Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Đúc chuông đồng ở Thiền viện Vạn Hạnh

VĂN VIỆT
Từ cuối tháng 02 năm 2012 đến nay, Thiền viện Vạn Hạnh Đà Lạt đã dành riêng khuôn viên cả trăm mét vuông để đắp khuôn, đào đắp hệ thống lò nung đúc 16 quả chuông đồng, mỗi quả năng từ 2 tạ đến 4 tạ. Hàng ngày có gần 10 nghệ nhân (đến từ Cơ sở đúc đồng Đắc An, Nha Trang) đã trực tiếp đúc chuông đồng qua các công đoạn gần như hoàn toàn thủ công.

Tọa lạc ở bên phải nhìn từ chánh điện Thiền viện Vạn Hạnh là một khu trại đúc chuông đồng với nhiều phần việc như nhào trộn đất sét, đắp khuôn, nấu đồng nóng chảy, chuyển chuông đúc ra khỏi lò…với gần 10 nghệ nhân miệt mài lao động. Trò chuyện bên hầm lò, một nghệ nhân ước tính các kích thước hầm lò được đào gồm chiều dài 6m, chiều rộng 2m và chiều cao 1,5m. Tùy theo thời tiết Đà Lạt- nếu trời nắng trong cả ngày có thể nung đúc xong 3 quả chuông đồng, mỗi quả nặng từ 2 tạ đến 4 tạ; còn nếu trời chỉ nắng trong 2 tiếng đồng hồ buổi sáng thì đúc thành công ít nhất là 01 quả chuông nặng khoảng 2 tạ. Mỗi quả chuông đúc ở hầm lò này có kích thước cao 1,34m, đường kính 0,7m. Mỗi lần đúc hoàn thành và gỡ ra một quả chuông ra khỏi hầm lò là mỗi lần phải đập bỏ một khuôn đất sét nhào trộn với khối lượng trên dưới 8 tạ. “Tất cả ước khoảng hơn 10 tấn đất sét, cơ sở chúng tôi phần lớn mua khai thác từ khu vực Tam Bố, Di Linh, Lâm Đồng chuyển lên; phần còn lại cũng phải khai thác rồi vận chuyển từ các khu vực đất sét trong tỉnh Khánh Hòa đưa lên đây mới đủ kịp đắp khuôn… ”- nghệ nhân này nói.
Tuy nhiên khi một khối lượng đất sét lớn đưa lên đây chỉ mới ở dạng nguyên liệu thô. Trước khi đắp thành từng thớt rồi đắp dính lại thành từng khuôn, đất sét phải trộn với nước và trấu khô, rồi dùng chân đạp cho kết dính nhuyễn vào nhau. Một lần đạp đất sét với 2 lao động phải kéo dài liên tục trên dưới 90 phút mới chuyển ra đắp lên khuôn. “Tôi trở thành thợ đắp khuôn đúc chuông đồng đã mười mấy năm. Làm quen tay lâu rồi nên làm từng thớt khuôn nào là hoàn chỉnh với từng chi tiết đến đó, không phải làm đi làm lại nhiều lần. Dù vậy, nếu trời Đà Lạt nắng giòn thì phải hơn 10 ngày mới đưa xuống lò nung được 01 “quả” khuôn… “- một nghệ nhân đang đắp khuôn bằng tay nói.
Từ một đôi tay khéo léo và thuần thục, nghệ nhân vừa nêu chỉ đắp khuôn đúc đồng với vài dụng cụ đơn giản như 01 chiếc bay với lưỡi to bằng 02 ngón tay, dài hơn 01 gang tay; 01 cây “compa” đóng bằng cây gỗ, cao hơn 1,5m, chính giữa đóng một chiếc đinh dùng làm tâm điểm để quay thành vòng tròn của khuôn…Cũng theo nghệ nhân đúc khuôn đồng này, từ khi lên chín lên mười đã biết đạp chân trộn đất sét với trấu và rồi học dần cách vốc lên từng mảng đất đắp lên thành khuôn từ người cha, người mẹ của mình. Đến nay đã thành nghề, nhưng nếu không tập trung tâm sức và kỹ thuật khi đắp khuôn sẽ dễ có những đường nét thiếu sắc sảo, dẫn đến chuông đồng đúc thành công sẽ thiếu nét đẹp hoa văn hài hòa như mong muốn ban đầu.
Việc “chế biến”  nguyên liệu đồng đầu vào ở Thiền viện Vạn Hạnh thông qua 2 nồi nấu đồng nóng chảy. Đưa 01 tấn đồng nguyên liệu thô vào 02 nồi nấu nóng chảy, 01 tiếng đồng hồ sau cho ra lò 900 ký đồng đã “luyện”. Nung đốt tiếp 2 tiếng đồng hồ nguyên liệu đồng “luyện” khi đã đổ vào khuôn sẽ cho ra những quả chuông đồng theo thiết kế sẵn. Cứ thế đến nay sau hơn 2 tháng “khai hỏa”lò đúc đồng ở Thiền viện Vạn Hạnh Đà Lạt, Cơ sở đã đúc hoàn thành 8 quả chuông gồm 3 quả nặng 400 ký và 5 quả chuông nặng 200 ký.
Đại đức Thích Linh Toàn ở Thiền viện Vạn Hạnh Đà Lạt cho biết: Tổng kinh phí do Phật tử, Tăng ni trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng đóng góp, khoán gọn cho Cơ sở đúc đồng Đắc An, Nha Trang, Khánh Hòa là 01 tỷ đồng, đúc thành 16 quả chuông. Với thời tiết Đà Lạt và tiến độ đúc đồng dự kiến đến khoảng giữa tháng 6/2012, quả chuông thứ 16 sẽ được chuyển ra khỏi lò nghiệm thu, sau đó phân bổ ở các chùa trong tỉnh Lâm Đồng và các chùa ở các tỉnh Đắc Lắc, Quảng Ngãi, Quảng Trị. Việc đúc chuông đồng thành công ở Thiền viện Vạn Hạnh năm 2012 còn có ý nghĩa gợi mở khả năng hình thành nghề đúc đồng mới ở phố núi Đà Lạt./.
Tháng 8/2012