Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Rau không phân và thuốc hóa học ở Thánh Mẫu

VĂN VIỆT
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đang phối hợp cùng với các cơ quan nông nghiệp Đà Lạt để xây dựng một khu vực chuyên canh rau không thuốc và không phân bón hóa học, tưới tiêu bằng hệ thống bơm nước mạch ngầm…ở khu vực Thánh Mẫu, Đà Lạt, mang lại thành công đầu tiên ở mô hinh “Trồng rau ăn lá bằng phương pháp thủy canh hồi lưu”.

Ngày 13/9/2013, chúng tôi cùng với hàng chục hộ nông dân tham quan, hội thảo đầu bờ tại vườn rau xà lách trồng bằng phương pháp thủy canh hồi lưu của hộ gia đình ông Vương Đình Phi ở khu vực Thánh Mẫu, phường 7, Đà Lạt. Vườn rau xà lách này có diện tích 100m2 nằm trong khuôn viên nhà kính 2.000m2 trồng các loại rau khác như dâu tây, cà chua... Trước luống rau xà lách phủ xanh non trên giàn cao hơn mặt đất khoảng 1m, kỹ sư Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, Nguyễn Thị Thu Hằng “thuyết trình”: Đây là vườn xà lách đưa lên giàn thủy canh trồng trên giá thể xơ dừa hơn 1 tháng, đạt các chỉ số sinh trưởng rất khả quan như :  tỷ lệ cây sống 99%, chiều cao của cây từ 15- 19cm, chiều dài rễ cây từ 30- 35cm số lá trên cây từ 12- 15 lá, dự kiến rút ngắn thời gian chăm sóc từ 10- 15 ngày so với phương pháp trồng thông thường dưới đất, đạt năng suất 192kg/100m2.
Đây là mô hình nhà nước và nhà nông củng làm, trong đó nhà nước hỗ trợ kinh phí hơn 53 triệu đồng, nông dân đối ứng nguồn vốn gần 31 triệu đồng. Chi phí nhiều nhất là lắp đặt giàn thủy canh hơn 80,6 triệu đồng. Khu vực cao nhất của giàn thủy canh được lắp đặt bình chứa nước thủy canh 2.000 lít, hàng ngày tự động cung cấp nước tưới ( bơm từ mạch nước ngầm) và cung cấp dưỡng chất sinh học ( được hòa tan với nước) cho từng gốc cây. Trong thời điểm 25 ngày sau khi trồng, vườn mô hình xà lách thủy canh có xuất hiện rầy xanh gây hại, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cùng với nhà nông đã diệt trừ có kết quả bằng cách bắt bằng tay và bằng bẫy dính, tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Tại vườn mô hình xà lách thủy canh, kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hằng còn giới thiệu cho nông dân về kỹ thuật thu hoạch. Theo đó, nên thu hoạch vào buổi sáng (trước 9 giờ) và buổi chiều ( sau 16 giờ) để tránh cây bị héo rũ nhanh. Lấy từng giỏ rau ra khỏi giàn rồi cắt ngang gốc từng cây. Sau khi thu hoạch cần vệ sinh sạch toàn bộ hệ thống như máy bơm, thùng chứa dung dịch, các ống nhựa, ống nối, vỉ chứa giá thể…để phòng trừ mầm bệnh cho cây trồng lứa sau.
Ông Vương Đình Phi, Chủ nông hộ mô hình xà lách thủy canh cho biết, đã nhận được đặt hàng tiêu thụ từ các siêu thị ở Sài Gòn với giá 25.000 đồng/kg, tính ra đạt lãi hơn 1 triệu đồng/100m2. Là một nông dân trồng nhiều loại rau an toàn trong nhiều năm qua, ông Phi nói nếu bà con nông dân quanh vùng trồng rau an toàn còn lo lắng đầu ra, ông sẽ làm “cầu nối” để tiêu thụ đến những khách hàng quen biết của mình.
Trong buổi Hội thảo đầu bờ nói trên, chúng tôi còn được tham quan các mô hình của các hộ nông dân khác ở khu vực Thánh Mẫu, Đà Lạt trồng rau không thuốc và không phân bón hóa học như: 100m2 nhà kính dâu tây Newzealand trồng trên giàn treo; 1.000m2 rau xà lách trồng trên từng luống đất nhà kính và 1ha rau xanh các loại trồng ngoài trời… Nằm liên canh với những nhà kính trồng rau an toàn đã nhiều năm trước đó, tất cả vườn mô hình ở đây đều đã áp dụng các phương pháp bón phân hữu cơ, sinh học, dùng bẫy dính để dẫn dụ sâu bệnh, côn trùng, tưới phun tự động từ nguồn nước ngầm bơm từ dưới lòng đất…, nhìn chung đảm bảo đạt các yêu cầu kỹ thuật đặt ra, cây phát triển xanh tốt từ rễ, thân cành đến lá. 
Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Chủ tịch UBND phường 7, Đà Lạt đánh giá: Nhu cầu tiêu thụ rau an Đà Lạt đối với các tỉnh, thành trong nước ngày càng phát triển. Việc sản xuất rau không phân bón và thuốc hóa học ở khu vực Thánh Mẫu nói riêng, khu vực phường 7, Đà Lạt nói chung đang mang nhiều lợi ích cho người nông dân như tiết kiệm nhiều công lao động, giảm vốn đầu tư, tăng giá thành sản phẩm…Cấp úy, chính quyền, các đoàn thể chính trị ở phường 7, Đà Lạt tiếp tục phối hợp cùng với ngành nông nghiệp của tỉnh, thành phố để vận động nông dân trên địa bàn nhân rộng nhiều hơn nữa những mô hình sản xuất không phân và thuốc hóa học, đạt các tiêu chuẩn rau an toàn trong nước và quốc tế./.
Tháng 9/2013