Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Mô hình “đề kháng” cho cây ca cao Lâm Đồng

VĂN VIỆT
Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đang triển khai các mô hình thử nghiệm tăng “đề kháng” đối với các loại bệnh xuất hiện phổ biến trên cây ca cao ở các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên và sẽ chuyển giao rộng rãi cho nông dân vào năm tới.
Kỹ sư Phạm Ngọc Toản, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết:  Qua giữa tháng 10/2012, Chi cục đã hoàn thành cơ bản các bước điều tra về hiện trạng canh tác ca cao của nông dân 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Tổng hợp số liệu diện tích trồng ca cao của 3 huyện phía Nam Lâm Đồng đến nay là 1.646 ha, trong đó chủ yếu gồm diện tích đang chăm sóc trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và giai đoạn bắt đầu kinh doanh. Chi cục đã hoàn thành việc điều tra trực tiếp với nông dân qua 60 phiếu “phát ra, thu vào”, chia đều cho 3 nhóm vườn ca cao có năng suất cao, năng suất trung bình và năng suất thấp, thể hiện các chỉ tiêu cụ thể về giống, phân bón, tỉa cành, trồng cây che bóng mát, quản lý dịch hại… Kết quả, Chi cục đã xác định các loại bệnh gây hại tập trung nhiều nhất trên cây ca cao ở 3 huyện phía Nam Lâm Đồng gồm bọ xít muỗi, rệp sáp, nấm hồng, khô trái, thối trái…

“Nguyên nhân gây bệnh trên cây ca cao Lâm Đồng do đây vẫn là cây trồng mới, nông dân chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ về các phương pháp khoa học kỹ thuật xuống giống trồng, kỹ thuật canh tác. Cụ thể là phần lớn diện tích ca cao vẫn chăm sóc với chế độ bón phân không cân đối, chế độ phòng trừ sâu bệnh gây hại chỉ mang tính đơn lẻ, tự phát, còn thiếu quá nhiều cây trồng che bóng, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao…” - kỹ sư Toản nói. Bởi vậy, việc xây dựng các mô hình điểm nhằm khắc phục tình trạng trên, làm cơ sở đối chứng, tiến đến hoàn thiện quy trình phòng trừ tổng hợp trên cây ca cao. Tính đến ngày 18/10/2012, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đang “khởi động” 2 mô hình điểm tại xã Đạ Oai và thị trấn Madaguôi của huyện Đạ Huoai, mỗi mô hình có diện tích 2.000m2, đang nằm trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và kinh doanh.

Theo quy trình, đến hết năm 2012, cả 2 mô hình ca cao sẽ thực hiện xong việc tỉa cành, làm cỏ, bón phân, trồng cây che bóng theo kỹ thuật mới. Đồng thời áp dụng các phương pháp điều tra, phân loại các thành phần sâu bệnh gây hại như tỷ lệ, chỉ số các loại bệnh thối trái, loét thân, vệt sọc đen, rệp sáp, sâu hồng, bọ xít muỗi; các số liệu về mật độ sùng trắng, mật độ mối đục thân cây, số trái đề kháng được sâu bệnh, sinh trưởng bình thường trên cây, đạt năng suất thực thu…
Thời gian từ tháng 1/2013 đến hết tháng 5/2013, Chi cục tiến hành thử nghiệm và lần lượt xác định hiệu lực của từng loại thuốc phòng trừ các bệnh gồm bệnh thối trái, thối thân, bệnh sùng trắng, bệnh nấm hồng, bệnh do bọ xít muỗi gây hại, bệnh phòng trừ rệp sáp. Bên cạnh đó, hoàn thiện các biện pháp sinh học để phòng trừ bệnh cho ca cao như: cắt cành đốt để diệt sâu gây hại bên trong thân cây; nuôi kiến đen để diệt trừ bọ xít muỗi; hái ngay trái bị sâu bệnh đem chôn để tránh phát tán của gió, làm bệnh lây lan; tỉa bỏ cành cách nơi có triệu chứng bệnh sọc đen khoảng 30cm tính từ phía gốc cây; tỉa cành tạo thông thoáng, giảm độ ẩm dưới tán lá trong vùng thân, cành đang mang trái…
Được biết đề tài “đề kháng” bảo vệ cây ca cao sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao của Lâm Đồng do Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng triển khai, sẽ báo cáo thông qua Hội đồng khoa học cấp cơ sở nghiệm thu chính thức vào tháng 6/2013. Trước đó khoảng một tháng, Chi cục BVTV tổ chức hội thảo đầu bờ, tập huấn thực hành quy trình kỹ thuật “đề kháng” khi trồng, chăm sóc cây ca cao cho khoảng 200 hộ nông dân ở 3 huyện phía Nam. Và dự kiến đến cuối năm 2013, toàn bộ hộ nông dân trồng ca cao đều được Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng chuyển giao trực tiếp mô hình “đề kháng” mới này.

Chủ Nhật, 28/10/2012 (GMT+7)