Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Bức thư ra trận không về

VĂN VIỆT

Hơn 30 năm sau ngày giải phóng, bất ngờ người ta tìm thấy 5 bộ hài cốt liệt sĩ nằm lặng yên từ trong lòng đất thành cổ Quảng Trị. 2 bộ hài cốt trong số này vẫn nguyên vẹn mang theo những di vật đánh thức một thời khói lửa, đạn bom. Những di vật đó được đặt trong lồng kính pha lê tại bảo tàng thành cổ, mỗi lần nhìn thấy nó, đọc lên những dòng thư chan chứa tình yêu thương xứ sở, gia đình, lứa đôi của người chiến sĩ không tiếc tuổi xanh, nhiều người đã giàn giụa nước mắt vì xúc động và tự hào.

Quảng Trị, vùng đất mà kẻ thù đã từng huênh hoang là một pháo đài bất khả xâm phạm, là nơi chiến trường “tử thủ” của Mỹ-Ngụy trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhằm ngăn chặn bước tiến từ quân giải phóng. Trong 81 ngày đêm bám trụ đánh tan toàn bộ những đợt phản kích hùng hổ của địch hòng tái chiếm thành cổ Quảng Trị, sự đau thương, mất mát của quân và dân ta kể bao giờ mới hết. Mỗi sự hy sinh, mỗi cuộc đời ra trận đánh giặc tự thân thắp sáng lên phẩm chất anh hùng cách mạng, trong đó trỗi dậy những bản tình ca bi tráng, tràn đầy yêu thương mà người chiến sĩ đã sẵn lòng đón nhận một cách bình thản đến lạ thường. Đó là một Lê Binh Chủng từ tiền phương đã viết thư về nhắn người vợ trẻ sớm đưa đứa con trai duy nhất của họ về “ra mắt” gia đình bên nội. Thư được viết trước khi vào trận chiến quyết định và biết mình sẽ hy sinh. Để đồng đội, người thân được nhận ra hài cốt của mình, Lê Binh Chủng gói cẩn thận theo tấm thẻ Đảng của anh, cùng tấm hình và bức thư của người vợ yêu quý đã gửi trước đó. Tình yêu của họ thật đẹp. Trên con đường hành quân, người con trai đất Quỳnh Lưu, Nghệ An đã gặp cô gái dân công tải đạn người miền quê Quảng Bình cát trắng. Họ được đơn vị tổ chức đám cưới, tận hưởng những ngày hạnh phúc quý giá rồi phải chia tay nhau đi theo bước quân hành giục giã nơi mặt trận tuyến đầu. Vào đất lửa Quảng Trị, anh Chủng đã anh dũng ngã xuống khi chỉ trước mấy ngày đón mừng chiến thắng. Dòng máu duy nhất của anh để lại là đứa con trai bé bỏng, một niềm hạnh phúc quá đỗi thiêng liêng, khiến cho gia đình anh vẫn cứ như trong mơ dù biết đó là sự thật. Nay-sau hơn 30 năm từ lòng đất Quảng Trị, gia đình, đồng đội đã đưa anh về đoàn tụ nơi chôn nhau cắt rốn yên nghỉ vĩnh hằng, ấm áp khói hương.
Và đây là bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, người miền quê Kiến Xương, Thái Bình mà người nghe đã không cầm nỗi nước mắt mỗi khi người hướng dẫn viên trong bảo tàng Quảng Trị đọc lên. “Quảng Trị ngày 11/9/72. Toàn thể gia đình kính thương. Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ…khi con đã đi “nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột… Mẹ kính mến! Lớn lên trong lòng mẹ từ khi còn trứng nước chưa đền đáp được công ơn to lớn của mẹ..Thư này đến tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Con của mẹ đã đi xa…  ” Bức thư này được viết cẩn thận bằng màu mực tím đỏ, dài đến gần 10 trang giấy sổ tay mà  Huỳnh vẫn chân chất chỉ gọi là “vài dòng chữ” nhỏ bé mà thôi. Sau những dòng đầu anh dành