Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Khởi sắc đường tơ Cổng Trời

Phóng sự VĂN VIỆT
Cũng đã mấy năm tiếp cận với nghiệp tằm tang, đồng bào thiểu số khu vực buôn Cổng Trời thuộc xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng đã luôn nhẫn nại vượt qua khó khăn, bỡ ngỡ, tạo dựng nên những vườn dâu tươi tốt, nuôi từng nong tằm tròn đầy để rút ruột nhả ra những đường tơ khởi sắc trên thương trường.

ẤP IU TỪ LÚC ẤU TRÙNG
Những ngày cận tết Tân Mão, người đàn bà ngũ tuần, Ka Só quyết định ở lại vườn rẫy cả ngày đêm để coi sóc mấy nong tằm đang tuổi ấu trùng. Vườn rẫy của Ka Só trồng 4 sào dâu xen canh với 1 ha cà phê, trên đó dựng lán trại nhỏ để nuôi tằm, cách nhà ở bên khu vực Cổng Trời mấy giờ đồng hồ đi bộ. Ngơi tay hái dâu giữa lưng chừng đồi, Ka Só bảo :  “ Tằm con đang nuôi trong trại mới nở ra hơn 7 ngày, phải che mùng và đóng kín cửa cho tằm ngủ. Không có mùng bao lại, con ruồi, con muỗi, con cào cào, châu chấu…sẽ bay nhảy vào nong cắn tằm con chết mất… ” Mới hay Ka Só đã ba năm không nghỉ cùng chồng, con cùng ăn, cùng ngủ, cùng lo lắng, hồi hộp chờ đợi bên những nong tằm từ lúc mới nở bằng đầu tăm đến lúc kéo thành những tổ kén bán lấy tiền. Đều đặn nuôi tằm ở nhà và nuôi tằm ở rẫy, mỗi tháng mỗi lứa kén bán ra lãi được đôi, ba triệu đồng dùng chi phí ăn uống, sinh hoạt cho cả nhà. Qua thời gian, vườn dâu của Ka Só cũng đã thành thục được cách chăm sóc cho cây ra lá nhiều hơn, tốt hơn, hái cho tằm ăn để kéo được nhiều kén trắng đẹp hơn. Giống dâu mới ở nước ngoài nhập về, gia đình Ka Só đã tiếp thu nhanh cách trồng, cách chăm sóc phù hợp, lá dâu thu hoạch to bằng bàn tay xòe, trải lên nong, tằm ăn rào rào trông vui mắt. “Với lứa kén tết năm nay, gia đình tôi nuôi một lạng tằm con. Nuôi chừng tuần sau, một lạng tằm con lớn lên, chia đều trên mười nong tằm. Lúc ăn rỗi cứ 15- 20 phút, mười nong tằm  ăn hết một bao lá dâu giống mới ( từ 15 đến 20 ký). Tôi và người con gái mười bảy tuổi hái dâu suốt cả ngày mới đủ cho tằm ăn”- Ka Só cho biết. Thuận lợi là nuôi tằm ngay tại vườn dâu nên dù có tất bật mấy, Ka Só cũng luôn trải đều dâu tươi cho tằm ăn no, kéo những tổ kén được người mua ưa chuộng. Ka Só coi như hàng năm cây dâu, con tằm là nuôi cuộc sống ăn mặc, sinh hoạt của gia đình; còn cây cà phê là để nuôi cho những dự định xây dựng nhà cửa, sắm sửa những vật dụng, tiện nghi có giá trị.
Từ vườn dâu Ka Só, qua hết quả đồi liền kế là vườn dâu của Ha Long dưới chân Cổng Trời. Ha Long, người đàn ông chạm ngưỡng tứ tuần, là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Cổng Trời, xã Mê Linh. Là Chi hội trưởng nông dân, được chọn làm điểm trồng dâu và nuôi tằm cho cả thôn trong mấy năm qua, Ha Long mau mắn chuyển đổi 02 sào trồng bắp, đậu phộng ở ven thung lũng Cổng Trời sang trồng cây dâu năng suất cao. Toàn bộ cây giống dâu do Trung tâm Nông nghiệp huyện Lâm Hà hỗ trợ. Hàng ngày theo sát vườn dâu, từ lúc mầm dâu vừa nhú lên đến lúc vươn cành tỏa lá, Ha Long đúc kết từng kinh nghiệm một để hướng dẫn lại cho dân làng trong bản. Kết quả năm 2010 đã qua, gia đình Ha Long đã trồng và thu hoạch ổn định trên 2 sào dâu giống mới. Và vào năm mới 2011, Ha Long vừa trồng xong 1 sào dâu giống mới nữa. Làm theo Chi hội trưởng Ha Long, cả thôn Cổng Trời đã có 4 hộ đồng bào thiểu số trồng năm, ba sào dâu, nuôi gần một lạng tằm ấu trùng ổn định thu nhập ban đầu mỗi hộ từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng mỗi tháng. Ha Long nói về thời điểm hái dâu cho tằm ăn hấp thụ dinh dưỡng nhanh, phòng chống bệnh tật hiệu quả là : “ Không cho tằm ăn từ mờ sáng vì sương còn ướt lá dâu. Gặp trời mưa dầm cả ngày, gom hết lá dâu vào trong nhà sấy khô từ những cây quạt điện trước khi phả đều trên nong cho tằm ăn…  ”
ĐỜI TẰM, ĐƯỜNG TƠ
Cây dâu, con tằm khởi sắc ở vùng đồng bào thiểu số xã Mê Linh, Lâm Hà từ thôn ( buôn) Cổng Trời đến các thôn ( buôn ) xung quanh như Hang Hớt, Buôn Chuối, Thực Nghiệm, thống kê có 22 hộ trồng trên 14 ha dâu để nuôi tằm, trung bình mỗi hộ thu nhập như mặt bằng thu nhập chung ở thôn Cổng Trời- từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Nhưng có được bước đi khởi sắc như vậy, bà con thiểu số xã Mê Linh đã vượt lên sau những lần hư hại tằm, dâu tưởng chừng như bỏ cuộc. Già làng Lơ Mu Ha Lưng ở buôn Hang Hớt kể lại : “ Mấy tháng đầu đưa tằm về buôn, một vài hộ gia đình đã nuôi liến mấy nong tằm bị chết. Tằm chết vì ruổi, muỗi vào nhà bâu cắn; vì không che gió lạnh; chết vì cho ăn dâu chưa đủ no...
