Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

3 "Chàng" với Net

VĂN VIỆT
Tròn một năm hoạt động…tự phát, “Báo Đà Lạt net” đã lôi cuốn hàng trăm ngàn lượt người truy cập, tìm kiếm nhiều thông tin bổ ích về thành phố du lịch Đà Lạt. Ngành chức năng Đà Lạt chưa biết cách “xử lý” thế nào cho phải về sự hiện diện của website này.
***Ra mắt ấn tượng
Đúng vào ngày 21-6-2003, ngày Đà Lạt tròn 110 năm và là ngày báo chí cách mạng Việt Nam, người ta bỗng phát hiện trên mạng internet toàn cầu một website có tên http://dalatnews.net. “Nhấp chuột” từ trang chủ lần lượt hiện ra khá nhiều hình ảnh đẹp, nhiều chuyên mục thiết kế công phu như du lịch, văn hóa-xã hội đến trên đường phát triển, tư liệu thành phố hoa, trang thơ, truyện ngắn, kết nối rất nhiều website khác,…gây ấn tượng mạnh với người đọc-xem ngay từ đoạn “ mở đầu”. Trong khi chưa biết “chủ nhân” của trang web này là ai, bạn đọc đã phấn khích mail đến “tòa soạn” những dòng cảm nghĩ thật chân thành. Kiến trúc sư Trần Đức Lộc ở đường Trần Phú, Đà Lạt tỏ ra ngạc nhiên “chat”: “….Tình cờ lang thang trên mạng, biết có dalatnews, nên gửi nhanh bài viết “Kiến trúc Pháp ở Đà Lạt”.  Xin cám ơn và ủng hộ việc làm của các bạn…”
“Thư cám ơn” chiếm số lượng nhiều vô kể là “khách hàng net” ở TPHCM và các tỉnh miền đông, miền tây Nam Bộ. Họ cho đó là một “cẩm nang” rất cần thiết để thực hiện những chuyến du lịch lên Đà Lạt của mình. Đặc biệt vượt ra ngoài phạm vi quốc gia không quên được bức thư đề tên Trần Hải Vân, gửi về từ Pháp: “Rất khâm phục trái tim và khối óc của các bạn đã cho tôi đầy đủ những thông tin về thành phố Đà Lạt xinh đẹp…”
Xúc động nhất từ bán cầu phía chân trời châu Mỹ, một giáo sư vô tình lạc qua  website dalatnews. net và nhờ đó đã thực hiện được tâm nguyện cuối cùng của đời mình. Vị giáo sư tên là Hứa Hoành từng nghiên cứu, giảng dạy tại Đà Lạt, nay định cư tại Mỹ. Trong lúc chống chọi với căn bệnh ung thư hiểm nghèo, giáo sư đã nhờ một người bạn chuyển về dalatnews.net toàn bộ tài liệu “hồi ức Đà Lạt” mà mình sưu tập, biên soạn khá công phu từ “thuở trước”. Vài ngày sau khi giáo sư Hứa Hoành quy tiên, người thân của giáo sư đã gửi toàn bộ số tài liệu cho dalatnews.net qua con đường email. Theo các nhà nghiên cứu về Đà Lạt, “hồi ức Đà Lạt” của giáo sư là một tài liệu quý giá, trong đó rất nhiều những dữ kiện về sự hình thành, phát triển của Đà Lạt rất thú vị mà chưa có ai công bố bao giờ!
*Chỉ vì yêu…
Ngày 14-6-2004, tôi truy cập vào website dalatnews.net, đã thấy hiển thị tổng số người truy cập là 106902 kể từ ngày 21-6-2003. Không mấy khó khăn khi tôi tìm ra địa chỉ “toà soạn” của “DaLat net” tại số 10/1, Phù Đổng Thiên Vương, Đà Lạt. Đó là căn phòng rộng chưa tới 10 mét vuông dùng làm dịch vụ “net” để nuôi hoạt động “DaLat net”. Ba đồng “thủ lĩnh” đều tốt nghiệp Đại học Đà Lạt, xuất thân từ ba miền quê khác nhau. Hai cử nhân văn khoa là Mai Văn Bảo, người Quảng Bình và Võ Đình Trang, người Quảng Ngãi. Người thứ ba là cử nhân sinh học Lưu Đức Liệu ở quê lúa “năm tấn” Thái Bình. Cả ba thiết kế lên trang web này là cùng thể hiện một tấm lòng, một tình yêu hết mực với xứ sương mù lãng đãng Đà Lạt.