tình cảm vô vàn với mẹ, với anh chị, rồi nối liền mạch nguồn từng con chữ viết cho vợ và con anh bằng những lời dự cảm chính xác đến lạ thường. Là một sinh viên năm thứ 4 khoa xây dựng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Huỳnh vào chiến trường Quảng Trị tháng 3/1972 đến tháng 9/1972 thì anh được lệnh chiến đấu bên bờ Nam sông Thạch Hãn và hy sinh tại đây. Biết trước điều này sẽ đến, anh động viên người vợ trẻ: “Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì biết bao nỗi buồn đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em. Nhưng em ơi, hãy bình tĩnh lại làm theo lời anh căn dặn. Còn ngày anh đi xa là ngày đề ở ngoài phong bì mà nhờ các bạn anh gửi giúp. Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe những người quen thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này…
Người vợ, “người con gái trẻ tuổi” ấy khi thành hôn với anh Huỳnh mới tròn 20 tuổi. Họ bên nhau hạnh phúc vỏn vẹn một tuần lễ vàng ngọc rồi anh phải cầm súng ra đi. Trước khi viết thư về, anh Huỳnh khắc sẵn tấm bia liệt sĩ ghi tên tuổi, quê quán, đơn vị của mình; còn ngày hy sinh anh chừa lại để đồng đội ghi vào sau. Điều ngạc nhiên hơn, anh còn xác định trước mình sẽ hy sinh và được chôn cất ngay vị trí ở thôn Nhan Biều 1; ngày thống nhất đường tàu Bắc-Nam sẽ thông suốt để vợ con anh xuống tàu tại thị xã Quảng Trị, theo lối đi như trong thư anh viết mới tìm ra mộ chí của anh: “Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thật sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1, nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy tìm sẽ thấy bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn. Thôi nhé, đó là có điều kiện, còn không thì em hãy cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt lắm rồi… ” 
Tuổi xuân sớm thanh thản đi về với tổ tiên vì đại nghĩa mà vẫn day dứt khi thân phận của người mẹ mất con, người vợ trẻ mất chồng ở chốn quê: “Vì mất đi một người con yêu mến, con mong mẹ đừng buồn nhiều, mẹ phải mạnh khỏe cho đời mãi mãi kéo dài đón mừng ngày thống nhất. Thôi mẹ ạ, chúng con sống với nhau chẳng được bao lâu nay đã…chắc em nó buồn lắm. Mẹ động viên thay con. Đời em nó còn trẻ lắm. Nếu ai người ta thông cảm thì mẹ động viên em nó nên đi thêm bước nữa… 
Bức thư cùng hài cốt của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh lặng lẽ dưới lòng đất thiêng thành cổ Quảng Trị sau 30 năm mới đưa được về với quê hương, gia đình anh ở Kiến Xương, Thái Bình. Người vợ của anh năm nay đã hơn 50 tuổi vẫn ở vậy thờ chồng, nuôi con từ ấy đến giờ.
Chiến tranh đã lùi xa, bên dòng sông Thạch Hãn êm đềm trôi xuôi vẫn còn đó những lời “nhắn tìm liệt sĩ ” đang còn nằm dưới cỏ cây, hoa lá quanh đây chưa được về cùng đồng đội, gia đình. Được may mắn tiếp tục tìm thấy hài cốt cùng các di vật những liệt sĩ Lê Binh Chủng và Lê Văn Huỳnh từ trong không gian lặng lẽ ấy, chất chứa một thời đạn nổ súng rền khốc liệt ấy, đã nhắc nhở chúng ta không vì một một phút giây nào lại cho phép xao nhãng đi quá khứ hào hùng, bi tráng còn vọng mãi với những bài tình ca ra trận…/.
Quảng Trị-Đà Lạt tháng 3/2004