Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Kỹ sư thu bạc tỷ từ chăn nuôi

VĂN VIỆT
Áp dụng kiến thức sách vở sát hợp vào thực tế chăn nuôi heo, gà theo mô hình trang trại, kỹ sư Lê Thị Thanh ở Đà Lạt đã đạt doanh thu mỗi tháng lên đến con số tỷ đồng.

Trang trại chăn nuôi heo, gà của kỹ sư Lê Thị Thanh có diện tích 3 ha, tọa lạc ở khu vực Nam Thiên thuộc Khu phố 3, phường 4, Đà Lạt, xây dựng từ năm 2003. Dù thường gặp những biến động thất thường của thị trường đầu vào - đầu ra, đến nay trang trại của kỹ sư Lê Thị Thanh luôn giữ nuôi trung bình 2 ngàn con heo ( chiếm 10% là heo nái sinh sản) và trên dưới 70 ngàn con gà đẻ. Tính trong 3 quý  1,2 và 3 của năm 2011, trang trại của chị Thanh xuất bán mỗi tháng với 2 doanh thu chính khá lớn: trên dưới 20 tấn heo và từ 1,5 triệu đến 2 triệu quả trứng gà. Cộng lại tổng doanh thu mỗi tháng ước tính bạc tỷ đồng.
 Theo lời của kỹ sư Lê Thị Thanh, để dựng nên trang trại chăn nuôi thu bạc tỷ của mình ngày nay, chị Thanh bắt đầu từ những đồng vốn nhỏ nhoi với mấy cặp heo và vài chục cặp gà. Tốt nghiệp khoa chăn nuôi thú y của Trường Đại học nông nghiệp Hà Nội vào năm 1983,  kỹ sư Lê Thị Thanh về nhận công tác ở một nông trại chăn nuôi của miền Bắc. Gần 10 năm sau, kỹ sư Lê Thị Thanh chuyển công tác vào Đà Lạt, tiếp tục vận dụng kiến thức từ nhà trường đại học vào thực tiễn vùng đất mới. Đây cũng là cơ hội để kỹ sư Lê Thị Thanh nghiên cứu, đúc kết những lợi thế phát triển chăn nuôi từ hai vùng miền khác nhau trong nước - miền Bắc và miền Nam Tây Nguyên. Cuối cùng kỹ sư Lê Thị Thanh chọn ở lại Đà Lạt- miền Nam Tây Nguyên- để gắn bó lâu dài với 2 con vật nuôi chính là heo và gà. Đầu tiên chỉ đủ khả năng nuôi quy mô nhỏ chuồng trại vài trăm mét vuông, rồi say mê vượt khó đến chục năm sau, dần phát triển lên thành hàng ngàn mét vuông. Và đến năm 2003, khi vừa huy động tạm đủ nguồn vốn, kỹ sư Lê Thị Thanh quyết định rời khỏi cơ quan nhà nước để về nhà mở rộng quy mô trang trại 3 ha nuôi heo, gà đến bây giờ.
Đáng nói trước hết ở trang trại heo, gà của kỹ sư Lê Thị Thanh là luôn luôn ngăn chặn hữu hiệu những thời điểm có vi rút dịch bệnh heo tai xanh hoặc vi rút dịch bệnh cúm gà lan rộng đến Đà Lạt. Chia sẻ kinh nghiệm này, kỹ sư Lê Thị Thanh cho biết việc áp dụng 3 phương pháp chính: Thứ nhất là trang trại xây dựng ở vị trí cách xa khu trung tâm dân cư và cách xa khu chăn nuôi khác trên dưới 2 cây số. Thứ hai là trang trại phải trang bị đầy đủ máy móc thiết bị sát trùng chuồng trại, ngày thường phải bơm thuốc sát trùng một lần; nếu một ngày có công bố dịch thì phải bơm sát trùng đến hai lần. Thứ ba là phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm chủng ngừa vắc xim cho heo, gà; không nên bỏ sót một mũi tiêm vắc xim nào, dù đó là thời điểm trên địa bàn không phát sinh hoặc không ảnh hưởng đến dịch bệnh.  
Chăn nuôi heo, gà thành công, kỹ sư Lê Thị Thanh đã còn luôn nhiệt tình tư vấn việc sử dụng thuốc thú y đối với người chăn nuôi ở Đà Lạt. Việc tư vấn bằng hai hình thức. Đó là trực tiếp bán hàng thuốc thú y tại cửa hàng riêng của chị ở đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt và kết hợp hướng dẫn việc sử dụng thuốc thú y cho người chăn nuôi. Và đó là trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm trên số máy điện thoại di động của chị theo yêu cầu của bất cứ người nào gọi đến. Thực tế trong mỗi ngày, kỹ sư Lê Thị Thanh có thể dành được khoảng thời gian quý báu của mình để tư vấn cho hàng chục người chăn nuôi trong thành phố Đà Lạt.
Trong trang trại, nếu chưa kể 10 người nhà làm việc thường xuyên thì số lao động kỹ thuật và lao động phổ thông trong và ngoài địa phương Đà Lạt đang làm việc hưởng lương lên đến 30 người, trong đó có 8 lao động tốt nghiệp hệ đại học và hệ trung cấp, không chỉ ở ngành chăn nuôi mà còn các ngành khác như kế toán tài chính, quản trị kinh doanh…Căn cứ theo doanh số lợi nhuận thu được, mỗi lao động trực tiếp và gián tiếp ở trang trại được nhận thu nhập hàng tháng từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Không tính trừ vào lương với khoản chi nuôi ăn ngày ba bữa cho tất cả lao động ở trang trại. Đặc biệt, trang trại còn xây nhiều căn phòng ở tại chỗ dành cho những lao động ở xa, cũng đều hoàn toàn miễn phí.
Ông Hoàng Văn An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phườg 4, Đà Lạt, nói về trang trại của kỹ sư Lê Thị Thanh: “Mô hinh trang trại chăn nuôi heo, gà của kỹ sư Lê Thị Thanh vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo đảm được môi trường xung quanh không bị ô nhiễm. Mỗi lần tổ chức hội nghị nông dân sản xuất giỏi ở cấp phường, cấp thành phố, kinh nghiệm chăn nuôi heo, gà của kỹ sư Lê Thị Thanh luôn được nêu gương để hội viên nông dân địa phương trao đổi, tiếp cận để phát triển hiệu quả hơn nữa về kinh tế hộ gia đình… ”
Tháng 9/2011