Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Lại một mùa hồng vắng vẻ

VĂN VIỆT
Đã gần nửa tháng vào vụ thu mới, vùng nguyên liệu hồng ăn trái với hơn mười sáu héc ta dưới chân đèo Prenn Đà Lạt vẫn vắng vẻ người mua và người bán. Loại trái cây vừa được công nhận ngon nhất Việt Nam này như chưa có tác động nào đối với người tiêu dùng.

Khu phố Prenn nay là Tổ dân phố 19, phường 3, Đà Lạt, là một vùng đất trồng hồng ăn trái trên dưới nửa thế kỷ qua. Tổ trưởng Tổ Dân phố này, ông Nguyễn Văn Lượm cũng là một nhà nông trồng hồng ăn trái đã hơn 30 năm, nói rằng đã có một thời Đà Lạt với cây hồng ăn trái bản địa rất được hút hàng mạnh mẽ với khách hàng trong và ngoài nước. Vào vụ thu hoạch rộ bắt đầu từ giữa tháng 8 đến khoảng giữa tháng 11 hàng năm, thương lái và khách du lịch khắp nơi chen chân đến từng vườn hộ gia đình để cạnh tranh giá mua. Đến đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, nông dân Prenn đồng loạt cải tạo từ những vườn hồng gieo hạt trở thành những vườn hồng ghép, năng suất tăng nhanh và chất lượng trái theo đó được giòn, thơm, dẻo khá đặc biệt hơn, từ đó đã khai sinh với các tên hồng mới như hồng trứng, hồng vuông đồng, hồng nước hai da…Tổng diện tích hồng chuyên canh bấy giờ ước khoảng 60-70 ha. “Ở khu vực Prenn của cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt, có khoảng 60 hộ gia đình, mỗi hộ gia đình trồng trung bình trên dưới 01 ha hồng ăn trái từ thập niên 80 đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, hàng năm thu hoạch bán ra đạt thu nhập cao, tích lũy thuộc hàng khá giả…”- Tổ trưởng Nguyễn Văn Lượm nói.
Tuy nhiên những năm hồng ăn trái đạt giá bán ra mỗi ký từ 20 ngàn đồng - 30 ngàn đồng đã chấm dứt từ 10 năm về trước; từ 10 năm về sau này, giá liên tục “bắt đáy” giảm xuống đến 10 lần. Những vườn hồng nổi tiếng một thời ở chân đèo Prenn với nhiều héc ta chuyên canh giống hồng nước hai da ghép mới, vừa bán trái tươi vừa bán trái sấy khô đắt hàng tại vườn một thời, nay rồi cũng dần dần lâm cảnh vắng vẻ người mua, nên thay vì tập trung đầu tư thâm canh thì đã gần như để sinh sống tự nhiên giữa thời tiết mưa, nắng quanh năm. Rồi qua quy hoạch sử dụng đất mới cách đây vài năm, trong tổng số 32ha hồng ăn trái lâu năm sau khi phá bỏ gần 16ha để hình thành sân golf, còn lại đến nay với diện tích 16 ha cây hồng ở khu Prenn phường 3, Đà Lạt này chỉ là cây “kinh tế phụ”  gia  đình. Tính riêng hộ gia đình của ông Tổ trưởng Dân phố Prenn, Nguyễn Văn Lượm với 7 sào trồng cây hồng đã hơn 30 năm, vào đầu vụ thu năm 2012 chỉ bán hết thảy được 20triệu đồng, cao hơn năm ngoái…04 triệu đồng. Nhưng để bán được với giá “rẻ như cho” này, ông Lượm đã phải tranh thủ gọi mời nhiều mối quen biết bạn hàng từ trong và ngoài thành phố Đà Lạt.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Lượm, liên tục suốt 10 năm trở lại đây, việc bán hồng sỉ tại vườn ở khu Prenn -Tổ Dân phố 19, phường 3, Đà Lạt chỉ nằm với mức giá từ 2- 3 ngàn đồng mỗi ký. Vào đầu vụ giữa tháng 8 năm 2012, nhà nông hái hồng đưa ra bán dọc đường đèo Prenn ( đèo mới và đèo cũ ) với giá chạm đỉnh được 18 ngàn đồng mỗi ký. Nhưng giá này chỉ giữ được tuần lễ đầu, sang tuần lễ thứ hai đến hết tháng 8/2012 chỉ dao động ở mức 10- 15 ngàn đồng mỗi ký mà đang có chiều hướng thưa thớt người mua. Đây là những trái hồng chọn hái đẹp nhất từ trên cây xuống, chứ vào tận vườn cân mua “đổ đồng” vẫn chỉ là mức giá mua- bán 2- 3 ngàn đồng mỗi ký như vừa nêu. Trong khí đó, năng suất hồng hiện tại đạt rất thấp, số cây thu đạt 01 tạ trái chiếm rất ít; còn lại chỉ hái được vài chục ký trên mỗi cây. Nguyên do là cây hồng trồng chủ yếu xen canh để “che nắng, che gió” và hấp thụ được phần nào lượng phân bón, nước tưới chảy tràn ra ngoài từ các loài cây chính là cà phê và các loài cây rau, cây màu khác. Ở khu Prenn hiện đang duy trì trên dưới 10 lò sấy hồng khô quy mô hộ gia đình. Những trái hồng quá lứa không bán được, đưa về từng lò chế biến khô rồi tìm mối bạn hàng ở chợ Đà Lạt để tiêu thụ, nhưng số lượng cũng không đáng kể. Cứ trung bình 05 ký hồng tươi mới chế biến thành 01 ký hồng khô. Giá bán mỗi ký hồng khô tùy loại trong 10 năm qua vẫn dừng lại ở mức từ 30 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng.
        Tổ trưởng Tổ Dân phố 19, Nguyễn Văn Lượm cho biết thêm: Thời kỳ bán gặp giá cao, cây hồng ở khu Prenn được nông dân chăm sóc kỹ lưỡng, trồng chuyên canh đạt năng suất mỗi cây có  thể từ 2- 3 tạ quả ( 01 ha trồng đúng quy cách được 300 cây), thu đạt lợi nhuận mỗi ha hàng năm lên đến hàng trăm triệu đồng. nếu phục hồi được mức giá này, khả năng nông dân khu Prenn, Đà Lạt sẽ chuyển đổi trồng mới lên thành 70 ha. Thiết nghĩ, đây là “con số hy vọng” mà sẽ trở thành hiện thực hay không còn tùy thuộc rất lớn vào việc quảng bá, xúc tiến thương mại của các cơ quan nhà  nước để đưa trái hồng Đà Lạt- trái cây ngon nhất của Việt Nam đến rộng rãi với người tiêu dùng ở những khu thương mại lớn ở trong và ngoài nước./.  
Tháng 8/2012