VĂN VIỆT
Sau một năm đồng loạt ra quân trồng mới
cây xanh trên diện rộng từ phố đến làng, huyện Đức Trọng đã hình thành những
cung đường xanh, những vành đai xanh, những không gian xanh…tỏa bóng mát điều
hòa cho môi trường.
Năm 2010, huyện Đức Trọng chính thức triển khai trồng
cây xanh các loại trên diện rộng thay vì những năm trước đó chỉ trồng cục bộ một
số khu vực. Bắt đầu từ tháng 3/2010, được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp kinh phí hơn
140 triệu đồng, UBND huyện Đức Trọng chọn mua 9.334 cây xanh giống từ các vườn
ươm có chất lượng trong huyện, gồm các loại giống cây bằng lăng, hoa ban, sao,
ngân hoa, xà cừ…
Tất cà cây giống đều đưa về tập trung một đầu mối cấp phát là
Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng. Căn cứ theo nhu cầu, khả năng trồng và chăm sóc
cây xanh của từng hộ gia đình, từng cơ quan, đơn vị và từng địa bàn dân cư, Hạt
tiến hành cấp phát cây giống cho người trồng và đồng thời nhận lại những bản
cam kết để theo dõi, áp dụng những hình thức kiểm tra, quản lý phù hợp. Công sở
được nhận cây ít nhất là 5 cây. Nhiều đơn vị như quân đội, trường học, sân bay,
khuôn viên trụ sở xã…được cấp phát trồng từ 200 cây đến 800 cây. Đặc biệt có
một hộ gia đình ở xã Hiệp An trồng 350 cây xanh chắn gió cho khu vườn cà phê
nhiều ha của mình. Đáng kể Hạt còn cấp phát gần 5.100 cây xanh các loại để các
xã triền khai trồng nối liền hai bên đường thuộc chiều dài 15 cây số dọc theo
Quốc lộ 20, từ địa bàn xã Ninh Gia đến xã Hiệp An. Ngoài ra trên Quốc lộ 27 đi
qua các địa bàn xã Tân Hội, Liên Hiệp, Bình Thạnh; trên các khu vực đô thị ở
thị trấn Liên Nghĩa, Công ty Công trình đô thị Đức Trọng đã triển khai trồng
hàng ngàn cây xanh khác trong cùng thời điểm này.
Kỹ thuật xuống giống cây xanh được cán bộ kiểm lâm và
cán bộ nông nghiệp huyện Đức Trọng xuống tận nơi trực tiếp hướng dẫn cho người
trồng, tùy theo vị trí đất, không gian đất, mỗi hố đào với bề mặt hình vuông,
mỗi cạnh dài 40 phân; chiều sâu hố đào từ 0,5 mét trở lên. Khoảng cách giữa cây
với cây từ nửa mét đến một mét. Trồng đạt yêu cầu sẽ được Hạt và Phòng Nông
nghiệp huyện Đức Trọng lập biên bản nghiệm thu và bàn giao việc trực tiếp chăm sóc
tiếp theo. Bên cạnh đó yêu cầu bắt buộc đối với bên trồng cây mới phải đạt tỉ
lệ cây sống từ 85% trở lên. Nếu trồng năm đầu mà tỉ lệ cây chết quá 15% thì
người phải có trách nhiệm mua cây giống mới để trồng lại.
Ông Lương Ngọc Phương, Kiểm lâm viên phụ trách công
tác Quản lý bảo vệ rừng địa bàn huyện Đức Trọng, cho biết thêm: Đồng thời với
việc trồng cây xanh trên diện rộng địa bàn trong huyện nói trên, Hạt Kiểm lâm huyện
Đức Trọng còn trực tiếp tổ chức cho các tổ chức, cá nhân trồng phủ xanh đất
trống đồi trọc ở các địa bàn vùng xa của huyện với 140 ngàn cây thông và cây
keo lá tràm, tổng kinh phí được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp khoảng 100 triệu đồng. Giống
cây được mua từ một đơn vị sản xuất giống lâm nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, đưa về
một vườn ươm do Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng hợp đồng xây dựng cùng với một chủ hộ gia đình có nhiều kinh
nghiệm lâu năm vể sản xuất cây lâm nghiệp. Cũng với quy trình kiểm tra trước,
trong và sau khi trồng rừng về thực địa, kỹ thuật xuống giống và kỹ thuật chăm
sóc, cán bộ kiểm lâm từ Hạt và cán bộ
kiểm lâm địa bàn, đã phối hợp hướng dẫn từng hộ gia đình từ tháng 7/2010 đến
tháng 8/2010 trồng xong cây keo lá tràm và cây thông trên gần 70 ha đất trống
này, thuộc các địa bàn rừng xã Tà Năng, xã N’Thol Hạ. Hơn 20 hộ gia đình được
nhận giống cây trồng toàn bộ diện tích rừng này với mật độ trồng từ 1.500 cây trên
mỗi ha trở lên. Bên cạnh đó là các đơn vị công an, quân đội đã nhận trồng và
trồng hoàn thành trên 10 ha rừng cũng thuộc địa bàn xã Tà Năng và xã N’Thol Hạ
của huyện. Chưa kể qua sự vận động của Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng cùng các cơ
quan chức năng khác của huyện, đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân đang nhận
quản lý, bảo vệ rừng; thuê đất làm du lịch trên địa bàn, tự huy động nguồn vốn
của mình, tiến hành trồng mới hơn 100 ha rừng keo và rừng thông mới. Như một
doanh nghiệp tư nhân ở xã Hiệp An trồng mới 40 ha rừng; một công ty tư nhân làm
du lịch cũng ở địa bàn xã này đã trồng mới hơn 10 ngàn cây thông phủ xanh trên
những khu vực đất trống trong khu du lịch.
Đánh giá chung cho biết, tỉ lệ cây xanh từ các cơ
quan, đơn vị, trường học, các khu vực công cộng và những khu rừng trồng mới
trong năm 2010 trên địa bàn huyện Đức Trọng đều đạt tỉ lệ cây sống và phát
triển tốt từ 85% trở lên. Từ kinh nghiệm triển khai hiệu quả trồng cây xanh diện
rộng trong năm qua, huyện Đức Trọng tiếp tục triển khai trồng cây phủ xanh mới
với những phương pháp, cách thức đồng bộ, hiệu quả hơn. Được biết, kế hoạch
triển khai trồng cây xanh mới trong năm 2011 của huyện Đức Trọng đã được UBND
tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, sẽ triển khai đồng loạt vào tháng 5 tới, tổng số cây
xanh được trồng mới là 11.400 cây ( các loại cây giống xà cừ, ngân hoa, sao,
hoa ban…) và 312 ngàn cây rừng trồng trên 207 ha ( các loại giống cây thông ba
lá, muồng, keo lai…)./.
Tháng 3/2011