VĂN VIỆT
Cụ bà Lê Thị Hiếu, 73 tuổi, ngụ tại số
nhà 128, thôn Hai Bà Trưng, xã Nam Hà, Lâm Hà, Lâm Đông đã tình nguyện hiến hết
6 sào đất vườn của mình cho chính quyền xã xây dựng các công trình phúc lợi dân
sinh. Cụ bà nói: “Tôi không có chồng, con. Người thân, họ hàng của tôi ở Hà
Nội, ai cũng có đất có nhà cả. Nên đất của tôi không để lại cho xã thì còn để
cho ai nữa. Nếu không mai mốt đây tôi qua đời thì sao…”
Nghe những lời tâm nguyện hiến đất của cụ bà Lê Thị
Hiếu, tuổi vượt ngưỡng cổ lai hy, đang đi hết đoạn dốc cuối của đời người, thật
cảm kích. Một ngày cuối tháng giêng Tân Mão, gặp cụ bà đang nhặt gom những cành
củi khô quanh căn nhà xây nho nhỏ của mình. Qua nụ cười móm mém, cụ bà kể : “Vừa
mới giải phóng, vùng đất này ( xã Nam Hả, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng bây giờ; ngày
ấy là vùng kinh tế mới Hà Nội ) toàn cỏ tranh và bụi cây. Hồi vào đây, tôi dựng
lên một căn nhà gỗ để ở. Cách đây mấy năm, bên ủy ban xã cứ lo tôi sẽ bị gió
lạnh đêm tối nên đã xây cho tôi căn nhà xi măng mới. Coi như cuộc sống của tôi
không còn thiếu thốn gì nữa …” Căn nhà mà chính quyền xã Nam Hà, Lâm Hà, Lâm
Đồng xây cho cụ bà Hiếu nằm bên đường lộ chính gần trung tâm xã. Diện tích căn
nhà và sân vườn nhỏ gọn khoảng 50 mét vuông, tọa lạc trên khuôn viên 6 sào đất
của cụ bà đã tự nguyện hiến cho xã. Để yên tâm hơn, xã còn bố trí một hộ gia
đinh đến xây nhà ở và sản xuất bên cạnh nhà cụ bà Hiếu, hễ nghe có mệnh hệ gì
là báo ngay cho xã để kịp thời đưa cụ bà lên chăm sóc ở các cơ sở y tế gần
nhất.
Năm 2011 là tròn 35 năm, cụ bà Lê Thị Hiếu định cư nơi
vùng đất mới Nam Hà, Lâm Hà. Ngày đặt chân đến đây, cụ bà Hiếu mới là một phụ
nữ 38 tuổi, là đội viên trong đội hình lực lượng thanh niên tiền trạm từ Hà Nội
vào với sức trẻ dối dào. Nhắc lại những tháng ngày sôi động ấy, cụ bà đang nhớ
như in: “ Tôi xung phong tiền trạm đến đất kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng và
được biên chế vào Nông trường 4 cùng sinh hoạt, lao động với tập thể hơn 70
thanh niên nam, nữ. Ban ngày cầm cuốc, cầm liềm chặt phát cỏ tranh, bụi rậm, cuốc
hố trồng cây chè. Ban đêm chất củi lên đốt lừa sinh hoạt, múa hát. Với 38 tuổi,
tôi đang là trẻ khỏe lắm. Lao động suốt ngày mà không biết mệt là gì. Rồi mấy
năm nghĩa vụ thanh niên xung phong sao mà nhanh quá. Hết nghĩa vụ, tôi ở lại
sinh sống trên đất này cho đến giờ và tiếp tục ở luôn cho đến hết đời mình…” Mãn
hạn nghĩa vụ thanh niên xung phong, người phụ nữ Lê Thị Hiếu đã chạm vào tuổi
trung niên, tiếp tục khai hoang vỡ đất Nam Hà, Lâm Hà để gắn bó lâu dài. Đất
cuốc đào đến đâu thì gieo hạt chè xuống đến đó. Hết cuốc đất ban ngày đến cuốc
đất đêm tối mịt không thấy đường đi nữa mới nghỉ. Những ngày trăng sáng thì
cuốc đất từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trăng lặn mới chịu đi về. Cây chè hạt
lớn lên xanh tốt trên đất tự khai phá từng ngày, từ 01 sào đất ến 02 sào và đến
06 sào đất, khi quay lại thì tuổi phụ nữ trung niên của bà Hiếu cũng theo đó
vụt qua. Bà Hiếu chấp nhận sống vui với cuộc sống đơn thân trên mảnh vườn 6 sào đất tự khai phá từ ấy và đến giờ đã là
một cụ bà gần đất xa trời. “Đến lúc tôi thấy mình sức khỏe yếu hẳn đi là lúc biết
tuổi tôi đã bảy mươi rối. Không biết trước tôi sẽ đi theo ông bà bất cứ lúc nào.
Mà tài sản của tôi là 6 sào đất vườn khai phá từ thời còn sức trẻ để mong trồng
cây chè bán có tiền dưỡng già. Đến khi tuổi già của tôi bây giờ được hưởng trợ
cấp mất sức một triệu đồng mỗi tháng. Có người bảo tôi bán đi hết số đất 6 sào
này để lấy tiền bỏ tiết kiệm ngân hàng kiếm lãi thêm hàng tháng để mua gạo ăn,
mua thuốc uống. Tính lại tôi thấy tôi có thiếu tiền đâu mà phải bán đất. Bên
cạnh tiền trợ cấp mất sức hàng tháng còn được nhận khoản tiền hỗ trợ người neo
đơn từ huyện, từ xã cho tôi nữa. Tôi lấy tiền ăn uống, thuốc thang hàng tháng có
lúc còn chưa hết với số tiền này….”- Cụ bà Hiếu nói chuyện vẫn còn minh mẫn.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hà, Lâm Hà,
Lâm Đồng ước tính, cụ bà Lê Thị Hiếu đã hiến toàn bộ 06 sào đất nằm ở mặt tiền
đường lộ trung tâm xã Nam Hà nói trên, giá thị trường hiện tại khoảng gần một
tỷ đồng, là người hiến nhiều đất nhất ở xã. Thống kê xã Nam Hà đã có 300 hộ dân
đã hiến trên 3 ha đất để làm đường giao thông liên xã, liên thôn, liên xóm và
các công trình hạ tầng, phúc lợi khác. Hiện xã đã sử dụng một phần đất của cụ
bà Hiếu xây dựng các công trinh phụ của trường mẫu giáo xã. Thời gian tới việc
sử dụng phần đất hiến còn lại của cụ bà Hiếu sẽ tiếp tục thông qua Hội đồng
nhân dân xã Nam Hà, Lâm Hà, Lâm Đồng quyết định./.
Tháng 3/2011