Học chuyên ngành sinh học nhưng Liệu rất “say” khám phá computer từ thời còn ngồi giảng đường. Ra trường, Liệu tích cóp được một số vốn, mở điểm dịch vụ net để sinh sống và gọi Bảo, Trang về...nghiên cứu, thiết kế một website riêng của Đà Lạt. Cả ba đã làm đề án xây dựng trang web này gửi lên UBND thành phố Đà Lạt. Chờ lâu quá không thấy “hồi âm”, ba người này “liều mạng” tung lên mạng toàn cầu và thật bất ngờ, sau ngày đầu ra mắt đến nay người đọc luôn đón nhận nó rất nồng nhiệt, cảm kích.
Ba người trong “tòa soạn” “DaLat net” tự phân công với nhau, rất vô tư và rất…nhịp nhàng. Liệu đảm trách chính các khâu kỷ thuật. Bảo, Trang vừa làm “phóng viên”, vừa làm “biên tập”. Tôn chỉ chung của website này là giới thiệu về lịch sử, thắng cảnh, con người Đà Lạt xưa và nay. Ngày ngày, Bảo và Trang rong ruổi từ đầu buôn, khắp phố Đà Lạt để sưu tập những dữ kiện, những bức ảnh tư liệu quý về sắp xếp lại, sau đó lưu trữ cập nhật vào website. Hầu hết đây là những bài viết được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, những tư liệu đã ấn hành rộng rãi qua những nhà xuất bản trong nước…
Cứ thế lặng lẽ qua hơn một năm “tự phát” hoạt động hòa vào mạng internet quốc tế, “tờ báo DaLat net” đã dần dần tập hợp một dung lượng thông tin phong phú, đa dạng và hết sức thiết thực. Bây giờ muốn thực hiện chuyến du lịch Đà Lạt, chỉ cần “lia chuột” qua dalatnews.net, rất dễ dàng tìm thấy những thông tin về các tour thắng cảnh, đủ “cấp” nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, mua sắm nhiều mặt hàng đặc sản….để lữ khách chủ động trước túi tiền của mình….từ xa! Chưa kể những nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn biết những thông tin mới của Đà Lạt về tiềm năng rau-hoa công nghệ cao, về phát triển du lịch cũng rất cần website của “ba chàng ngự lâm” nói trên.
Website dalatnews.net là một website đầu tiên của thành phố Đà Lạt tự giới thiệu về mình. Để trang web “sống” được, “ba chàng ngự lâm”  thu từng đồng bạc lẻ kiếm được từ dịch vụ net công cộng. Riêng Bảo, Trang lâu lâu gặp những đề tài phù hợp với các tờ báo trong và ngoài tỉnh, cũng tranh thủ viết gửi bài, được đăng và có thêm thu nhập từ…nhuận bút, góp “cổ phần” với Liệu. Khó khăn nhiều nhưng tuyệt nhiên “tờ báo DaLat net” không thu tiền bất cứ một cá nhân đơn vị nào tài trợ hoặc quảng cáo trá hình, trái phép. Chỉ vì yêu Đà Lạt, thành phố đã trang bị “ba chàng ngự lâm” một hành trang kiến thức thời sinh viên, nay họ xây dựng website đó như là một nghiã cử để đáp đền vậy.
Cho đến nay, thành phố Đà Lạt vẫn đang loay hoay để định hình một website thì đã có ba chàng sinh viên nghèo vừa tốt nghiệp đại học, đã “tự phát” xây dựng thành công dalatnews.net. “Tờ báo điện tử” này vẫn mặc nhiên tồn tại và chính quyền thành phố vẫn chưa có “động thái” chính thức nào. Vậy trong lúc chờ đợi một trang web chính thức của Đà Lạt với đầy đủ “ban-bệ”, xin mời bạn hãy click chuột vào http://dalatnews.net để hiểu hơn về việc làm không mảy may một chút “cầu danh, cầu lợi” của ba chàng sinh viên đáng yêu, đáng trân trọng như thế!./.
Tháng 6/2004