Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Nông dân Tân Hội “nâng cấp” rau và hoa

Vừa canh tác, vừa học kỹ thuật công nghệ cao, cả chục hộ nông dân ở xã nông thôn mới Tân Hội, Đức Trọng, đã tiên phong “nâng cấp” có kết quả 2,6 ha rau, hoa trong nhà kính, tạo ra lợi thế mới để nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích đất ở địa phương.
Vào thời điểm đầu tháng 4/2011, hộ gia đình anh Lê Văn Thu đã thu hoạch sản phẩm ớt ngọt trồng nhà kính liên tục đến tháng thứ tư. Nhưng anh Thu vẫn tham gia đều đặn các lớp học khuyến nông tổ chức từ xã đến huyện và tỉnh. Anh Thu nói: “Sau mỗi lần học lý thuyết tập trung và học thực hành ngay trong vườn nhà kính của mình là mỗi lần tìm thấy những cách thức mới hơn, hiệu quả về canh tác rau công nghệ cao… ”
Hộ anh Thu đã hơn 15 năm trồng các loại rau thương phẩm ngoài trời nhưng không phải dễ dàng khi bắt tay “nâng cấp” cây rau vào trong nhà kính. Bắt đầu từ tháng 8/2010, được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Tân Hội gặp gỡ vận động, hộ gia đình anh đã mạnh dạn phá bỏ 04 sào cà phê hơn 10 năm tuổi để lắp đặt nhà kính trồng rau. Khi đốn hạ đến những cây cà phê cuối cùng trên 4 sào đất, anh Thu nhẩm tính đã loại bỏ trên dưới 1,5 tấn cà phê nhân hàng năm. Bởi vậy, khi đặt giống rau m?i bám rễ vào đất, bài toán đầu tiên cần giải được là hoa lợi thu phải nhiều hơn hoa lợi cà phê ngay từ lứa rau đầu, từ đó mới tạo được đà phát triển cho những lứa rau về sau.
Để đạt mục tiêu đặt ra của mình, hộ gia đình anh Thu huy động nguồn vốn đầu tư để xây dựng một khu nhà kính tuân thủ đúng thiết kế kỹ thuật, phủ kín trên 4 sào đất, tổng kinh phí khoảng 270 triệu đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới của nhà nước là 50%. Bên cạnh đó là việc xây dựng hệ thống tưới nước phun khoảng hơn 10 triệu đồng nữa. Công đoạn xử lý đất đầu tiên được hộ gia đình anh Thu áp dụng đúng theo sách vở đã học. Đất phải xới lên thật tơi xốp mới bón lót với định lượng phân thích hợp, đặc biệt trong đó phải gia tăng khối lượng phân hữu cơ. 

Vào khâu xuống giống ớt ngọt cũng tiến hành bài bản theo đúng mật độ của cây trên từng mét vuông, đúng độ sâu khi cây giống cắm chân rễ xuống đất. Rồi việc phun thuốc phòng trừ dịch hại đúng thời điểm và đúng liều lượng trên từng luống cây. Lúc cây bắt đầu đâm chồi nẩy lộc là lúc chính thức 3 lao động trong hộ gia đình anh Thu gần như bắt buộc luân phiên nhau từng giờ theo dõi, chăm sóc sinh trưởng cho ớt. Khi có bất kỳ biểu hiện khác thường trên cây ớt nhà kính thì cấp báo ngay cho cán bộ nông nghiệp xã, huyện để được hướng dẫn chữa trị kịp thời. Kết quả sau 3 tháng canh tác kỹ lưỡng từng công đoạn, hộ gia đình anh Thu đã mang lại một lứa ớt ngọt nhà kính trồng “đầu tay” khá bội thu. Tính cộng sản lượng trên 4 sào ớt ngọt trong 3 tháng qua, hộ anh Thu đã thu bán được 15 tấn, trừ hết chi phí đầu tư đạt lãi hơn 40 triệu đồng. Theo anh Thu, số lãi trồng ớt này nhân lên cả năm sẽ nhiều hơn gấp 3 lần trồng cây cà phê.
Cũng trồng cây ớt ngọt nhà kính “đầu tay” đạt lãi cao ở xã Tân Hội như hộ gia đình anh Lê Văn Thu là hộ gia đình chị Phạm Thị Cường ở thôn kế bên. Với quy mô nhà kính 2,4 sào đất, chị Cường chia hai nửa- một nửa trồng cây ớt ngọt và một nửa trồng hoa cúc. Vốn là nông dân chuyên trồng cà phê, lần đầu tiếp xúc với cả hoa và ớt đã khiến cho hộ gia đình chị Cường những thời gian đầu lúng túng, trăn trở rất nhiều. 

Chị Cường kể: “Được nhà nước vận động chặt bỏ xong 2,4 sào cà phê, gia đình chúng tôi mừng nhiều và lo cũng không ít. Mừng là có nhà nước đứng bên cạnh hỗ trợ một khoản kinh phí để xây dựng cơ bản; hỗ trợ kỹ thuật ứng dụng công nghệ mới trong lứa rau, hoa đầu tiên. Lo là trình độ, khả năng của mình có nhanh được tiếp cận kiến thức khoa học để trồng thành công cây ớt, cây hoa cúc hay không… ” Mừng và lo đan xen với nhau, cuối cùng chị Cường và chồng tự bảo nhau chọn một cách là phải luôn cố gắng vượt khó hết mình. Hai vợ chồng thay nhau đi học các lớp sản xuất rau, hoa công nghệ cao từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. 
Đồng thời không ngại học hỏi kinh nghiệm thực tế từ những mô hình sản xuất rau, hoa có hiệu quả lâu năm từ các vùng rau ở Liên Nghĩa, Hiệp An trong huyện Đức Trọng và các vùng Nam Hồ, Tự Phước, Thái Phiên, Vạn Thành…của Đà Lạt. Học liên tục từ lý thuyết đến thực hành trong suốt thời gian trước, trong và bước vào thu hoạch trồng lứa mới cho đến giờ. Học, làm và bồi đắp kinh nghiệm hàng ngày, cây ớt, cây hoa đã không phụ công sức, trí tuệ của vợ chồng chị Cường đã đầu tư sau lứa đơm hoa, kết quả đầu tiên. Ước tính sau 3 tháng thu ớt và sau 2 lứa thu hoa cúc trên 2,4 sào đất, hộ chị Cường đã đạt lãi ròng trên dưới 80 triệu đồng.
Ông Nguyễn Mậu Thế, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hội cho biết thêm: Hộ gia đình chị Phạm Thị Cường và gia đình anh Lê Văn Thu là 02 trong số 16 hộ gia đình được chọn làm điểm mô hình sản xuất rau, hoa công nghệ cao trong chương trình phát triển nông thôn mới Tân Hội từ tháng 8/2010 đến nay.
Thứ Năm, 07/04/2011 (GMT+7)