May là…”Ka Binh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hang Hớt tiếp lời già làng: “May là dân làng đã kịp báo cho khuyến nông xã, huyện xuống nơi để ngăn chặn bệnh tật cho tằm, khoông để lây lan cái chết của tằm. Bị chết mấy nong tằm nuôi lần đầu, qua cán bộ khuyến nông, bà con mới biết lỗi do mình chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, chưa đúng quy trình…”
Biết rút ra những bài học kinh nghiệm như vậy, tuy nhiên để bà con thôn Hang Hớt nói riêng và các buôn làng trong xã Mê Linh, Lâm Hà nói chung an tâm không sợ nuôi tằm chết nữa, già làng Ha Lưng và Chi hội trưởng Phụ nữ thôn, Ka Binh hàng ngày đặt chân xuống từng hộ nuôi vận động làm đúng theo cách thức chỉ dẫn của khuyến nông. Riêng Chi hội trưởng Ka Binh thì vừa vận động người khác tiếp tục nuôi tằm vừa tự mình nuôi tằm trong nhà. Bắt chồng ở buôn từ sáu năm trước, Ka Binh được cha mẹ cho 2 sào đất trồng hoa màu. Khi chương trình khôi phục đồng dâu, con tằm về buôn, trên 2 sào đất này, Ka Binh đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây dâu. Tuổi trẻ với tinh thần không ngại khó, Ka Binh đã nắm bắt nhanh cách thức trồng dâu, nuôi tằm; những biểu hiện không bình thường về lá dâu, con tằm mỗi giờ phút là mỗi suy nghĩ tìm ra ngay cách khắc phục. Năm 2010, Ka Binh giành thời gian nuôi được 4 lứa tằm, mỗi lứa nửa lạng tằm giống, thu hơn 20 ký kén. Tằm nuôi cách vườn dâu chỉ hơn 500 mét, ngày ngày dâu xanh lá, tằm lớn nhanh. Kén tằm của Ka Binh đạt yêu cầu nên thường được thương lái đến hỏi mua trước khi xuất bán mấy ngày. 
Lại hỏi những yếu tố để cho ra sản phẩm kén tằm đạt giá trị cạnh tranh bán ra, Ka Binh nói rằng điều này Ka Binh thường nói với bà con hãy liên hệ khi dâu cho lá tốt thì tằm sẽ ăn vào nhả những đường tơ tốt. Vòng đời mỗi con tằm được nuôi chỉ có hơn một tháng từ khi mới là ấu trùng đến khi thành con tằm to bằng ngón tay cái khoanh tròn trong tổ kén. Nhưng khi kén kéo thành đường tơ, dệt thành tấm áo đem ra đến thương trường là một quãng đường dài. Nếu giống tằm không tốt, dâu không tốt, người nuôi chưa tốt về kỹ thuật thì sản phẩm kén bán ra sẽ chất lượng không tốt, ảnh hưởng đến uy tín và sự  đi lên của cả vùng dâu tằm địa phương.   
  Trở về vùng trồng dâu nuôi tằm ở xã Mê Linh, Lâm Hà đã phát triển hàng trăm ha trong cuối những năm chín mươi của thế kỷ trước. Và rồi sự khủng hoảng  chung của nghiệp tằm tang đã khiến cho cây dâu tằm ở Mê Linh gần như phá bỏ hết diện tích, mãi đến đôi, ba năm gần đây mới khôi phục từng bước một do giá kén của thị trường tăng cao. Bên cạnh người kinh trở lại nghề trồng dâu nuôi tằm đã quen thuộc trước đây, người đồng bào dân tộc thiểu số Mê Linh ban đầu được thí điểm tiếp cận nghề nuôi tằm từ 7 hộ gia đình ở khu vực Cổng Trời. Đến nay đã nhân rộng thành 22 hộ gia đình ổn định thu nhập từ nghề dâu tằm như đã nói ở trên. 
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh, ông Ha K’Lê, đồng bào thiểu số ở xã Mê Linh dù có lúng túng những ngày đầu nhưng khi đã áp dụng được kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm có lợi nhuận thì bà con rất mong muốn được ngày càng mở rộng đến những hộ gia đình tiếp theo trong buôn. Vậy ngành nông nghiệp huyện Lâm Hà và chính quyền xã Mê Linh đi vào chương trình hành động năm mới 2011 nên quy hoạch mới những diện tích dâu cần khôi phục, tranh thủ những nguồn vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ để tạo nghề tằm tang được phổ biến nhiều thêm nữa đối với đồng  bào dân tộc thiểu số địa phương. Thiết nghỉ đây cũng là hình thức tạo nghề thiết thực nhất cho đồng bào thiểu số ở buôn làng vùng sâu, xa của tỉnh Lâm Đồng./.     
    Tết Tân Mão 2011