Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

“Vết chân tròn” trên đất

VĂN VIỆT
Hình ảnh “vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi…” đã đi vào lòng người về biểu tượng cao đẹp của người thương binh “tàn nhưng không phế” giữa đời thường. Tháng 7 này, về xã Xuân Trường anh hùng của thành phố Đà Lạt, tôi đã gặp một tấm gương như thế. “Vết chân tròn” trên đất vượt khó đã đưa người thương binh vào hàng triệu phú của phố hoa.

Ông là Trần Văn Sơn, thương binh ¾, đi theo cách mạng từ lúc 16 tuổi, nay đã vượt qua ngưỡng “ngũ thập tri thiên mệnh”. Trời xế chiều, tôi phải vượt qua mấy quả đồi mới tìm đến nương trà chất lượng cao của ông thuộc “vùng sâu” của thôn Xuân Sơn. Giữa biển trà ngát xanh, biết tôi muốn tìm hiểu về cách làm giàu, ông cười xòa “Ngày xưa đi chiến đấu vào sinh ra tử, gian khổ quen rồi. Ngày nay đổ mồ hôi, quyết chí cho gia đình mình sung túc hơn như những người nông dân bình thường thôi mà !”  Lời nói có vẻ nhẹ nhàng của ông nhưng là kết quả của nắng sương mấy chục năm mới có được. Vườn trà có diện tích 1,5 ha mà ông gọi là rẫy này nhưng quả thực đã đổi thay cuộc sống vượt bậc của gia đình ông. Là con người luôn tiếp sức bên mình với những ký ức đánh giặc, chính mảnh vườn này thời chống Mỹ từng là chiến hào, là trận địa mà ông và đồng đội ông đã chiến đấu ngoan cường. Phía đối diện bên kia nương trà của ông có quả đồi dựng đứng, hồi đó gọi là Đồi Đánh Mỹ. Ở đây địch xây dựng đồn bốt, phong tỏa mìn kíp nổ, hòng ngăn chặn bước tiến của bộ đội chính quy và sự lớn mạnh của du kích quân địa phương. Ông đã tham gia cùng đồng đội nhiều trận đánh không cân sức trên Đồi Đánh Mỹ. Sự quả cảm của ông và đồng đội ông đã tiêu diệt nhiều toán lính địch, ghi thêm chiến công trong truyền thống đánh giặc của xứ trà Xuân Trường. Thồi vào một chiều chạng vạng năm 1972, trong khi đi hành quân, ông bị địch phục kích, bấm kíp nổ quả kìn cài sẵn. Ông phản xạ nhanh, nhảy ra xa nằm áp sát mặt đất. Những mảnh mìn ghim vào chân máu chảy đầm đìa, ông vẫn cố thoát về nơi hậu cứ an toàn, trở thành thương binh ¾ cho đến ngày nay.      
     Giải phóng về, thương binh Trần Văn Sơn được bà Ngoại “nhượng” lại toàn quyền sử dụng 1,5 ha đất sản xuất nơi trận địa năm xưa. Mừng lắm, nhưng phía trước là trăm sự khó khăn đón chờ. Ông lập trại, ngày đêm ở lại với vườn, tay cuốc bên mình cải tạo đất, trồng cây cà phê, chè, cây rau…trang trải cuộc sống. Cây rau ngắn ngày nuôi cây công nghiệp chè, cà phê dài ngày. Vừa cật lực quanh năm trên từng hàng cây, thửa rau, ông vừa tự tiếp cận các ứng dụng khoa học kỷ thuật trong nông nghiệp. Thu nhập năm sau dần cải thiện hơn năm trước, ông gom góp từng tí vốn một, rồi tiếp tục tái đầu tư. Cứ thế-năm này qua tháng nọ chịu khó, vượt khổ, ông xây dựng nên khoảnh vườn một màu xanh no đủ cho gia đình mình.
Nhưng thương binh Trần Văn Sơn còn đi tiếp với khát vọng làm giàu lên nữa. Cách đây mấy năm, chương trình chặt bỏ cây chè hạt để thay thế cây trà ô long bắt đầu thâm nhập vào người nông dân. Thương binh Trần Văn Sơn là một trong những người đi đầu trong bước thử nghiệm này. Lại ngày đêm trăn trở, vắt óc nghĩ suy trên từng luống đất, mầm cây. Bám đất, bám lấy nghề vườn, quyết chí đi thêm những bước đột phá mới vào sự giàu có. Ban đầu chặt bỏ đôi ba cây chè hạt già cỗi, thay vào đôi ba cây giống chè ô long. Ngày vác cuốc vun trồng, tỉa cỏ đến tối mịt. Sáng dậy ra thăm chồi cây chè mới khi trời còn ẩm ưốt. Cả thành công và cả thất bại là những kinh nghiệm quý báu cho ông đi tiếp. Rồi mở rộng dần đến con số ngàn cây chè ô long, hết sào đất này nối tiếp đến sào đất kia, mở rộng thành con số diện tích ha trồng ô long. Giống, phân và sự chuyên cần đi liền với nhau, đã tạo cho vườn trà ô long của ông phát triển không ngừng. Rồi cơ hội đến. Một công ty nước ngoài đứng chân trên địa bàn đến mua sản phẩm chè ô long tươi của ông. “Vạn sự khởi đầu nan” chỉ mua với số lượng nhỏ giọt. Càng về sau, thấy chất lượng chè của ông “đạt chuẩn” xuất khẩu, lại là người nông dân thực hiện có uy tín theo hợp đồng cam kết, công ty này quyết định đầu tư lâu dài với thương binh Trần Văn Sơn với hợp đồng thời hạn 20 năm. Ông Sơn có đất và công lao động. Công ty này đầu tư giống, phân bón, kỷ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.  
Bây giờ thì diện tích đất nơi cứ địa xưa của thương binh Trần Văn Sơn đã cho hoa lợi đều đặn hàng tháng trên dưới 20 triệu đồng. Cây trồng chủ lực ở đây là trà ô long. Bên cạnh đó là cây cà phê, cây hồng giống mới trĩu quả hàng năm. Ông đã tở một hộ nông dân giàu có, một mô hnh sản xuất giỏi đáng được nhân rộng nhiều hơn ở xã anh hùng Xuân Trường của phố hoa Đà Lạt này. Giàu có rồi, có khi nào nghĩ đến việc chuyển hướng lên phố chuyển hướng làm kinh doanh, dịch vụ khác ? “Đi cầm súng chống Mỹ từ vùng đất này, tôi được trưởng thành. Hơn 30 năm hòa bình, đất đã cho tôi cơm no áo ấm đến thịnh vượng như ngày nay. Ơn đất, ơn người, gắn bó máu thịt với tôi hơn !  ”-Thương binh Trần Văn Sơn nói khi tôi chào ra về.
“Vết chân tròn” trên đất của thương binh Trần Văn Sơn đã tiếp lửa thêm nghị lực làm giàu cho tất cả mọi người, dù khi đối diện với những hoàn cảnh khó khăn nhất./.
Tháng 7/2006