Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Liên kết “một nhà” tiêu thụ rau

VĂN VIỆT

(LĐ online) - 18 hộ nhà nông ở vùng rau Thái Phiên, Đà Lạt đã liên kết thành “một nhà” sản xuất, tiêu thụ ổn định các sản phẩm rau an toàn đến các vùng thị trường rộng lớn ở miền Trung và miền Nam trong nước. Từ liên kết, những lợi thế đất đai, kinh nghiệm sản xuất… từng bước được phát huy hiệu quả.  

Việc liên kết 18 nhà nông quy mô nhỏ thành một nhà nông quy mô lớn hơn xuất phát từ sự tự thân vận động của nhà nông Mai Văn Khẩn ở Thái Phiên, Đà Lạt. Năm 2011, nhà nông Khẩn tròn 40 tuổi, cũng là lúc gần mười lăm tháng ra đời Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Thái Phiên do anh Khẩn làm tổ trưởng. Khẩn nhớ lại thời điểm cuối năm 2009 đến đầu năm 2010, những đơn đặt hàng tiêu thụ rau xanh từ hệ thống các siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh liên tục gửi đến, trong khi lượng hàng rau sản xuất của hộ gia đình Khẩn trên 4ha không đủ cung ứng. Nghĩ đây là sự tín nhiệm của những đối tác lớn đối với sản phẩm rau, củ, quả an toàn của Khẩn trong nhiều năm qua. Bởi vậy không thể bỏ lỡ cơ hội tiêu thụ rau an toàn sản xuất tập trung, Khẩn bàn bạc với một vài hộ nông dân đang canh tác rau nhà kính trong vùng rau Thái Phiên để cùng làm ăn và cùng hưởng lợi. Kết quả những chuyến hàng rau tiêu thụ đầu tiên mang lại lợi nhuận khả quan nên đã thu hút thêm nhiều hộ nông dân Thái Phiên tiếp tục cùng hợp tác với Khẩn. Và ngày 19/3/2010, UBND phường 12, Đà Lạt chính thức ra quyết định thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Thái Phiên với 13 thành viên. Mai Văn Khẩn được tất cả thành viên trong tổ giao trách nhiệm làm tổ trưởng.

Đến cuối tháng 7/2011,  Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Thái Phiên đã tăng lên 18 thành viên, sản xuất trên 10 ha rau nhà kính. Trong đó tổ trưởng Khẩn sản xuất nhiều nhất với 4 ha. Tính trung bình mỗi thành viên sản xuất 0,55ha. Quy hoạch sản xuất của tổ từ khi thành lập đến nay, rau xà lách trong nhà kính trồng theo quy trình rau an toàn với 7 ha, mỗi năm thu hoạch 9 lứa, năng suất mỗi lứa đạt trên dưới 1,2 tấn mỗi sào. Theo giá bình quân thời gian qua mỗi ký là 5.000đồng, cộng doanh thu một sào xà lách mỗi năm khoảng 54 triệu đồng. Trừ chi chí đầu tư và công lao động, mỗi năm mỗi sào xà lách của Tổ thu lãi từ 35 triệu đồng đến 40 triệu đồng.  Đồng thời với sản phẩm chủ lực xà lách, còn lại với 3ha luân canh trồng các loại rau cao cấp khác như ớt ngọt, bí ngồi, cà chua bi, bó xôi, tầng ô…  t
rong Tổ đã và đang đạt lãi trên dưới 50 triệu đồng mỗi sào một năm. Toàn bộ sản lượng các loại rau và mức giá cả đều được Tổ ký hợp đồng tiêu thụ ổn định từ các siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh ra đến các siêu thị miền Trung- từ Huế, Đà Nẵng trở vào.

Để được thị trường siêu thị nói trên chấp thuận nhận hàng theo hợp đồng, 18 thành viên nhà nông của Tổ phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn hiện hành. Trước hết là nguồn hạt giống sạch bệnh có nguồn gốc rõ ràng, đưa về gieo trong vườn ươm của thành viên trong Tổ. Sau đó theo từng thời vụ, Tổ lên lịch sản xuất đến từng diện tích đất của từng thành viên. Thời gian chăm sóc phân bón, tưới tiêu, thuốc phòng trừ dịch bệnh… được mọi thành viên trong Tổ theo dõi chặt chẽ lẫn nhau, có mời kỹ sư chuyên ngành nông nghiệp thường xuyên xuống kiểm tra. Hàng tháng đưa mẫu rau thu hoạch lên Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng kiểm nghiệm, kết quả đều đạt chất lượng sản phẩm rau an toàn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến khi thu hoạch sản phẩm đều tập trung tại một địa điểm của Tổ để đóng hàng vận chuyển đến siêu thị tiêu thụ. Tiêu thụ hàng xong, lấy tiền về giao lại cho từng thành viên trong Tổ theo từng số lượng, chủng loại rau thu hoạch, giá cả bán ra đã ấn định trước. Đó là giá thu mua từng sản phẩm rau đã tính chung vào cả cước phí vận chuyển, mỗi thành viên nhận đủ tiền tương ứng với số lượng hàng rau đã bán, không phải nộp một khoản phí hay một khoản quỹ nào cho Tổ.


Sau gần 15 tháng hoạt động, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Thái Phiên, Đà Lạt đã tiêu thụ 100% khối lượng sản phẩm rau an toàn của 18 thành viên trong Tổ; chưa có chuyến hàng nào phải bị bên siêu thị kiểm tra rồi hoàn trả lại vì thiếu chất lượng, không đẹp mẫu mã. Định hướng đi tới của Tổ là mở rộng quy mô hoạt động thành một hợp tác xã. Để đạt được, Tổ đang tiếp tục bàn bạc, trao đổi cùng với những hộ sản xuất rau an toàn trong nhà kính từ trong và ngoài vùng rau Thái Phiên, Đà Lạt, để hợp tác càng nhiều thêm số thành viên nhà nông cùng tham gia khép kín mô hình từ sản xuất đến tiêu thụ. Theo Tổ trưởng Mai Văn Khẩn, thị trường tiêu thụ rau an toàn đối với Tổ đang dự báo chiều hướng phát triển khá nhiều nhờ uy tín, chất lượng rau mỗi ngày một nâng cao năng lực cạnh tranh trên hệ thống siêu thị trong nước.

 Thứ Năm, 28/07/2011 (GMT+7)