VĂN VIỆT
Những bờ cỏ dại, những nhánh rau, những
mẩu khoai củ, và những phế phẩm rau, quả khác của phố núi Đà Lạt luôn là những thức
ăn khoái khẩu của heo rừng. Tập tính này đã khiến hàng đàn heo rừng “sa vào
bẫy” của anh Trần Quang Việt, một người đàn ông trung niên ở đường Khởi Nghĩa
Bắc Sơn, Đà Lạt.
Trải qua nhiều năm dài lập chuồng trại chăn nuôi các
con vật khác nhau, từ gà ta, gà công nghiệp đến bò sữa, từ năm 2006 đến nay,
anh Trần Quang Việt quyết định dừng lại chăm sóc duy nhất con vật nuôi là heo
rừng. Anh Việt lý giải : “Vùng nội ô Đà Lạt khó có những sào đất dành riêng
trồng cỏ nuôi bò sữa; nuôi gà ta, gà công nghiệp có thu nhập khá thì không dễ
mua được những diện tích đất nhiều ngàn mét vuông ở vùng ven đô, khi mà cây cà
phê katimor đang có lợi thế lấn át làm cây chủ lực vượt nghèo. Chỉ còn lại con
heo rừng không cần nhiều diện tích chuồng trại, không cần chăn thả ngoài đồng
bãi mà nguồn thức ăn tận dụng phế phẩm từ những thửa rau Đà Lạt luôn luôn dồi
dào… ”
Lý giải và dành nhiều thời gian tìm tài liệu và đọc
hiểu những kỹ thuật cơ bản chăm sóc heo rừng, anh Trần Quang Việt mới làm những
chuyến “lữ hành” từ vùng Tây Nguyên xuống miền Đông Nam Bộ, cuối cùng chọn mua được
12 con heo rừng giống ( 10 cái, 2 đực) tại tỉnh Bình Dương về gây nuôi trong
vườn nhà của mình ở đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, Đà Lạt. Tổng giá trị 12 con heo
rừng giống bấy giờ khoảng gần 2 cây vàng. Trên khu chuồng trại 500 mét vuông
trước đó nuôi bò sữa, anh Việt ngăn lại thành 2 gian chuồng, mỗi gian chuồng
nuôi 6 con ( 1 đực, 5 cái). Mỗi ngày hai bữa sáng chiều, cho heo ăn thức ăn
rau, cỏ tươi ngoài vườn rau, cả con đực và con cái đều háu ăn như nhau, ăn ngấu
nghiến, trông rất thích mắt. Heo rừng ăn được, tăng trọng lên thấy rõ từ tháng
nuôi đầu tiên, chứng tỏ khả năng thích nghi nhanh với khí hậu, thời tiết vùng
nội ô Đà Lạt. Đến 9 tháng sau, 5 con heo rừng cái đầu tiên đã “khai hoa nở
nhụy” đến 30 con heo con (mỗi con mẹ đẻ trung bình 6 con). Khoảng hai tháng
tiếp sau đó, 5 con heo cái còn lại cũng đã đẻ đến 25 heo rừng con nữa ( mỗi mẹ
đẻ trung bình 5 con ). Vạn sự khởi đầu nan đã đạt, anh Trần Quang Việt mau
chóng trở thành một chủ trại cung cấp heo rừng giống và heo rừng thịt cho nhiều
khách hàng là nông dân, thương lái trong và ngoài thành phố Đà Lạt.
Đến gần cuối tháng 9/2011, trang trại heo rừng của anh
Trần Quang Việt ổn định đàn heo sinh sản gồm 30 con cái và 3 con đực. Ước tính
từ 2007 đến nay (sau một năm đưa heo rừng về phố), mỗi năm trung bình, anh Việt
bán được 200 triệu tiền heo rừng xuất chuồng, chiếm tỉ lệ 50-50 heo giống và
heo thịt. Ở thời điểm gần cuối tháng 9/2011, giá bán một con heo rừng cái giống
nuôi 2 tháng tuổi, nặng gần 10 ký là 1,5 triệu đồng. Giá bán một con heo rừng
thịt nuôi 4 tháng tuổi, nặng trên dưới 15 ký là 2,25 triệu đồng. Nuôi “mát tay”
nên đàn heo rừng nái của anh Việt mỗi
năm đều đặn đẻ 2 lứa, mỗi lứa một con heo mẹ đẻ trung bình 8 con heo con; cá
biệt đã có heo mẹ đã đẻ mỗi lứa hơn 10 con heo con.
“Nuôi heo rừng ở phố Đà Lạt rất ít tốn chi phí đầu tư,
tính cả thảy chỉ chiếm chừng 25%- 30% trên doanh thu.”- anh Việt cho biết. Được
vậy là nhờ rau, cỏ cho heo là tự túc đến các nhà vườn Đà Lạt gom nhặt về. Chỉ mua
cám viên từ cửa hàng thú y Đà Lạt về cho heo rừng ăn thêm ở các tuổi như 60
ngày tuổi đối với heo con khi tách khỏi sữa heo mẹ; heo mẹ ngay sau khi sinh
cho đến lúc không còn cho heo con bú sữa. Mỗi ngày cho heo mẹ và heo con ở giai đoạn này ăn cám viên, mỗi con chỉ ăn
hết nửa lon sữa bò đựng cám viên, vị chi số tiền mua không đáng kể. Tuy nhiên
để tránh dịch bệnh, điều phải thực hiện nghiêm ngặt nhất là tiêm đầy đủ những
mũi tiêm phòng bệnh cho heo. “Các giai đoạn tuổi của heo rừng nuôi phải tiêm
là: 01 mũi thuốc bổ cho heo từ 5 ngày tuổi đến 20 ngày tuổi. 01 mũi vắc xin
tổng hợp phòng ngừa các bệnh phó thương hàn, dịch tả, tụ huyết trùng cho heo từ
30 ngày tuổi đến 45 ngày tuổi. Tiêm 01 mũi phòng ngừa dịch heo tai xanh cho heo
60 ngày tuổi. Heo giống sinh sản ( cả đực và cái), định kỳ 6 tháng tiêm 01 mũi
vắc xin tổng hợp phòng ngừa các bệnh phó thương hàn, dịch tả, tụ huyết trùng…”-
anh Việt thuộc nằm lòng.
Đưa heo rừng về phố Đà Lạt tăng đàn nhanh, anh Trần
Quang Việt được tặng nhiều khen thưởng từ chính quyền phường 10 đến cấp hội
nông dân thành phố Đà Lạt và cấp hội nông dân tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời được tín
nhiệm giao công việc phó Chi hội Nông dân khu phố 5, phường 10, Đà Lạt, anh
Việt đã cung cấp nguồn giống và giúp kỹ thuật cho hơn 25 hộ nông dân đang nuôi heo
rừng có lãi trong phạm vi hộ gia đình, mỗi hộ nuôi trung bình 5 con heo sinh
sản ( 1 đực, 4 cái). Anh Việt cũng đang “đàm phán” với các siêu thị lớn từ
thành phố Hồ Chính để ký kết hợp đồng tiêu thụ dài hạn thịt heo rừng thương
phẩm nuôi ở Đà Lạt. Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi thì đến đầu năm 2012,
trại heo anh Việt sẽ liên kết với tất cả những hộ nuôi heo rừng ở phường 10, Đà
Lạt, đưa heo rừng ra lò giết mổ tập trung, sau đó đóng thùng cấp đông đưa về hệ
thống siêu thị thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ, mỗi ngày phải giết mổ ít nhất 01
con heo rừng nặng trên dưới 40 ký./.
Tháng 9/2011