VĂN VIỆT
Với mô hình du lịch xanh tự nhiên, Khu tòa
nhà Ana Mandara Đà Lạt ( Khu biệt thự Lê Lai cũ) đã và đang đưa hệ số sử dụng
phòng nghỉ của khách du lịch trong và ngoài nước đến gần với mức 100%. Đây là khu
tòa nhà vừa đạt giải “quán quân” Đông Nam Á về sử dụng năng lượng hiệu
quả.
Anh Lê Văn Hậu, Kỹ sư trưởng về năng lượng và môi
trường, Khu tòa nhà Ana Mandara Đà Lạt hướng dẫn phóng viên dạo một vòng khu
tòa nhà này vào một ngày mưa nhẹ đầu tháng 8/2011. Tất cả 22 biệt thự nằm trên
diện tích 80 ngàn mét vuông của khu tòa nhà thấp thoáng trong màu xanh mướt của
đồi thông, cây trái, thảm cỏ…sau ngày mưa. Kỹ sư Hậu cho biết để giữ xanh và
đẹp mỗi ngày cho toàn bộ khu tòa nhà có 8 nhân viên cùng chăm sóc trên từng
luống cỏ đến từng cành nhánh cây xanh. Tính riêng trong 3 năm gần đây, mỗi năm
trồng và thay thế mới cho khu tòa nhà với trên dưới 10 ngàn mét vuông cỏ, chủ
yếu là cỏ tự nhiên được nhân giống tại chỗ; trồng mới từ 500 đến 1.000 cây xanh
các loại. Tỉ lệ phủ xanh toàn bộ khu tòa nhà luôn giữ ở mức hơn 80%. Đáng nói ở
những ngày không mưa, hệ thống nước tưới giữ xanh cây cỏ của khu tòa nhà được
bơm tự động từ hệ thống lọc nước thải tại chỗ. Đây là hệ thống được thiết kế
với chiều dài 14 mét, chiều rộng 6 mét, chiều sâu 6 mét. Quy trình xử lý nước
thải bắt đầu từ các bể chứa nước thải sinh hoạt trong khu tòa nhà đến các bể
thối khí, bể lọc vi sinh phân hủy chất thải, các bể lắng; và cuối cùng là các
bể bơm hút lấy bùn làm phân bón và lấy nước sạch tưới cho cây xanh. Hiện tại
việc xử lý nước thải của khu tòa nhà mới vận hành trên dưới 1/5 so với tổng
công suất thiết kế là 200 mét khối nước một ngày đêm.
Hệ thống xử lý nước thải vừa nêu đã tạo ra sự phân hủy
chất thải bởi những loài vi khuẩn sản sinh tự nhiên. Nhờ vậy đã tiết kiệm lượng
điện năng cho máy bơm hoạt động khoảng 13,8 kw mỗi năm. Cũng với việc tận dụng năng
lượng tự nhiên, khu tòa nhà chỉ mất khoảng 100 ngàn đồng tiền điện mỗi ngày đêm
để giữ nóng cho bể bơi có chiều rộng, chiều dài và chiều sâu của nước lần lượt
là: 6 mét, 14 mét và từ 1,2 mét đến 1,7 mét, phục vụ mỗi lần tắm bơi từ 30 đến
40 lượt khách du lịch. Đây là chiếc máy hấp thu năng lượng mặt trời để tỏa
nhiệt làm nóng nước hồ bơi, tiết kiệm khoảng 22kw điện mỗi ngày. Đồng thời sử
dụng tấm bạt lớn che kín mặt hồ vào ban đêm khi không còn khách sử dụng còn
giảm tổn thất nhiệt qua bề mặt hồ, tiết kiệm 30kw mỗi ngày. Tính chung cả năm,
hồ bơi này tiết kiệm khoảng 18 ngàn kw điện. Với hệ thống chiếu sáng cho khu
tòa nhà cũng có nhiều giải pháp tiết kiệm hiệu quả như tận dụng ánh sáng tự
nhiên qua hệ thống cửa sổ, cửa kính của từng tòa nhà; hệ thống điện tự động
toàn khu tòa nhà chỉ bật sáng đèn điện vào những giờ cần thiết nhất.
Bộ phận kỹ thuật của Khu tòa nhà Ana Mandara Đà Lạt
hiện biên chế 9 người, gồm 3 kỹ sư, 2 cao đẳng và 4 trung cấp. Ngoài những lắp
đặt, thiết kế các hệ thống tiết kiệm điện nói trên, đội ngũ kỹ thuật này đã
thay thế toàn bộ lò sưởi trong khu tòa nhà từ đốt củi sang đốt điện với thiết
bị điện trở cài đặt ít tiêu hao năng lượng nhất, mỗi phòng đều có 1 lò sưởi với công suất điện
trở 2x700w. Kỹ sư Hậu nói: “Khí hậu Đà Lạt thường xuyên lạnh nên nhu cầu sưởi
ấm vào ban đêm là khá quan trọng, đặc biệt với khu nghỉ mát đạt tiêu chuẩn 5
sao như chúng tôi. Trước đây tất cả các biệt thự trong khu vực đều sử dụng lò
sưởi đốt củi, khá bất tiện cho du khách, khả năng ổn định nhiệt độ thấp, lại gây
ô nhiễm từ khói thải. Nay được cải tạo và đưa vào sử dụng lò sưởi tiết kiệm điện
đã khắc phục các nhược điểm này của lò sưởi đốt củi. Và hiện các ống khói lò
sưởi đốt củi trước đây đã trở thành hệ thống thông gió tự nhiên cho tòa nhà … ”
Tháng 8/2011