Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Chủ động nguồn nguyên liệu atisô để chế biến

VĂN VIỆT
Trong khi hàng loạt diện tích atisô Đà Lạt liên tục bị phá bỏ, chuyển sang trồng các loại hoa cắt cành nhà kính, Công ty TNHH Vĩnh Tiến, Đà Lạt đã chủ động nghiên cứu, sản xuất, trồng thành công giống cấy mô atisô mới, không chỉ mở hướng sản xuất, chủ động trước nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế biến những dòng sản phẩm atisô đang ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước, mà còn trồng trình diễn cho nông dân Đà Lạt đến tìm hiểu, tham khảo.
Đến gần giữa tháng 7/2012, diện tích atisô “trồng mới trên đất cũ” ở vùng Thái Phiên (vùng chuyên canh atisô ở Đà Lạt) đã tiếp tục giảm hơn 10 ha. Ước hiện tại cây atisô ở đây chỉ nẩy mầm cho niên vụ 2012-2013 chỉ còn dưới 50 ha. Nếu so sánh cách đây chừng 10 năm, diện tích atisô Đà Lạt đã liên tục giảm xuống đến hơn 70%. Theo ông Lê Vĩnh Tiến, chủ Công ty TNHH Trà Atisô Vĩnh Tiến, Đà Lạt, nguyên nhân chính dẫn đến người nông dân Đà Lạt đang phá bỏ dần diện tích trồng atisô là do thiếu nguồn giống mới khoẻ mạnh hơn, trong khi nguồn giống cũ tái sinh cho vụ trồng mới hàng năm là nguồn giống đang có triệu chứng thoái hoá, khả năng kháng bệnh thấp, gặp điều kiện thời tiết thay đổi thường thất thu, hiệu quả kinh tế ngày càng sút giảm.
Phân tích thêm, một kỹ sư ở Phòng Kỹ thuật thuộc Công ty TNHH Trà Atisô Vĩnh Tiến cho rằng: Người nông dân trồng atisô Đà Lạt từ trước đến nay chỉ trồng mỗi năm một vụ. Thời điểm tạo mầm atisô trồng mới bắt đầu từ tháng 6, tháng 7 năm trước, chăm sóc đến tháng 2 năm sau bắt đầu thu hoạch lá; tháng 3, tháng 4 tiếp theo thu hoạch thân, rễ, bông. Thu hoạch đến đâu, chọn gốc khoẻ mạnh đến đó để tạo mầm cây mới trồng cho niên vụ liền sau đó - bắt đầu từ tháng 6 và tháng 7. Chủ yếu có 2 cách tạo mầm giống atisô trồng vụ kế tiếp là: cắt sát gốc cây cũ, làm cỏ, bón phân, cây sẽ nứt mầm rồi chăm sóc thành cây cho vụ mới; hoặc chọn những gốc cây khoẻ mạnh nhất, bứng lên khỏi mặt đất rồi cắt dọc 4 phần thành 4 hom giống, gieo xuống đất trở lại để mọc lên mầm cây giống cho vụ mới.
Việc tạo giống truyền thống bằng cách tạo mới từ gốc cây cũ như trên, đã khiến cho cây atisô vụ mới thường mang mầm bệnh sót lại từ gốc cây mùa trước, khó có thể sạch bệnh hoàn toàn. Nhưng cũng có nhiều hộ nông dân tạo giống hom mới từ lúc gốc cây atisô còn thân trắng - tức cây chưa đủ độ “chín”- để trồng trái vụ nhưng thường mầm cây mới này cho năng suất rất thấp, chất lượng không cao… Theo đó, cây atisô Đà Lạt mỗi năm chỉ thu hoạch trong cùng một thời điểm, thường gặp tình trạng được mùa mất giá. Còn cây atisô trồng trái vụ theo cách dăm cành non như vậy, thường năng suất thấp, chất lượng lại kém nên lợi nhuận lại không cao. Hệ quả nông dân bỏ dần atisô để trồng hoa như đã nêu trên.
Mong muốn tạo ra nguồn giống atisô sạch bệnh, trồng và thu hoạch liên tục 12 tháng trong năm, Công ty TNHH Trà Atisô Vĩnh Tiến Đà Lạt với đội ngũ nhiều kỹ sư trẻ, đã chịu khó nghiên cứu tạo giống atisô cấy mô từ năm 2009. Một phòng cấy mô được xây dựng từ đây, nguồn giống atisô đầu dòng được chọn từ vùng chuyên canh atisô Thái Phiên, Đà Lạt. Đến tháng 6 năm 2010, 500 giống cây atisô cấy mô đầu tiên của công ty chính thức trồng thử nghiệm trên 500 mét vuông ở Vạn Thành, Đà Lạt. Đây là thời điểm cùng trồng chính vụ atisô của nông dân Đà Lạt. Qua theo dõi, tỷ lệ cây sống đạt từ 90%-95%. Chăm sóc theo quy trình an toàn, một năm sau thu hoạch đạt năng suất ngang bằng với những vườn atisô chăm sóc tốt nhất của nông dân Đà Lạt cùng thời điểm. Đến tháng 12/2011, Công ty TNHH Trà Atisô Vĩnh Tiến, Đà Lạt tiếp tục xuống giống atisô cấy mô thử nghiệm lần thứ hai, trồng trên 1,6 sào đất ở khu Đất Mới và khu Vạn Thành, Đà Lạt. Đây là thời điểm trồng trái vụ, nhưng sau gần 7 tháng chăm sóc - đến gần giữa tháng 7/2012, hầu h
ết cây phát triển đạt yêu cầu, độ cao trung bình từ 0,8m-1m, tán lá rộng, nhiều gốc cây đã bắt đầu trổ màu đen, tức là cây đã “chín”, có thể thu hoạch chế biến thành nhiều dòng sản phẩm trà atisô chất lượng cao…

Ông chủ Công ty TNHH Trà Atisô Vĩnh Tiến, Đà Lạt cho biết thêm, đã có nhiều hộ nông dân Đà Lạt đến công ty mua giống atisô cấy mô của công ty về trồng thử nghiệm trong vài tháng gần đây. 
Nông dân nói rằng, nếu trồng, thu hoạch thành công giống atisô cấy mô với bất kể thời gian nào trong năm ở Đà Lạt như Công ty TNHH Trà Atisô Vĩnh Tiến đã trồng thì chắc chắn nông dân sẽ khôi phục, phát triển thêm nhiều diện tích atisô trồng luân canh với từng lứa rau cao cấp của Đà Lạt trong thời gian tới. Đây là một tín hiệu lạc quan trong việc giữ lại và tạo lợi thế mới cho giống cây dược liệu atisô truyền thống, đặc thù của cao nguyên Đà Lạt.
Thứ Ba, 17/07/2012 (GMT+7)