VŨ VĂN
Sống ở
vùng cửa ngõ thành phố du lịch, người đàn ông 58 tuổi này không ngại khó ở phía
“đầu sóng ngọn gió” bảo vệ rừng, bảo vệ an sinh cộng đồng. Ông là Nguyễn Văn
Lượm, Khu phố trưởng Khu phố 8, phường 3, Đà Lạt.
XÂY
DỰNG “PHÒNG TUYẾN”
Ông
Nguyễn Văn Lượm là người với thâm niên gần 25 năm giữ cương vị từ Trưởng ban
dân phố đến Khu phố trưởng. Hơn mười năm về trước tình trạng nhiều hộ dân trong
khu phố ông vào rừng làm “lâm tặc làng” không ít. Hộ này hàng ngày lén lút đèo
khoét rộng thêm từng lưỡi cuốc rừng làm rẫy. Hộ kia sắm cưa mâm, cưa cá sấu…
chạy rè rè đêm khuya trong rừng vắng của làng. Và hộ kia nữa - mở xưởng mộc,
nửa lẩn tránh nửa công khai tiếp tay lâm tặc tiêu thụ lâm sản trái phép. Để
ngăn chặn “lâm tặc làng”, ông Lượm chọn phương thức…thu phục nhân tâm. Tận dụng
mọi lúc tiếp xúc trên vườn rẫy, ghé qua nhà chơi, bất chợt gặp đâu đó…, ông
Lượm hay “gắn” với những lời hỏi han chuyện làm ăn, chia sẻ những vất vả chung,
từ đó thuyết phục họ từ bỏ sinh kế xâm hại rừng. Đến khi cơ quan lâm nghiệp
triển khai chính sách giao đất, giao rừng, Khu phố trưởng Nguyễn Văn Lượm đón
lấy cơ hội rất nhanh. Những người vì nghèo khó đi phá rừng nay được ưu tiên
nhận khoán giữ rừng. Kết quả cả khu phố “đề cử” 16 hộ thì cả 16 hộ được lâm
trường ký ngay hợp đồng, mỗi hộ được nhận quản lý, bảo vệ từ 40-50 ha rừng thông
đặc dụng.
Bên
cạnh khu rừng nhận khoán của dân, Khu phố trưởng Nguyễn Văn Lượm cùng những
thành viên trong Ban điều hành khu phố cũng “tranh thủ” hợp đồng nhận khoán 212
ha rừng đặc dụng khác. Nhưng khoản tiền giữ rừng thu được hàng năm không chia
cho cá nhân mà dùng chi vào chuyện công ích. “Hương lộ” khu phố hết sình lầy;
phá bỏ cây cầu tạm bắc qua suối không an toàn; xây dựng mới phân trạm y tế và
hội trường khu phố; xây “trạm” truyền thanh; lo hội họp, lễ tết…đều nhờ vào
“tài khoản” giữ rừng. Nhờ vậy càng nâng cao hơn niềm tin của người dân đối với
lãnh đạo khu phố
…VÀ TUẦN TRA,
ÁP SÁT
Địa
bàn khu phố 8 của ông Lượm ước lượng có khoảng gần một ngàn ha rừng thông đặc
dụng, luôn ở cấp “nguy cơ cao” về khả năng phát cháy, phát rừng làm rẫy, cưa xẻ
gỗ trái phép. Với trách nhiệm phân công, ông Lượm đặt ra phương châm bắt “phạm”
( lâm tặc) xâm hại rừng là thường xuyên tuần tra, bất ngờ áp sát khi phát hiện.
Lần nọ ở dưới vực đèo Prenn, một nhóm 03
lâm tặc đã liều lĩnh mang cưa cá mập vào đốn hạ thông. Chúng ra tay vào chập
xẩm tối trở đi. Ông Lượm triệu tập “Ban Chỉ huy” khu phố và 10 đội viên dân
phòng cùng “xung trận”. Đội hình bao vây, bí mật mai phục được đồng nhất triển
khai, chỉ bằng tay không đã buộc lâm tặc phải cúi đầu ký vào biên bản phạm
pháp. Toàn bộ tang vật và người phạm pháp lập tức được chuyển giao cho công an
và kiểm lâm xử lý. Hoặc lần khác qua “hành quân” trong đêm, “quân” của ông Lượm
đã nhổ bỏ hơn 1.000 cây cà phê con trồng trái phép trên diện tích khoảng 01 ha
dưới tán rừng. Tất cả “phạm” đã “bỏ của chạy lấy người”. “Hiệu ứng dây chuyền”
ở cánh rừng gần bên, một nhóm lâm tặc vừa chặt 04 cây thông tươi phải chúi nhủi
chạy thoát thân…
Vụ
án giết người cướp taxi từ Sài Gòn lên đèo Prenn, Đà Lạt vứt xác tài xế taxi
xuống vực gây “chấn động” dư luận năm qua. Nhưng ít ai biết rằng khi phát hiện
xác chết, khu phố ông Lượm đã bảo vệ nghiêm ngặt hiện trường đến lúc cơ quan điều tra xuống khám nghiệm. Gần đây
hay xảy ra vụ chặn xe du lịch “xin đểu” ngay ngã ba đèo Prenn, ông Lượm trực
tiếp chỉ huy lực lượng du kích, dân phòng, dùng tay không khống chế bắt “phạm”
ký vào biên bản phạm pháp quả tang. Hoặc có vụ đi bán xe máy dạo rất khả nghi,
ông Lượm “điều quân” tìm cách giữ chân kẻ bán. Y như rằng sau đó công an đấu
tranh, bóc trần chân tướng những tội phạm trong một đường dây ăn cắp xe máy
liên tỉnh …
Tại
nhà ông Nguyễn Văn Lượm hiện duy trì phòng thu - phát của “Đài khu phố”, chuyển
tải trên 3 chiếc loa trên địa bàn 182 hộ dân với 792 nhân khẩu. Mọi chương
trình hành động phổ biến trên hệ thống hữu tuyến này đã, đang phát huy tác
dụng. Khu phố trưởng-“kiêm phát thanh viên”, Nguyễn Văn Lượm nói: Cán bộ khu
phố gương mẫu, nói và làm đi liền với nhau, sẽ góp sức mình biến khối đoàn kết
trong nhân dân trở thành “phòng tuyến” vững chắc cho an ninh trật tự để phát
triển cuộc sống./.
Tháng 12/2006