Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Để đạt 12.500 ha rau an toàn vào năm 2020

VĂN VIỆT
Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng và các cấp, ngành liên quan phải tích cực triển khai nhiều giải pháp để đạt mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất rau an toàn đến năm 2020 với 12.500ha, tập trung ở các địa bàn được bảo hộ “nhãn hiệu rau Đà Lạt” gồm Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, đến nay tổng diện tích gieo trồng rau các loại đạt gần 48.800ha, tổng sản lượng thu hoạch đạt trên dưới 1,5 triệu tấn/năm. So với trong vòng 3 năm qua, diện tích trồng rau các loại tăng gần 5.600ha, sản lượng tăng thêm khoảng 250 ngàn tấn. Ước tính hàng năm tổng sản phẩm rau mang nhãn hiệu Đà Lạt (gọi tắt là rau Đà Lạt) tiêu thụ ở thị trường trong nước chiếm từ 80 - 90%; còn lại 10 - 20% là đạt yêu cầu chất lượng tiêu thụ xuất khẩu. Với diện tích trồng rau đạt tiêu chuẩn an toàn hiện có khoảng 7.334ha, mới chiếm hơn 6,6% trên tổng diện tích rau các loại, còn thấp so với dự báo nhu cầu tiêu thụ rau Đà Lạt ngày càng tăng đối với thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là khối lượng rau tiêu thụ đến các hệ thống siêu thị.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nông nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng cho rằng, tỷ lệ từ 80-90% sản lượng rau Đà Lạt tiêu thụ ở thị trường trong nước đang rất “tiềm năng”, nhưng “nguồn cung” như vậy vẫn còn “khiêm tốn”, chưa tạo ra được sự đột phá về giá bán ra; còn với tỷ lệ 10 - 20% rau xuất ra nước ngoài bằng đường biển dài ngày đến các nước khu vực Đông Nam Á, châu Á đến châu Âu với công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn thô sơ, chủ yếu làm lạnh trước khi vận chuyển, dẫn đến tỷ lệ rau hư hỏng bị đối tác loại ra có lúc chiếm đến 30-40%. Một trong những giải pháp khắc phục những hạn chế này là đến năm 2020 trên vùng rau Lâm Đồng phải xây dựng, đưa vào sử dụng hơn 60 khu nhà tập kết, sơ chế rau sau thu hoạch, quy chuẩn diện tích mỗi khu nhà khoảng 500m2. Đồng thời phải đạt từ 50% trở lên cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn áp dụng có hiệu quả các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế ISO - HACCP.
Nhưng giải pháp mang tính quyết định cho chất lượng sản phẩm là thường xuyên đầu tư công nghệ mới vào vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Trong đó, chọn những giải pháp kỹ thuật hiệu quả từ công đoạn chọn đất, chọn giống đến quá trình chăm sóc, thu hoạch. Đáng lưu ý trong quá trình chăm sóc phải thực hành phòng trừ sâu bệnh triệt để ngay từ khi xuống giống và bắt đầu phát triển cây con, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân tủ theo nguyên tắc “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách, phun thuốc trước khi thu hoạch trên dưới 10 ngày…  
Với mục tiêu ổn định và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm rau an toàn trên 12.500ha ở Lâm Đồng, luôn đặt ra trong các mối liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) phải dựa trên các nguyên tắc như xuyên suốt từ sản xuất đến tiêu thụ, giảm bớt khâu trung gian, xác định và thực thi đầy đủ trách nhiệm của từng “nhà”. Đặc biệt, vai trò của nhà nước quan tâm hơn nữa về giải quyết các nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân phát triển diện tích rau an toàn, có thể trợ giá tiền mua giống cho hộ sản xuất rau an toàn công nghệ cao từ 50% trở lên; hỗ trợ 10% kinh phí xây dựng hệ thống tưới tự động; tổ chức xây dựng 3 mô hình điểm về liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giữa “4 nhà”, ở mỗi xã với diện tích 40ha, gồm xã Xuân Thọ (Đà Lạt), xã Liên Hiệp (Đức Trọng) và xã Lạc Xuân (Đơn Dương)…

Để triển khai có kết quả những giải pháp nêu trên, ngay từ bây giờ, Lâm Đồng cần bắt tay vào nâng cấp, xây dựng mới 3 lĩnh vực trọng yếu cho nhu cầu phát triển rau an toàn là giao thông, thuỷ lợi và điện. Cụ thể, phải nhựa hoá, bê tông hoá với mặt đường rộng ít nhất 3,5m nối từ các trục giao thông chính về các vùng sản xuất rau an toàn tập trung; và mặt đường rộng từ 1,5- 2,5m nối liền những đường nhánh nối tiếp đến từng thửa rau. Với điện lưới sẽ xây dựng các trạm biến áp có công suất phù hợp với từng khu vực sản xuất; với thuỷ lợi phải chủ động đảm bảo nước tưới hàng năm trên 100% diện tích, trong đó xây dựng mới nhiều hệ thống nước ngầm (giếng khoan, máy bơm, bể chứa nước...) đối với những vùng sản xuất rau an toàn thiếu nguồn nước mặt…
 Thứ Năm, 02/05/2013 (GMT+7)