy những loài hoa dại tự nhiên quanh dốc đồi Đà Lạt giữa mong manh sương khói như: Lay Ơn, Sim, Mua, Bồ Công Anh, Đồng Thảo, Phong Lan, For get me not…     
Từ lâu các nhà lâm nghiệp cảnh báo rừng nội ô Đà Lạt chủ yếu là rừng thông thuần loại, phải đưa vào “diện” được quản lý theo tiêu chí cây xanh đô thị. Những con số vừa tập hợp sau năm, bảy năm gần đây, chính quyền thành phố đã tổ chức trồng mới khoảng trên dưới trăm ha loài thông ba lá theo hình thức cụm, phân tán và trồng xen dặm trên diện tích rừng thông đã không còn sức sống. Trên 30 tuyến đường phố nội ô và các khu vực dân cư thành phố đã trồng mới cả chục vạn cây xanh đặc trưng gồm Mai Anh Đào, Mimoza, Long Não, Liễu rủ, Tùng các loại…và các loại cây hoa di thực như: Muồng hoa vàng, Chuỗi ngọc, Phượng tím, Uy li mộc… Đồng thời, thành phố đã trồng, chăm sóc hơn bảy mươi ngàn mét vuông cây cảnh, thảm cỏ, hoa…trên 30 công viên và  nút giao thông chính trong thành phố.
Nỗ lực đáng ghi nhận, tuy nhiên nếu bao quát ở bình diện chung thì rừng thông, cây xanh, hoa lá… của Đà Lạt bị “sát hại” quá lớn. Nếu như việc trồng mới cây rừng, cây xanh và hoa lá…không “tăng tốc” mạnh mẽ hơn nữa thì còn rất lâu nữa mới khắc phục hết “hậu quả lịch sử” để phục hồi lại đủ rừng nội ô trả về cho phố núi…
*Trả nợ phố núi sao đây ?!
Trong lộ trình đến năm 2010 “xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt trở thành đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo của cả nước và quốc tế”, dự toán kinh phí nâng cấp môi trường, cảnh quan giai đoạn trước mắt qua cuối năm 2006 là 2.562 triệu đồng với hai hạng mục chính: Trồng các khu đồi hoa, thung lũng hoa theo chủ đề riêng và trồng hoa, cây xanh trên mọi trục đường phố.
Với khoản tiền dự toán vừa nêu, các nhà du lịch tâm huyết của Lâm Đồng đã đồng thuận đưa ra 11 khu quy hoạch trồng hoa tập trung, người Đà Lạt hết sức phấn khởi ủng hộ. Trong đó khu đồi có diện tích rộng nhất là gần mười ha dọc theo đường Bà Huyện Thanh Quan, sẽ hạn chế xây dựng các công trình “lấn lướt” vượt quá tán rừng. Vì chỉ giành riêng cho các loại hình vui chơi, sinh hoạt cho thiếu nhi, nên cả không gian được bố trí trồng rừng cây, hoa lá, hài hòa thành những gam màu thần tiên như bước ra từ những câu chuyện cổ tích. Hoặc xung quanh khu vực trung tâm thành phố với nhiều ý tưởng độc đáo như: hình thành thung lũng Mimoza rực vàng trước trường bổ túc văn hóa-đường Phạm Ngũ Lão. Bên kia đối diện là công viên Ánh Sáng, tạo thành cụm công viên “liên hoàn” về hoa, cây cảnh. Hay sẽ giành một phần diện tích công viên Yersin để trồng xấp xỉ cả ngàn cây phượng tím. 8 khu vực “chuyên đề” còn lại quy hoạch diện tích rộng từ 2 ha đến 5ha gồm: khu du lịch Prenn, công viên vườn hoa, đường vào Tuyền Lâm, Langbian và hồ Than Thở, hình thành các mảng rừng hoa, cây cảnh như sim-mua, dã quỳ, anh đào, trạng nguyên…Riêng cây thông thuần loại sẽ “gắn” vào “chuyên đề” này, trồng tập trung phủ xanh các trục đường vào các khu du lịch Đan Kia-Suối Vàng và hồ Tuyền Lâm, khu du lịch Langbian…
Kế đến là “trách nhiệm trả nợ” cây xanh trên các đường phố. Qua tìm hiểu, những “kiến trúc sư môi trường” cho rằng, phải cấp thiết “tái sinh” những tuyến đường cây xanh bị chặt phá, chết tự nhiên hoặc phát triển không đều bằng hình thức trồng xen kẽ và trồng thay thế dần. Với tất cả những tuyến đường chưa có cây xanh nên chọn lựa trồng các loại cây lâu năm, cho hoa khoe sắc bốn mùa, mang đặc trưng trên từng góc phố. Riêng những địa hình triền dốc, bờ ta luy của hệ thống công sở, trường học, nhà dân, quanh bờ rào rộng lớn của sân golf Đà Lạt……phải bắt buộc trả lại những giàn thiên lý, tường vi, bồ công anh, for get me not thuở nào…
Đó là những y tưởng quý giá đã được ghi nhận, kinh phí đã tìm được nguồn nhưng sẽ “trả nợ rừng” khó thành công, nếu như thiếu những hình thức vận động tuyên truyền sâu rộng; những giải pháp quản lý, chế tài ổn định và khả thi nhất. Nên chăng, đến lúc chúng ta đưa ngay chủ trương bảo vệ môi trường, cảnh quan thành phong trào thi đua từng phường, xã; từng công sở trong thành phố. Mỗi gia đình, mỗi viên chức phải ký giao ước thực hiện từng tháng, quý, năm…có sơ-tổng kết rút kinh nghiệm. Có thể chọn một vài khu vực dân cư, vài khối cơ quan làm điểm, sau đó nhân rộng phong trào, hướng tới xã hội hóa thực sự trong đời sống cộng đồng. Mặt khác về việc đầu tư trồng mới, xây dựng hệ thống công viên, tiểu cảnh; quản lý, chăm sóc cây rừng nội ô và các loại cây xanh, hoa cảnh đường phố…cần tổ chức đấu thầu rộng rãi, đồng thời tạo mọi “hành lang pháp lý” thuận lợi để thu hút, chọn lựa những đầu tư có năng lực tài chính, kỷ thuật và đầy nhiệt tâm để vào hợp tác đồng hành cùng Đà Lạt phát triển, đi lên./.  
Tháng 10/2005