Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Olong đồng trà, đồng vụ

VĂN VIỆT
Hơn 2 năm qua, với mô hình hợp tác kiểu mới, sản xuất trên khoảng 30 ha chè Olong đồng trà, đồng vụ, đã mang lại thu nhập ngày càng cao cho 40 hộ gia đình ở xã Xuân Trường, Đà Lạt.
Tổ phó Tổ hợp tác sản xuất chè Olong Xuân Trường, Đà Lạt, ông Hà Thế Hoành cho biết: Mô hình hợp tác sản xuất chè Olong ở Xuân Trường đã tập hợp 40 hộ nông dân (người sản xuất nhiều nhất trên 1,5ha, người sản xuất ít nhất là 0,5ha) đã đi vào hoạt động chính thức từ năm 2009 đến nay. 

Những diện tích trồng chè Olong ở đây được chuyển đổi từ những cây cà phê già cỗi, kém hiệu quả kinh tế. Nguồn giống chè được Doanh nghiệp HaYih (đứng chân trên địa bàn) nhập khẩu về từ Đài Loan, sau đó nguồn vốn nhà nước địa phương hỗ trợ cho nông dân 50% số tiền mua cây giống. Nông dân cùng lúc được chăm sóc trên toàn bộ diện tích chè Olong theo quy trình hướng dẫn của Doanh nghiệp HaYih. Tất cả sản phẩm thu hoạch, HaYih có trách nhiệm bao tiêu theo giá ổn định hàng năm. Thời gian trồng sau 2 năm bắt đầu thu hái; cứ 2 tháng thu hái một lần đạt khoảng 1tấn/ha. Ông Hoành đánh giá: Những năm đầu làm quen sản xuất với cây chè Olong, từng hộ nông dân được tập trung với nhau cùng học nghề, cùng trao đổi kinh nghiệm tưới nước, bón phân, phòng trừ dịch hại… mỗi ngày. Khi thu hoạch thì năng suất, chất lượng trên vườn chè Olong của mỗi gia đình gần như đồng đều. Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh của thổ nhưỡng, khí hậu, môi trường tự nhiên… ở Xuân Trường, Đà Lạt thì kết quả này cũng chỉ mới bước đầu.


Đến tháng 10/2010, vẫn “hai nhà” là nhà Doanh nghiệp HaYih với 40 hộ nhà nông ở Xuân Trường, Đà Lạt, nhưng tổ hợp tác đã tiếp tục “nâng cấp” thành liên minh sản xuất chè Olong cao cấp theo mô hình mới của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng, được Ngân hàng Thế giới tài trợ mỗi hộ nông dân 40 triệu đồng; nông dân đối ứng 60 triệu để “làm mới” lại cơ sở hạ tầng và tăng cường các biện pháp khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Tính đến tháng 1/2013, Liên minh đã triển khai được gần 27 tháng, với “diện mạo” mới rõ nét nhất trên đồng là hệ thống bơm dẫn nước tự động đã được xây dựng mới bài bản hơn, chắc chắn hơn. Có vườn chè của hộ nông dân hợp tác đã mạnh dạn lắp đặt hệ thống dẫn nước tự chảy từ đồi cao về  hồ chứa nước tưới trong vườn đến 3 cây số. Việc bón phân, tưới nước, phun thuốc… cho chè đã được tiến hành cùng chung các giải pháp kỹ thuật, cùng chung thời điểm trên tất cả thửa vườn của tổ viên tổ hợp tác. Tổ phó Hoành dẫn chứng: “Sau khi thu hái chè xong, tất cả hộ tổ viên trên đồng chè tiến hành cắt sửa gọn gàng, đồng bộ trên mặt luống chè. Rồi 15 - 20 ngày sau, đồng loạt bón phân đợt một gồm phân vi sinh, phân chuồng, thuốc vi sinh phòng trị nấm bệnh… Rồi chăm sóc tưới nước từ 15- 20 ngày sau nữa là bón phân đợt 2, phun thuốc phòng trừ dịch hại… Chăm sóc đến 20 ngày sau nữa là thu hái… Cứ vậy, theo chu kỳ quanh năm cứ 2 tháng thu hái một lần…”.


Hàng ngày ra vườn chè, các tổ viên Tổ hợp tác trong Liên minh “giao ban” với nhau về kỹ thuật, kết quả sản xuất của ngày hôm qua. Với Doanh nghiệp HaYih, hàng tuần cử cán bộ kỹ thuật xuống vườn chè cùng nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh chiều sâu hơn; hàng tháng, hàng năm tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ để đúc kết, nhân rộng những luống chè sản xuất hiệu quả nhất. Và trước khi thu hoạch từ 2 - 3 ngày, Doanh nghiệp HaYih lấy mẫu chè về kiểm nghiệm chất lượng để làm căn cứ định giá bao tiêu toàn bộ sản phẩm. “27 tháng qua, năng suất chè Olong từ 1 tạ tăng lên 1,2 tạ rồi 1,3 tạ/sào/2 tháng. Tỷ lệ 100% sản phẩm đều đạt chất lượng, giá bán 40 ngàn đồng/kg, tăng 5 ngàn đồng/kg so với trước khi thành lập liên minh. Ngoài ra có nhiều vườn chè Olong của tổ viên thu đạt chất lượng cao, bán với giá 45 ngàn đồng/kg…” - Tổ phó Hoành nói.

Liên minh sản xuất chè Olong của Xuân Trường sẽ kết thúc vào tháng 4/2013. Những kết quả nêu trên sẽ tạo thêm một điểm xuất phát mới cho sự hợp tác của “hai nhà” sản xuất chè Olong tiếp tục phát triển đi lên, nâng cao hơn nữa lợi nhuận thu về cho “hai nhà” trong những năm trước mắt và lâu dài.

Thứ Tư, 09/01/2013 (GMT+7)